Cử tri Đà Nẵng bức xúc vì những vấn đề nóng của giáo dục

27/11/2018 15:31
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều cử tri Đà Nẵng bày tỏ bức xúc vì nền giáo dục nước nhà đang phải vật lộn giữa những đổi mới, cải cách, đi ngược lại xu hướng của thế giới.

Ngày 27/11, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri Đà Nẵng bức xúc vì những tiêu cực trong giáo dục thời gian qua. Ảnh: TT
Cử tri Đà Nẵng bức xúc vì những tiêu cực trong giáo dục thời gian qua. Ảnh: TT

Một vấn đề nóng được các cử tri quan tâm, đề cập đến nhiều trong buổi tiếp xúc lần này là những bất cập, tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.

Cử tri cũng bày tỏ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã phần nào thể hiện được thực trạng điều hành của ngành này hiện nay.

Cử tri Huỳnh Luyến (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, giáo dục thời gian quá còn quá nhiều vấn đề lôi thôi, bất cập.

Cử tri Đà Nẵng than phiền với nhiều chính sách của ngành giáo dục

“Năm học mới bắt đầu nhưng không biết bao nhiêu giáo viên mất việc. Rồi tình trạng bạo lực học đường… Nguyên do là ở cách làm giáo dục, bốc không đúng thuốc.

Người ta mắc bệnh này mà bốc thuốc bệnh kia thì sao chữa trị dứt điểm được”, ông Luyến nói.

Cử tri này cũng đề nghị cung cấp cho Đoàn đại biểu Quốc hội một phương án gồm 4 bước để cải tổ nền giáo dục, gửi Đoàn kiến nghị lên các cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Du Kiếm (cử tri phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề như:

“Yêu cầu ông Bộ trưởng cho biết cái gốc của giáo dục hiện nay là gì? Xuất phát điểm của nó và điểm kết của nó là gì? Giáo dục từ lớp 1-12 thì cấp nào quan trọng nhất?

Và đến năm nào thì Bộ Giáo dục có một bộ sách giáo khoa thống nhất trên cả nước chứ không thể mỗi nơi một bộ, một kiểu”.

Cũng theo ông Kiếm thì không thể chấp nhận kiểu soạn sách giáo khoa dạng cóp nhặt như hiện nay mà phải có bộ khung, bộ sườn cơ bản.

“Kỳ thi 2 trong 1 vừa qua, một Tiến sĩ cũng phải mất 15-20 phút mới giải xong một bài toán, như vậy là quá khó. Do đó, cần phải thay đổi chứ không thể để nền giáo dục đi ngược lại với xu hướng thế giới được”, ông Kiếm nói.

Trao đổi với cử tri về vấn đề giáo dục, ông Trương Quang Nghĩa – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri với ngành giáo dục.

Những ý kiến này đã được gửi gắm với đoàn trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, trong đó chủ yếu vẫn là việc xây dựng Luật Giáo dục.

“Luật Giáo dục sẽ phải được sửa trong thời gian tới. Kỳ họp vừa rồi là kỳ 1 trong 3 kỳ họp để bàn việc sửa đổi và thông qua Luật Giáo dục.

Mong cử tri tiếp tục đóng góp để hoàn thiện Bộ Luật này, có thể gửi bằng văn bản để Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp.

Từ nay đến kỳ họp sau, chúng ta sẽ tiếp tục có ý kiến cho đến kỳ họp thứ 3 phải thông qua. Theo tôi thì vấn đề căn cơ của giáo dục là từ Luật”, ông Nghĩa nói.

Về vấn đề giáo viên thì ông Nghĩa nói có chịu sự tác động từ các Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các địa phương.

“Trách nhiệm với giáo viên một phần do Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định. Bước vào năm học mới, giáo viên mầm non ở Đà Nẵng thiếu rất nhiều.

Giải quyết vấn đề này như thế nào thì ngay Đà Nẵng cũng cần khắc phục”, ông Nghĩa nói.

Tấn Tài