Đang công bố dự thảo 20 môn học trong chương trình mới

19/01/2018 16:52
Thùy Linh
(GDVN) - 16h ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Căn cứ Chương trình tổng thể đã được thông qua hồi tháng 7/2017, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng dự thảo chương trình môn học ở các cấp học với 20 môn, trong đó các môn sẽ có mộ số nội dung đổi mới.

Dự thảo sẽ được lấy ý kiến công luận trong ​2 tháng, sau đó ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.

Cụ thể, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì các môn học như hiện hành, các môn học mới sẽ xuất hiện và được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Ở cấp Trung học cơ sở, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Thùy Linh)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Thùy Linh)

Ở cấp Trung học phổ thông, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả 3 cấp học là Hoạt động trải nghiệm.

Những đổi mới trong chương trình các môn học 

Chương trình môn Ngoại ngữ

Chương trình môn Ngoại ngữ gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn. 

Trong đó, tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 12. 

Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). 

Các kỹ năng ngôn giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Môn Tiếng Việt - Ngữ văn

Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. 

Môn Toán

Môn Toán là môn học bắt buộc và được phân chia theo hai giai đoạn. 

Giai đoạn giáo dục cơ bản: giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. 

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Môn Giáo dục công dân

Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế.

Đang công bố dự thảo 20 môn học trong chương trình mới ảnh 2Toàn cảnh nội dung tích hợp Lịch sử và Địa Lý trong chương trình mới

Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung môn học định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Chương trình môn Tự nhiên và xã hội

Môn học này sẽ tập trung vào 6 chủ đề là gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, Trái Đất và bầu trời. 

So với chương trình hiện hành, chương trình Tự nhiên và xã hội mới tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở, đồng thời cập nhật hoặc đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh. 

Chẳng hạn như: không dạy các nội dung về đơn vị hành chính (làng, xã/phường; huyện/quận; tỉnh/thành phố) và các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp,…. ở tỉnh/thành phố.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý (lớp 4, lớp 5)

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Mục tiêu của môn học này sẽ góp phần hình thành các phẩm chất tốt đẹp (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm);

Các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và các năng lực chuyên môn của lịch sử và địa lý (năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; năng lực quan sát, tìm tòi, khám phá môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; năng lực vận dụng các kiến thức lịch sử và địa lý vào thực tiễn) để học tập các môn học khác cũng như để học tập suốt đời.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý (Trung học cơ sở)

Chương trình môn học này thể hiện ở ba mức độ tích hợp nội dung Lịch sử và Địa lý là:

Tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục Lịch sử và giáo dục Địa lý);  tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai phân môn và tích hợp tạo thành chủ đề chung.

Đang công bố dự thảo 20 môn học trong chương trình mới ảnh 3“Tích hợp, đồng sàng dị mộng”

Điểm khác cơ bản so với chương trình hiện nay là nếu như chương trình và sách giáo khoa Lịch sử hiện nay viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử Việt Nam thì nội dung Lịch sử trong chương trình mới ở trung học cơ sở lấy trục lịch đại (thời gian làm trục xuyên suốt, vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế nội môn theo mô hình: thế giới – khu vực – Việt Nam – lịch sử địa phương.

Trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Đây là điểm mới trong cấu trúc, trong tích hợp của phân môn lịch sử.

Chương trình môn Lịch sử

Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội. 

Điểm mới so với chương trình hiện hành là trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở.

Chương trình môn Địa lí

Chương trình môn Địa lý được thiết kế theo ba mạch: đại cương, thế giới, Việt Nam từ lớp 10 đến lớp 12 gồm cả kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung địa lý đã học ở cấp trung học cơ sở.

Chương trình môn Khoa học

Chương trình bao gồm 6 chủ đề là: chất; năng lượng; thực vật và động vật; nấm, vi khuẩn, virus; con người và sức khỏe; sinh vật và môi trường. Những chủ đề này được phát triển từ lớp 4 đến lớp 5. 

Đang công bố dự thảo 20 môn học trong chương trình mới ảnh 4Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”

So với chương trình hiện hành, chương trình tinh giản một số nội dung chồng chéo với môn học khác hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở.

Môn Khoa học tự nhiên

Khoa học tự nhiên là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất,... Đối tượng nghiên cứu của Khoa học tự nhiên là các sự vật, hiện tượng, quá trình, các thuộc tính cơ bản về sự tồn tại, vận động của thế giới tự nhiên.

Chương trình môn Vật lí

Chương trình môn Vật lý ở cấp trung học phổ thông, trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình môn Vật lý lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến những vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ.

Chương trình môn Hoá học

Chương trình môn Hóa học gồm 3 mạch nội dung cốt lõi : Kiến thức cơ sở hóa học chung; Kiến thức Hóa học vô cơ và kiến thức Hóa học hữu cơ. Trục phát triển chính của Chương trình môn Hóa học là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hoá học.

Chương trình môn Sinh học

Chương trình môn Sinh học sẽ bao quát các cấp độ tổ chức sống gồm phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Mỗi cấp độ tổ chức sống bao gồm cấu trúc, chức năng; mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống.

Đối với môn Công nghệ

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ cho học sinh được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học và môn Công nghệ ở trung học. Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, là môn học lựa chọn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Đối với môn Tin học

Môn học này giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa; hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới.

Chương trình môn Giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Nội dung của môn học này sẽ được chia thành hai giai đoạn cơ bản: 

Giai đoạn giáo dục cơ bản (ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở). Chương trình triển khai theo 4 mạch: Đội hình đội ngũ; Vận động cơ bản; Bài tập thể dục; Thể thao tự chọn.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Chương trình môn Âm nhạc

Những thay đổi chủ yếu ở môn học này là:

Thứ nhất, chương trình được mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được dạy ở trường trung học phổ thông.

Thứ hai, chương trình được hoàn thiện về nội dung dạy học, lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình.

Thứ ba, chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Thứ tư, chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc.

Thứ năm, chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè,...

Thứ sáu, chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc,...

Với môn Mỹ thuật

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mỹ thuật được thực hiện dạy học ở cả ba cấp và được chia thành hai giai đoạn: 

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Mỹ thuật là môn học bắt buộc

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề: Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Chương trình hoạt động trải nghiệm/ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, hoạt động này được gọi là Hoạt động trải nghiệm; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông, được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.  

Chương trình Hoạt động trải nghiệm bao gồm các nội dung hoạt động: Hoạt động phát triển cá nhân, Hoạt động lao động, Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp. 

Bốn nội dung hoạt động này được thực hiện thông qua bốn loại hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. 

Thùy Linh