Đã tự chủ đại học thì lương đừng cào bằng, giảng viên phải sống được bằng nghề

09/12/2020 06:34
Tiến sĩ Phạm Long
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một giảng viên ở Việt Nam, một học kỳ có thể dạy 6, 7 hay 8 lớp - quá nặng, lấy đâu thời gian mà nghiên cứu, tiền lương cũng không tăng.

Tiến sĩ Phạm Long – Giảng viên Đại học Louisiana (Hoa Kỳ) đã chia sẻ một số quan điểm cá nhân của Tiến sĩ để hướng tới tự chủ đại học ở Việt Nam thành công.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết đến độc giả.

Trường Đại học Mỹ và bài học cho Việt Nam

Trong các mối quan hệ ở cơ quan hay tổ chức bên ngoài, người Mỹ rất “chặt chẽ”, luôn căn cứ vào luật pháp, các quy định điều tiết, và những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng/tài liệu. Nhìn chung, người Á Đông, thì vô cùng “linh hoạt”. Đó chính là sự khác biệt lớn.

Lấy một ví dụ đơn giản như sau, khi tuyển một giảng viên trong một trường đại học ở Mỹ, nếu hợp đồng quy định một học kỳ giảng 3 lớp (một năm 6 lớp), thì cứ thế mà tuân thủ cho đến khi về hưu. Nếu trường muốn người giảng viên đó dạy thêm một lớp, là phải xin ý kiến giảng viên, đồng thời lớp đó là overload và phải trả thêm tiền ngoài lương.

Tiến sĩ Phạm Long – Giảng viên Đại học Louisiana (Hoa Kỳ). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ Phạm Long – Giảng viên Đại học Louisiana (Hoa Kỳ). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở Việt Nam, nhiều khi thấy “đồng cảm” với giảng viên quá. Một giảng viên một học kỳ dạy 6, 7 hay 8 lớp - quá nặng, lấy đâu thời gian mà nghiên cứu, tiền lương cũng không tăng. Các trường không nên đòi hỏi giảng viên phải có ISI/Scopus. Không nên chỉ nhìn “ngọn cây”, mà quên mất phải nuôi dưỡng “gốc cây”.

Chiến lược cho hệ thống đại học Việt Nam như sau. Các trường top, mỗi giảng viên một kỳ giảng một lớp, yêu cầu nghiên cứu khắt khe, đăng công trình trên tạp chí rất tốt. Các trường nhóm 2 (nhóm trường tốt và tiệm cận ở mức tinh hoa, ở đó các giáo sư vừa phải giảng dạy tốt và đồng thời cũng phải chú trọng nghiên cứu ở một chừng mực nào đó), mỗi giảng viên một kỳ giảng 2 lớp, yêu cầu nghiên cứu nghiêm túc, công trình đăng trên tạp chí tốt.

Các trường nhóm 3 (nhóm trường lấy trọng tâm là giảng dạy, ở đó giảng dạy tốt và trang bị được các kỹ năng ứng dụng thực tiễn cho sinh viên để sinh viên tốt nghiệp có thể hoà nhập và làm việc hiệu quả ngay là thành công rồi), mỗi giảng viên một kỳ giảng 3 lớp, yêu cầu nghiên cứu, công trình đăng trên tạp chí tiệm cận tốt.

Cuối cùng, các trường nhóm 4, mỗi giảng viên một kỳ giảng 4 lớp, chất lượng giảng dạy là tiêu chuẩn đánh giá số 1, nghiên cứu cho có “gia vị”, để cuộc sống thêm vui.

Muốn vậy, trường đại học phải có một chiến lược cụ thể, phải có chính sách, văn bản, và làm việc dựa trên hợp đồng ký kết và tuân thủ giữa trường và giảng viên, không được linh hoạt “ngất trời”! Quan trọng hơn là phải đảm bảo người giảng viên sống được bằng nghề của mình.

Ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Ảnh minh họa, nguồn: TDTU.

Muốn sống được bằng nghề, trước mắt các trường đại học ở Việt Nam phải thu hút sinh viên đến học ở trường. Tự chủ rồi, hãy đem phần lớn cái bánh “học phí” mà chia cho chính giảng viên, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều!

Đã tự chủ thì cần dỡ bỏ toàn bộ hệ thống lương theo cấp bậc “tuyến tính”

Hãy “dỡ bỏ” tư duy truyền thống lạc hậu ở nhiều lĩnh vực thì mới có cơ hội thành công. Mấu chốt là phải đảm bảo cuộc sống tốt cho giảng viên trẻ khi bắt đầu sự nghiệp giảng viên; để họ hứng khởi, yên tâm công tác, và có nhiều động lực, hoài bão trên bước đường giảng dạy và nghiên cứu.

Thu nhập cho họ khi bắt đầu là giảng viên phải theo đúng tín hiệu của “thị trường”, tại thời điểm tuyển dụng. Lương là câu chuyện của từng cá nhân với trường, và hợp đồng tuyển dụng là những điều khoản pháp lý mà cá nhân và trường phải tuân thủ.

Nói thẳng ra luôn: Lương (thu nhập) của họ (đã có bằng tiến sĩ) khi được tuyển dụng nên tiệm cận hay tương đương với mức của các giáo sư lâu năm trong trường, thậm chí có thể cao hơn, vì các mức giá cả trên các thị trường đã thay đổi theo hướng tăng.

Mở rộng ra hơn nữa, đã tự chủ thì phải dỡ bỏ toàn bộ hệ thống lương theo cấp bậc “tuyến tính” đi. Tự chủ tức không có sự cào bằng, không nên duy trì lương tiến sĩ thì như nhau, lương phó giáo sư như nhau, lương giáo sư như nhau.

Chính cái “như nhau” này đang cản trở sự phát triển của các trường đại học. Tư duy phải hướng tới lương tiến sĩ trong danh sách tuyển dụng mới có thể cao (thấp) hơn cả lương giáo sư đang làm việc trong trường, tuỳ ngành, tuỳ lĩnh vực, và cung cầu trên thị trường ở thời điểm tuyển dụng.

Bỏ luôn cả phụ cấp/hệ số lãnh đạo đi. Duy trì những cái này là không công bằng, là phân biệt đối xử.

Tất cả hãy quy ra lương, và chỉ lương mà thôi, cho từng vị trí. Khi trường “làm ăn” tốt, tất cả mọi người được tăng định kỳ một con số phần trăm như nhau. Khi trường “làm ăn” không tốt, tất cả giảng viên đều đồng loạt bị giảm một con số phần trăm như nhau; tiếp tục không tốt, phải sa thải theo thứ tự phân loại.

Để tạo động lực cho mọi người cống hiến và có thành tích cao trong từng lĩnh vực, nên xây dựng một danh mục các hoạt động khuyến khích và cơ chế thưởng rõ ràng, minh bạch. Danh mục các hoạt động khuyến khích này là nền tảng để các giáo sư lâu năm và giảng viên trẻ có bằng tiến sĩ thực sự tương tác, hợp tác, hay thậm chí “cọ xát” lành mạnh, trên bước đường hướng tới thu nhập cao, nếu muốn.

Tiến sĩ Phạm Long