Có sinh viên tại chức, không cần đến lớp vẫn qua môn và tốt nghiệp

28/02/2019 06:16
Vũ Ninh
(GDVN) - Có một nghịch lý và bất cập đang tồn tại trong nền giáo dục của Việt Nam: Học càng lên cao việc học càng nhàn và rảnh việc.

Không cần đến lớp vẫn ung dung qua môn

Tình trạng học bát nháo, lộn xộn diễn ra phổ biến tại các lớp cao học và tại chức.

Tháng 6 năm 2018, V.T.H được nhận hợp đồng tại một cơ quan nhà nước. Tốt nghiệp đại học Luật, H. đang theo đuổi chương trình học cao học.

Theo như đúng lịch học, mỗi tuần H. phải lên Hà Nội học hai buổi vào thứ 7 và chủ nhật.

Nhưng theo H cho biết đã 2 tháng nay H. không đến lớp, cũng không biết mặt giảng viên, bạn cùng lớp.

Có sinh viên tại chức, không cần đến lớp vẫn qua môn và tốt nghiệp ảnh 1Người ta mua bằng giả để làm gì?

"Do thời gian bận rộn và không sắp xếp được lịch, tôi có thuê một người học hộ trọn gói, mỗi buổi 100.000 đồng.

Một tháng phải trả cho họ 800.000 đồng.

Những hôm có bài tập kiểm tra thì mức giá thuê cũng khác thường khoảng 200.000 đồng.

Tôi thuê trọn gói, yêu cầu không cao chỉ cần chăm chỉ và điểm danh. Những thứ khác như điểm số hoàn toàn có thể lo được".

Theo H., không đâu nhàn như học cao học tại Việt Nam.

"Vấn đề này tôi biết, bạn học tôi biết, thầy giáo tôi biết, cả xã hội biết nhưng mọi người đều coi như thỏa hiệp với nó.

Tôi không đưa ra một đánh giá phiến diện nhưng có phải ít nhất gần nửa lớp tôi đang học thuê người học hộ hoặc thi hộ.

Lý do thì ai cũng cần cái bằng để chuẩn công chức hoặc thêm vào hồ sơ chứ mấy ai quan tâm đến kiến thức đó sẽ áp dụng vào việc gì sau này.

Thêm nữa những người học cao học hoặc tại chức thường đang đi làm nên quỹ thời gian cũng eo hẹp".

Theo lời H. giới thiệu phóng viên tham gia các nhóm học hộ, thi hộ và chứng kiến cảnh người thuê, người nhận học hộ nhan nhản, công khai.

Có chị học viên nọ, nghiên cứu sinh kia vì bận việc chăm con thuê người học hộ trọn gói.

Hay có anh học viên thuê người làm bài kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp.

Những người này đều sử dụng tài khoản chính chủ với giọng điệu rất hùng hồn, không có vẻ gì tỏ ra xấu hổ về hành vi của mình.

Nhiều học viên sẵn sàng bỏ tiền thuê người học hộ tại chức, cao học (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều học viên sẵn sàng bỏ tiền thuê người học hộ tại chức, cao học (Ảnh: Vũ Ninh)

Bên cạnh hình thức học hộ, thi hộ cũng diễn ra rất nhức nhối.

Nếu học hộ là gian lận về thời gian học tập thì thi hộ là sự gian lận về chất xám và kiến thức.

Đ.P.D một học viên tại chức cho biết: "Mỗi lần có đợt kiểm tra hoặc thi là cả lớp lại nháo nhác thuê người thi hộ, làm bài tập hộ".

Hình thức thi hộ theo như D. cho biết có 2 hình thức chủ yếu: thi hộ trực tiếp và thi hộ gián tiếp.

Thi hộ trực tiếp học viên thuê người đóng giả mình để vào phòng làm bài.

Một số trường hợp giảng viên coi thi khó tính học viên làm giả chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên.

Thi hộ gián tiếp, học viên thuê người làm bài hộ sau đó gửi đề thông qua điện thoại hoặc các điện tử siêu nhỏ ra bên ngoài.

Người bên ngoài giải bài tập và gửi lại cho người vào trong chép.

Ngoài ra việc chép bài trong giờ kiểm tra cũng rất phổ biến. Ai cũng biết và đều làm lơ.

Chất lượng giáo dục tại chức, cao học không thể được quyết định ở bàn nhậu

Anh L.T.M (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ một câu chuyện:

"Đi xe chung với cậu em về quê ăn giỗ, thằng em cứ liên tục gọi điện cho thầy và bạn cùng lớp.

Với bạn có 2 chuyện nhắc nhở đóng tiền cho thầy và hẹn khi lên Hà Nội cả nhóm mời thầy đi nhậu một bữa.

Có sinh viên tại chức, không cần đến lớp vẫn qua môn và tốt nghiệp ảnh 3Xâm nhập đường dây làm luận văn, luận án từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ

Với thầy báo cáo cả lớp còn 2 bạn chưa đóng tiền, còn cam kết thầy đừng lo em sẽ thu đủ cho thầy.

Như vậy là mình biết chất lượng dạy và học được quyết định từ đâu rồi".

Đối với các học viên cao học hoặc tại chức 1 tiền gà 3 tiền thóc.

Tiền học phí không đáng bao nhiêu nhưng các khoản phụ thu nhiều gấp mấy lần nào tiền quỹ lớp, tiền quà cho thầy, lễ Tết.

Mới đây dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa ra trong đó quy định bằng đại học tại chức có giá trị giống như bằng đại học chính quy vì chỉ có một loại văn bằng chuẩn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy hệ tại chức tránh tình trạng cào bằng.

Học thuê, thi hộ đang là một vấn nạn của đào tạo tại chức, cao học (Ảnh: Vũ Ninh)
Học thuê, thi hộ đang là một vấn nạn của đào tạo tại chức, cao học (Ảnh: Vũ Ninh)

Thứ nhất về vấn đề xét tuyển trong khi các học sinh muốn thi đậu vào những trường Đại học top đầu ít nhất phải có học lực khác.

Học và ôn luyện miệt mài, có những người thi đến mấy năm mới đủ điểm. Đỗ đại học và học đại học 4 đến 5 năm mới có bằng .

Trong khi đó việc học tại chức, từ xa ai có nguyện vọng đều đăng ký được.

Thứ hai với chất lượng dạy và học còn nhiều bất cập như phóng viên đã phản ánh về tình trạng học hộ, thi hộ, xin điểm liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo.

Một học viên cho hay: "Có những cái luật bất thành văn từ đấy nảy sinh ra tiêu cực, chạy chọt, xin điểm.

Những chuyện này học viên biết, giảng viên biết, nhà báo biết, xã hội biết nhưng chẳng thay đổi được điều gì".

Vũ Ninh