Đào tạo giáo viên, không thể xem nhẹ thực tập sư phạm

31/12/2016 06:39
Sông Trà
(GDVN) - Để có thể dạy được chương trình học cả ngày thì sinh viên sư phạm phải có nhiều thời gian thực tập hơn.

LTS: Đứng trước những mục tiêu trong lộ trình đổi mới giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, tác giả Sông Trà cho rằng công tác đào tạo giáo viên cũng cần thay đổi.

Theo tác giả, nên đầu tư nhiều hơn cho hoạt động thực tập sư phạm để giáo viên làm quen với công việc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mục tiêu của chiến lược đổi mới giáo dục là đến năm 2020, có 90% trường tiểu học, 50% trường trung học cơ sở dạy học 2 buổi/ngày. 

Với chương trình dạy học cả ngày, nội dung dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ có những thay đổi quan trọng.

Theo đó, đòi hỏi phải đổi mới phương thức đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đảm bảo tính phù hợp, học đi đôi với thực hành.

Theo thống kê, cả nước hiện có 133 cơ sở giáo dục đào tạo ngành Sư phạm, với 376.000 sinh viên đang theo học, chiếm 15,5% quy mô sinh viên cả nước. 

Công tác đào tạo giáo viên cần được chú trọng đổi mới. (Ảnh: Thanhnien.vn)
Công tác đào tạo giáo viên cần được chú trọng đổi mới. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Tuy nhiên, có điều đáng lo nhất là điểm đầu vào của sinh viên sư phạm không được cải thiện, thậm chí có trường ngày càng thấp. 

Mặt khác, chương trình đào tạo cũng đã cũ kĩ, lạc hậu về tri thức khoa học so với khu vực và thế giới. 

Các môn học bổ trợ chưa được tăng cường, nhiều kĩ năng mềm chưa được trang bị cho sinh viên. Các môn học nghiệp vụ về giáo dục học, tâm lý học… ít được chú trọng, thời gian dành cho thực tập môn học không có. 

Có nhiều trường Sư phạm ở các đại phương chưa được trang bị phòng học có ứng dụng công nghệ thông tin, thư viện số hóa, thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo… 

Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá, giỏi cao nhưng năng lực thực tế còn yếu. 

Mức độ tâm huyết và chất lượng chuyên môn của một bộ phận không nhỏ thầy giáo hiện nay còn hạn chế, yếu kém nhiều, trở thành “vật cản” lớn đối với quá trình đổi mới giáo dục.

Theo dự kiến, đến năm học 2018-2019, cả nước thực hiện chương trình giáo dục mới với hình thức cuốn chiếu. 

Đào tạo giáo viên, không thể xem nhẹ thực tập sư phạm ảnh 2

Kỹ năng sư phạm của giáo viên, đừng là quả thị trong mơ?

Dạy học tích hợp (liên môn, đa môn, xuyên môn) được chú trọng.

Dạy học tự chọn, phân hóa càng rõ nét ở bậc trung học phổ thông, nhất là lớp 11 và 12. 

Giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm được tăng cường giúp học sinh tự tin, nhạy bén, sáng tạo trong hoạt động, giao tiếp tập thể, cộng đồng. 

Rõ ràng, trước những yêu cầu, thay đổi lớn lao như vậy của ngành giáo dục thì các trường sư phạm, nơi đào tạo, cung ứng đội ngũ nhà giáo không thể đứng ngoài cuộc. 

Theo tôi, đội ngũ giảng viên trường sư phạm cần được đào tạo, tập huấn, cập nhật mục tiêu giáo dục mới cũng như nền tảng kiến thức và phương pháp dạy học hiện đại. 

Các giáo trình xưa cũ, lạc hậu lâu nay cần được thay thế, biên soạn bằng giáo trình tiên tiến, bám sát nội dung chương trình dạy học mới ở phổ thông. 

Tiến tới đào tạo giáo viên dạy đa môn. Đầu tư tốt cho các trường sư phạm trọng điểm, hạn chế hoặc cắt bỏ các trường, các lớp không đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn. 

Đây cũng là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vạch ra trong thời gian tới. Vấn đề chính là ở lộ trình tổ chức, thực hiện cho có hiệu quả, đi đúng hướng. 

Các chuyên gia giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các trường tiểu học, trung học cơ sở cho rằng, để có thể dạy được chương trình học cả ngày thì sinh viên sư phạm phải có nhiều thời gian thực tập hơn. 

Đào tạo giáo viên, không thể xem nhẹ thực tập sư phạm ảnh 3

Đổi mới thành hay bại là do lựa chọn, quyết định của các thày, cô

Mặt khác, giáo trình giảng dạy cần viết lại cho phù hợp với chương trình học mới vì ngoài các môn học cơ bản, học sinh còn được tham gia các môn nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ năng sống. 

Mỗi năm, nước ta cần hàng chục nghìn giáo viên thay thế, bổ sung. 

Ngay từ bây giờ, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp. 

Muốn được vậy, Bộ GD&ĐT và các trường đào tạo sư phạm cần ngồi lại với nhau.

Theo đó, cắt giảm bớt những môn chung, những nội dung, kiến thức không cần thiết hoặc trùng lặp, học đi học lại nhiều lần để tăng thêm thời lượng cho các môn học, chuyên đề về tâm lý, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm.

Tăng cường học về phương pháp sư phạm, tư vấn nghề nghiệp, giáo dục cảm hóa học sinh chưa ngoan…

Lâu nay, sinh viên sư phạm đến năm cuối mới tổ chức thực tập tại các cơ sở giáo dục, với thời lượng ít ỏi khoảng 4-8 tuần, chỉ được đánh giá 5 tiết thực dạy. 

Cách thực tập “cưỡi xem hoa” như thế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên khi ra trường, đứng lớp gặp không ít lúng túng, khó khăn. 

Do đó, theo chúng tôi, những người trong cuộc, hoạt động thực tập sinh viên sư phạm cần đặc biệt chú trọng, ngay từ năm thứ nhất, thứ hai, đã cho giáo sinh đến thực tập, rèn luyện, làm quen với môi trường phổ thông…

Kết quả, điểm số của các đợt thực tập có “sức nặng” trong đánh giá, xếp loại toàn khóa học của sinh viên. 

Vai trò, trách nhiệm của nhà trường, các thầy, cô giáo - bậc đàn anh, người đi trước trong việc dìu dắt, hướng dẫn thực tập cho các đàn em - sinh viên sư phạm cũng được xem xét, có cơ chế phối hợp thật tốt.

Cần tránh tình trạng giáo viên hướng dẫn thực tập thường không quan tâm hay bỏ bê, mặc cho các em sinh viên sư phạm tha hồ “bơi” tự do, được chăng hay chớ. 

Trong thực tế, có nhiều em từng than phiền về một số nhà trường, thầy cô giáo hướng dẫn rất hời hợt, thiếu trách nhiệm, chẳng học hỏi được gì.

Sông Trà