Cô Phan Tuyết cho rằng, chương trình ngữ văn mới đã có nhiều sửa đổi

01/08/2018 06:07
Phan Tuyết
(GDVN) - So với chương trình cũ, chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể.

LTS: Trước những thay đổi so với chương trình hiện hành cả về cách thức dạy và học lẫn kỹ năng đánh giá học sinh, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ về chương trình ngữ văn mới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi công bố chương trình ngữ văn mới nhiều thầy cô giáo và một số chuyên gia giáo dục đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc: dạy và học những văn bản, tác phẩm nào trong nhà trường là phù hợp?

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cho biết Ban soạn thảo đã chỉnh sửa và được Hội đồng thẩm định quốc gia nhất trí với đề xuất như sau:

Bên cạnh những văn bản tùy chọn, chương trình quy định một số văn bản bắt buộc và văn bản bắt buộc lựa chọn như sau:

Những nội dung của chương trình mới

Các tác phẩm bắt buộc: Nam quốc sơn hà (thời Lý); Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Truyện Kiều của Nguyễn Du; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. 

Cô Phan Tuyết cho rằng, chương trình ngữ văn mới đã có nhiều sửa đổi ảnh 1Chọn tác phẩm văn học khó như mời khách dự đám cưới

Các tác phẩm tự chọn bắt buộc gồm văn học dân gian và văn học viết. Chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam.

Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng).

Chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam; chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc ít người Việt Nam; chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng.

Văn học Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau đây:

Thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi; Thơ chữ Hán của Nguyễn Du; Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương; Thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu; Thơ Nôm của Nguyễn Khuyến; Truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh;

Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nam Cao; Tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng; Thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8; Thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng 8; Kịch của Nguyễn Huy Tưởng; Truyện ngắn, kí của Nguyễn Tuân; Kịch của Lưu Quang Vũ.

Văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau đây: Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp – La Mã, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngoài ra còn một số tác phẩm tùy chọn khác.

Điểm khác biệt của chương trình Ngữ văn mới so với chương trình cũ là chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.

Chương trình Ngữ văn mới sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. (Ảnh minh họa: cand.com.vn).
Chương trình Ngữ văn mới sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. (Ảnh minh họa: cand.com.vn).

Nói về chuyện này, thầy Đỗ Ngọc Thống cho biết, chương trình không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể để dành một khoảng trống lớn dành cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên tự chủ, sáng tạo.

Chỉ quy định một số tác phẩm bắt buộc tiêu biểu của văn học dân tộc, còn lại gợi ý một danh sách mở cho tác giả sách giáo khoa tự chọn và có thể bổ sung nhiều tác phẩm khác, miễn là đáp ứng được các yêu cầu cần đạt và tiêu chí lựa chọn văn bản đã nêu trong chương trình.

Điều quan trọng nhất với chương trình mới là yêu cầu đổi mới cách dạy và cách kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực.

Vì thế, xây dựng chương trình theo hướng mở sẽ tạo điều kiện cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên giỏi phát huy quyền tự chủ, sáng tạo, mới có thể đa dạng hóa các nguồn thông tin trong dạy học.

Giáo viên không thể thụ động

Dạy học theo chương trình Ngữ văn mới theo hướng mở, đòi hỏi giáo viên dạy văn phải thật sự vận động cả trong cách “thu nạp kiến thức” cho bản thân và cách dạy học trên lớp.

Để có những giờ giảng hay, những tiết dạy có chất lượng, để học sinh tiếp thu bài một cách hiệu quả thì người thầy phải “nằm lòng” chính những tác phẩm ấy.

Cô Phan Tuyết cho rằng, chương trình ngữ văn mới đã có nhiều sửa đổi ảnh 3Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Thế nhưng một thực tế hiện nay, không ít giáo viên dạy văn ở các trường học  có vốn kiến thức về văn học khá nghèo nàn.

Một số thầy cô dạy văn chia sẻ: “Bao năm đi dạy chưa hề đọc được một tác phẩm văn học nào trọn vẹn. Kiến thức có được chỉ nhờ tiếp thu trong thời gian 3-4 năm ngồi trên giảng đường”.

Dạy về một tác phẩm văn học nhưng một số thầy cô dạy văn lại chưa hề đọc hết tác phẩm (ngoài một vài đoạn trích minh họa trong sách giáo khoa).

Không có sự bổ sung, tiếp nối, vốn kiến thức nghèo nàn, ít ỏi nhiều thầy cô cứ mang ra “xài miết” năm này qua năm khác.

Với chương trình mới được thiết kế theo hướng mở như hiện nay sẽ là khó khăn, thách thức với không ít giáo viên.

Dù chương trình mới có được đánh giá là hoàn hảo nhưng giáo viên không chịu vận động, không chịu thoát ra khỏi cách dạy thụ động, áp đặt như hiện nay thì mục tiêu giáo dục được đặt ra cũng khó mà thực hiện được.

Phan Tuyết