Cô giáo Sài Gòn trong lòng đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Quảng Bình

11/02/2021 06:30
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người trẻ nơi đây đã ít dần, nhưng các già bản thì còn "ham" trở lại hang đá lắm. Mỗi năm cứ đến mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau rừng có khi vài ba tháng mới về nhà.

Nhà giáo trong lòng dân

“Chị vừa xuống sân bay Quảng Bình để đi thăm và trao quà cho đồng bào người Rục. Em có nhớ 50 năm trước người Rục rời hang về hòa nhập với cộng đồng không?"

Tôi nói với chị, chị đúng là giáo viên nhân dân trong lòng mọi người. Một năm đi biết bao tỉnh thành để tặng sách cho trẻ em, cho giáo viên, tặng quà cho người nghèo ở tận những vùng xa heo hút. Chị cười nói rằng mình làm không để cầu danh, làm vì cái tâm thôi thúc.

Người tôi nói đến chính là cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường vào bản MÒ O - Ồ Ồ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đường vào bản MÒ O - Ồ Ồ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền mặc áo xanh đứng phía ngoài bên trái (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền mặc áo xanh đứng phía ngoài bên trái (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tôi biết, sau những chuyến đi từ thiện ngoài miền Trung đến với các trường học bị ngập lụt tận miền sơn cước, đến với những đứa trẻ đói cơm rách áo và đói cả văn hóa đọc, khi trở về, cô giáo Thu Hiền đã bị bệnh nhiều ngày. Vậy mà, vừa rời khỏi giường bệnh, điều cô nghĩ đến đầu tiên vẫn là đi làm từ thiện.

Và lần này, điểm đến của cô là MÒ O - Ồ Ồ, một bản làng của người Rục ở Minh Hóa - Quảng Bình. Một cái tên bản làng nghe cũng rất lạ.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền cho biết: “Bản Mò O Ồ Ồ nơi cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam đang sinh sống - người Rục ở Minh Hóa, Quảng Bình, nằm khá sâu trong núi.

Đã hơn 50 năm rời hang đá, về hòa nhập với cộng đồng nhưng những người Rục vẫn còn "nặng lòng" với cuộc sống hoang sơ, gắn với tự nhiên, nơi rừng sâu, hang đá...

Qua tìm hiểu, người trẻ nơi đây đã ít dần, nhưng các già bản thì còn "ham" trở lại hang đá lắm. Mỗi năm cứ đến mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau vào rừng, có khi vài ba tháng mới về nhà.

Những món quà ý nghĩa, mang nặng tình cảm

Thay mặt nhiều nhà hảo tâm, cô Thu Hiền đã trao 81 phần quà trị giá 32 triệu đồng cho 60 hộ người Rục và 21 hộ còn lại là người Mày, người Sách, người Chứt ..

Những món quà được trao (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những món quà được trao (Ảnh nhân vật cung cấp)

Mỗi phần quà bao gồm: 1 xô đựng nước 35 lít, 3 xoong nhôm Hải Phòng cỡ 26-22-18, 1kg đường, 1/2 kg bột ngọt, 1 lít dầu ăn, 1 gói bánh và 6 ly uống nước - trong đó có 2 ly có nắp.

Bà con rất vui khi được nhận những phần quà rất hữu ích cho cuộc sống. Có người nói: "Chưa Tết đã thấy ấm rồi". Có chị đang cấy ngoài ruộng quần áo dính đầy bùn chạy về nhận quà nhìn mà thương quá.

Cô giáo Hiền và anh trưởng bản (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô giáo Hiền và anh trưởng bản (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô Thu Hiền nói anh trưởng bản còn rất trẻ chỉ tầm 30 tuổi và nói chuyện rất dễ thương. Trưởng bản cảm ơn đoàn đã tặng quà và dặn bà con không được dùng quà đem đi đổi rượu.

Phan Tuyết