Cảm ơn cô, "người nhóm lửa" đưa em đến với NGHỀ GIÁO

20/11/2021 07:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi đã nhìn cô để ước ao sau này mình cũng được như thế. Và rồi, niềm ao ước trở thành cô giáo cứ lớn dần trong tôi mỗi ngày.

Ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường tôi đã mang trong lòng niềm khao khát được trở thành cô giáo trong khi bao bạn bè cùng trang lứa lại chọn cho mình một nghề khác có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

Tôi ước ao đến cháy bỏng sẽ được đứng trên bục giảng, được gặp gỡ học sinh mỗi ngày, được vui cười bên các em, được chăm lo cho những học sinh nghèo khó.

Cô giáo Đỗ Minh Nguyệt (Ảnh tác giả)

Cô giáo Đỗ Minh Nguyệt (Ảnh tác giả)

Những khao khát được ăn sâu bén rễ không phải ngày một ngày hai, không phải là một phút bốc đồng của tuổi trẻ. Tôi hiểu hơn ai hết vì sao mình lại có quyết định như vậy. Ngay từ khi bước chân vào trường cấp 3, tôi đã may mắn được học với cô giáo dạy Văn, cô Đỗ Minh Nguyệt.

Yêu trò như con

Cô đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng tôi mà nhiều học sinh thời ấy. Cô không chỉ đẹp người còn đẹp nết. Cô yêu chúng tôi bằng tình yêu của người chị, người mẹ.

Không chỉ truyền dạy kiến thức, cô luôn chỉ bảo tận tình từng lời ăn tiếng nói, từng cách đối nhân xử thế với mọi người. Với chúng tôi thời ấy, cô là thần tượng, là cô tiên trong lòng.

Tôi còn nhớ như in những lần được đi cùng cô đến thăm nhà từng bạn trong lớp. Cô lên kế hoạch đi thăm nhà những học sinh ở xa trường nhất (khoảng 50 km cả đi và về) để hiểu rõ hơn gia cảnh của các bạn.

Vậy là, mỗi tuần cứ đến chủ nhật, hai cô trò lại đi. Thời ấy, chỉ đạp chiếc xe cọc cạch trên những con đường làng gập ghềnh sỏi đất, gặp ngày mưa đất nhão như bùn bám chặt xe như muốn níu giữ lại. Để cho kịp đi về trong ngày không bị khuya, cô trò đạt xe bất chấp trời mưa gió hay cái nắng oi nồng của trưa hè.

Đến nhà mỗi bạn cũng chỉ kịp vào nhà uống vài hớp nước, cô nói chuyện một tý với phụ huynh rồi lại lên đường đi tiếp. Những hôm đi xa, hai cô trò về đến nhà có khi đã 9 giờ đêm, vừa mệt vừa đói.

Cũng vì biết nên cô thấu hiểu nỗi vất vả đường xa để cảm thông với các bạn học sinh xa nhà mỗi khi đến lớp muộn.

Là lớp chuyên văn nên hàng năm cũng có tham gia một số kỳ thi học sinh giỏi. Cô dốc lòng ôn tập cho đội tuyển bất kể giờ giấc nào mà chẳng bao giờ lấy một đồng tiền công. Những ngày ôn thi đại học, tôi và một số bạn còn ở luôn lại nhà cô, đứa nào cũng tranh nhau được nằm gần bên cô.

Cô dặn dò chúng tôi cố gắng học, cô kể cho chúng tôi nghe biết bao nhiêu chuyện từ thời còn đi học phổ thông đã cố gắng thế nào để thi đậu đại học, thời là sinh viên sư phạm đã nỗ lực ra sao để có kiến thức tự tin đứng trên bục giảng.

Có đêm, cô trò lại rong ruổi trên đường để hít thở khí trời, tận hưởng không khí đồng quê cho thư thái những ngày tháng ôn tập miệt mài.

Chúng tôi lớn hơn qua từng bài giảng

Cô giảng bài rất hay, những bài giảng văn của cô đưa chúng tôi phiêu lưu qua các miền đất lạ, dạy cho chúng tôi lòng nhân ái, bao dung với mọi người.

Thời ấy, chưa có nhiều kênh thông tin như bây giờ, sách báo cũng vô cùng hiếm. Những kiến thức được học gần như chỉ gói gọn trong mấy cuốn sách giáo khoa. Có những thầy cô lúc ấy khi dạy học cũng gần như trung thành với sách. Nghĩa là sách nói gì, viết gì thì giảng cho chúng tôi thế đó.

Tuy nhiên học văn với cô lại hoàn toàn khác, cô cũng thường nói lớp mình là chuyên văn nên cần phải biết, phải hiểu hơn những điều không có trong sách.

Mỗi tiết dạy văn của cô, chúng tôi được nghe giảng say sưa, được biết thêm những tác phẩm, tác giả cùng thời và trước đó, được hiểu thêm những tác phẩm kinh điển của văn học nước ngoài, được chép lại những câu nói trở thành danh ngôn để làm tư liệu minh chứng khi làm văn sau này.

Giờ dạy của cô, với chúng tôi, chẳng khác gì một nghệ sĩ tài ba đang biểu diễn. Tôi nhập tâm từng lời giảng, nhờ đó tôi và nhiều bạn đã tích lũy cho mình một vốn văn học đủ dùng cho ngành nghề lựa chọn về sau.

Tôi đã nhìn cô để ước ao sau này mình cũng được như thế. Và rồi, niềm ao ước trở thành cô giáo cứ lớn dần trong tôi mỗi ngày.

Trở thành đồng nghiệp của cô

Yêu cô, yêu từng bài giảng của cô, yêu những hình ảnh cô chăm sóc học trò và những tình cảm mà các lứa học trò dành cho cô, ước mơ trở thành nhà giáo trong tôi cứ lớn mãi, lớn mãi.

Dù thời đó, bố mẹ đã hướng cho tôi đi một ngành nghề khác có cuộc sống tốt hơn nghề giáo nhưng bản thân đã nhất quyết không chịu.

Năm 1994 tôi đã trở thành đồng nghiệp của cô. Sau ánh hào quang của nghề cao quý, tôi thật sự đối mặt với những khó khăn, vất vả của nghề giáo mang lại. Sống xa nhà với đồng lương thực nhận lúc ấy chỉ 120 ngàn đồng quả thật vô cùng khó khăn, vất vả.

Ngoài đồng lương èo ọp, thì nghề giáo không có thêm một khoản thu nhập nào khác. Ngày tết, trong khi bao ngành nghề được lương tháng 13, được tiền thưởng tết thì chúng tôi cũng chẳng có thêm đồng nào.

Đã thế, áp lực công việc lại nhiều, suốt cả ngày dạy trên trường, vừa lo dạy học vừa lo giáo dục học sinh, đêm về lại chong đèn để soạn bài, lo bài giảng cho ngày hôm sau.

Ngoài ra, còn phải tham gia nhiều phong trào của trường, của ngành tổ chức. Nào là học trò thi, rồi thầy cô giáo thi, giáo viên cứ quay cuồng như con thoi.

Xong việc trường lại lo đến việc nhà, nếu cứ trông chờ vào đồng lương nhà giáo thì lấy gì mua được miếng đất, làm được cái chòi để trú nắng trú mưa?

Thế rồi, ai nấy cũng phải kiếm việc làm thêm. Người lo chạy dịch vụ tổ chức đám cưới, người xin đi biển vào cuối tuần, người làm tài xế tắc xi, người mở căng tin bán hàng cho học sinh. Phải vất vả sớm hôm mới có thể ổn định được cuộc sống.

Cũng đã có không ít lần, suy nghĩ đổi nghề nhưng rồi đằng sau những vất vả, khốn khó ấy, nghề giáo cũng đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui.

Đó là tình cảm yêu thương của học sinh, sự trân trọng của phụ huynh dành cho nhà giáo. Đã có những ngày đến lớp, học sinh chạy vào ôm chầm lấy cô nói rằng con yêu cô lắm. Có phụ huynh gọi điện nói rằng bé bảo thần tượng cô nên cô nói gì con cũng làm theo hết.

Có những em dù đã học cô hơn 20 năm nhưng cứ vào những ngày kỷ niệm lại nhắn tin, hỏi thăm cô về cuộc sống. Mỗi khi có dịp lại đến nhà thăm cô và cùng ôn lại kỷ niệm.

Có những phụ huynh thầy cô cũng không nhớ đã dạy con họ khi nào nhưng mỗi khi gặp mặt vẫn hồ hỡi hỏi han với sự thân thiện, chân tình. Lại có người tình nguyện giúp đỡ, khi xong việc mới cho biết rằng “cô là cô giáo của con tôi ngày đó”.

Cái nghèo vật chất nếu ta biết cố gắng, biết nỗ lực thì cuộc sống cũng dần ổn định nhưng cái giàu ân tình mới thật là khó kiếm. Đã không ít lần, tôi đã phải thốt lên nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo.

Phan Tuyết