Cảnh báo giả mạo đề thi môn Ngữ văn của Bộ

25/06/2020 06:17
Bài, ảnh: Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mạng xã hội Facebook đang lan truyền đề thi môn Ngữ văn mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đoán đề cho kì thi tốt nghiệp năm 2020.

Nhiều ngày qua, fanpage Văn Học Và Những Cảm Nhận đăng tải đề thi môn Ngữ văn mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạonhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhất là học sinh lớp 12.

Theo đó, đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc tương tự đề minh họa kì thi tốt nghiệp của Bộ năm 2020, với lời chú thích: “đề luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 xác suất ra thi 99%”.

Nội dung đề thi giả mạo như sau:

Nội dung đề thi giả mạo

Nội dung đề thi giả mạo

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích:

Đáng tiếc hiện nay trên mạng xã hội, rất nhiều thông tin thiếu kiểm chứng được đăng tải, copy và share với tốc độ chóng mặt làm nhiễu loạn dư luận. Đặc biệt, những tin tức giật gân câu views theo kiểu xâm phạm đời tư của những người nhiễm bệnh bị đào bới, thọc mạch và tung hê một cách thiếu ý thức và vi phạm nghiêm trọng.

Trước hết, phải thấy rằng, người nhiễm virus SARS-CoVid-19 là những bệnh nhân. Vì lý do này hay lý do khác, họ cũng chỉ là nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu. Khi họ mắc bệnh thì cũng như bao người bệnh khác phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý. Trong khi cả hệ thống y tế đang ra sức chữa trị thì cộng đồng đừng vì thế mà “đeo vào cổ họ” thêm căn bệnh tinh thần không đáng có.

Về phía người mắc Covid-19, nếu khai báo thiếu trung thực, chủ quan, vô tình mắc bệnh mà chưa kịp cách ly với cộng đồng gây lây lan bệnh dịch thì việc này sẽ có cơ quan chức năng xử lý theo quy định tuỳ theo mức độ vi phạm.

Điều ai cũng hiểu, nếu bản thân bị nhiễm bệnh sẽ gây hại trước hết cho bản thân, rồi tiếp đó là lây cho người thân, gia đình, bạn bè rồi mới đến những người quen, những người tiếp xúc. Vậy hỏi rằng có ai muốn như vậy?

Người bệnh, dù là ai, giầu hay nghèo, quan chức hay dân thường, hiện tại Nhà nước ta đều đang điều trị miễn phí với chế độ chăm sóc công bằng và hết sức có thể để giúp họ khỏi bệnh.

Việc kỳ thị, bới móc đời tư, thóa mạ người bệnh là hành vi đáng lên án. Làm như vậy sẽ gieo rắc tâm lý sợ hãi đến cộng đồng, khiến người nghi mình nhiễm bệnh cũng không dám hé răng, không đi khai báo. Người bị bệnh sợ hãi không muốn công khai đến các cơ sở y tế. Điều này thật vô cùng nguy hiểm!

Chưa kể, kẻ xấu lợi dụng bệnh dịch Covid-19 để nói xấu chế độ, chống phá trên không gian mạng. Qua đó, nhiều người thiếu thông tin, không kiểm chứng rõ ràng đã vội vã share, comment một cách thiếu ý thức càng gây ra những hiểu lầm, hỗn loạn khó kiểm soát.

Luật an ninh mạng, luật y tế cũng quy định rõ ràng về nhưng hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không tỉnh táo, khôn ngoan nhiều người sẽ rất dễ mắc vào những sai phạm phải trả giá.

Đáng thương cho người bệnh thì càng đáng trách, đáng lên án hơn cho những hành vi sai phạm, coi thường quy định, kỳ thị, soi mói đời tư và thóa mạ người bệnh, gieo rắc tâm lý sơ hãi khiến cho công tác chống dịch càng thêm khó khăn.

Chỉ một vài người vô trách nhiệm, thiếu ý thức sẽ khiến bao công sức của nhiều người đổ sông, đổ bể.

Cuộc sống mùa dịch đã mang đến bao khó khăn, bất ổn và lo lắng. Xin đừng đổ thêm gánh nặng và tổn thương cho người khác và những con người đang phải nỗ lực cố gắng đẩy lùi bệnh tật.

Đừng vô tình biến mình thành đồng minh của virus vô cảm, virus thiếu trách nhiệm, vô minh.

(Theo trang web //www.bachmai.gov.vn/, “Kỳ thị, bới móc đời tư người mắc Covid-19 là hành vi đáng lên án”, ngày 12/3/2020).

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, những tin tức giật gân câu view theo kiểu xâm phạm đời tư của người bị bệnh thể hiện thế nào?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh chị, anh (chị) hãy cho biết thế nào là sự kì thị?

Câu 4. Lời khuyên “Đừng vô tình biến mình thành đồng minh của virus vô cảm, virus vô minh” có ý nghĩa gì với anh (chị)?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự kì thị.

Câu 2 (5 điểm)

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...”

(Theo Ngữ văn 12, tập 1, NXB giáo dục Việt Nam, 2019)

Cảm nhận của anh (chị) về sự gắn bó của đất nước với con người trong đoạn thơ trên.

Fanpage này cũng đăng tải thông tin thất thiệt

Fanpage này cũng đăng tải thông tin thất thiệt

Điều đáng nói là, đề thi này có đóng dấu treo bằng mộc đỏ hẳn hoi, nhận được sự chia sẻ chóng mặt của cộng đồng mạng. Hiện fanpage Văn Học Và Những Cảm Nhận có hơn 500.000 người yêu thích và theo dõi.

Ngoài ra, fanpage này cũng đăng tải thông tin thất thiệt 7 tác phẩm văn học có khả năng cao được ra đề cho kì thi tốt nghiệp năm nay là: “Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm); “Việt Bắc” (Tố Hữu); Sóng (Xuân Quỳnh); “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân).

Qua bài viết, chúng tôi mong muốn, học sinh lớp 12 tuyệt đối không chia sẻ những thông tin giả mạo này.

Các em cần nghe theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo bộ môn để có hướng ôn tập cho tốt, tránh tình trạng đoán già đoán non đề thi mà sao nhãng việc học.

Bài, ảnh: Phan Thế Hoài