Điều chỉnh sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều không như kì vọng!

28/12/2020 06:06
Bài, ảnh: Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua hai lần chỉnh sửa nhưng ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều vẫn gây trở ngại cho học sinh khi sử dụng quyển sách này.

Chỉnh sửa bởi áp lực dư luận?

Vừa bước vào năm học mới 2020-2021, sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều đã khiến dư luận dậy sóng bởi nhiều ngữ liệu trong sách không phù hợp với học sinh chỉ mới lên 6.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và các tác giả đã tiếp thu (có phần miễn cưỡng?) ý kiến của dư luận, thầy cô giáo và các nhà khoa học, để biên soạn tài liệu để bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu ở quyển sách này.

Ngày 15/11/2020, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công bố tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều để xin ý kiến Nhân dân.

Theo đó, ở phần ngữ liệu, sách bổ sung 11 bài đọc cho 11 bài bị cho là không phù hợp để giáo viên có thể sử dụng thay thế, cùng nhiều điều chỉnh liên quan từ ngữ trong các bài học.

Thế nhưng, phần ngữ liệu thay thế này được cho là không phù hợp, mang tính chữa cháy, thậm chí đây cách làm đối phó trước làn sóng phẫn nộ của dư luận.

Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ rõ những sai sót của ngữ liệu chỉnh sửa, bổ sung này qua bài viết “Hình hài sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều thế nào sau khi được chỉnh sửa?” đăng tải ngày 16/11/2020.

Đó là, phần ngữ liệu và từ ngữ được chỉnh sửa chưa ổn, bởi ba lí do: thứ nhất, ngữ liệu thay thế vẫn còn những từ ngữ xa lạ với học sinh lớp Một, khiến các em không hiểu được và giáo viên phải mất công giải thích;

Thứ hai, về từ ngữ thay thế cũng còn một số bất cập như: thay “dưa đỏ” bằng “quả dưa”, từ “gà nhép” vẫn để nguyên… là chưa ổn;

Thứ ba, việc sắp đặt các con vật thành cặp với nhau như “hổ” và “thỏ” là không hợp lo-gic.

Tiếp đến, ngày 23/12/2020, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải tài liệu sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép điều chỉnh kèm Công văn số 5240 của Bộ ký ngày 3/12/2020.

Về ngữ liệu, có 13 “bài đọc thay thế” cho 13 bài bị cho là không phù hợp trong quyển sách này.

Tài liệu gồm 2 phần: phần 1 đưa ra 13 bài đọc thay thế cho 13 bài trong sách để giáo viên sử dụng.

Phần 2, bỏ hẳn các từ ngữ như “quà... quà”, “hí hóp”, “thở hí hóp”, “nhá dưa”...; “gà nhép” được thay bằng “gà nhí”, “nom” được thay bằng từ “trông”...

Sách chỉnh sửa không như kì vọng!

Về phần ngữ liệu chỉnh sửa (cuối cùng?) này, thực lòng mà nói không như dư luận kì vọng, vì sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều sai có hệ thống về: từ ngữ, văn hóa, phóng tác truyện ngụ ngôn tùy tiện, kể cả nội dung bài học thiếu mạch lạc – chưa bàn đến chuyện hay dở.

Chúng tôi đã đọc hết 13 bài được thay thế và nhận xét, cách hành văn xơ cứng, khiên cưỡng, thậm chí lắp ghép một cách cơ học các câu với nhau để tạo thành bài, khiến học sinh lớp 1 rất khó nhớ.

Dễ nhận thấy, nhóm tác giả rất thích dùng kiểu câu khẳng định có cấu trúc: “chủ ngữ” + “tính từ” tạo ra cách nói xơ cứng – hoàn toàn xa lạ với cách nói năng hàng ngày của người Việt.

Chẳng hạn như: “Phố tấp nập và đẹp lắm” (Phố Thợ Nhuộm); “Hồ sen đẹp lắm” (Hồ sen); Biển thật là đẹp” (Sáng sớm trên biển); “Cuốn lịch rất đẹp” (Lịch bàn).

Hơn nữa, học sinh khi đã quen cách diễn đạt kiểu như “đẹp lắm”, “thật là đẹp”, “rất đẹp” thì rất khó dạy các em triển khai ý cho bài văn miêu tả ở các lớp trên – vì đây là cách nói khái quát, chung chung, khen sự vật vô thưởng vô phạt.

Hay bài đọc thay thế “Nhớ bố” (thay cho bài “Lỡ tí ti mà) cũng lặp lại cách nói “X có Y” của nhiều bài trong sách: “Bố Thơ là thợ mỏ. Bố ở xa nhà. Ở nhà có mẹ, có Thơ, có bé Tộ. Cả nhà nhớ bố”.

(Ẩnh do tác giả cung cấp)

(Ẩnh do tác giả cung cấp)

Một lần nữa chúng tôi – người nghiên cứu ngôn ngữ - khẳng định, người Việt không ăn nói thế này, mà đúng hơn đây là cách nói của những ông, bà Tây ngọng khi học tiếng Việt.

Hoặc văn bản “Mưa”, liệt kê các câu rời rạc với nhau để thành văn bản mà chẳng có chất văn chút nào.

“Mưa đổ xuống. Các con vật tìm chỗ trú mưa.

Bọ dừa trốn mưa nhờ đám lá dừa. Cánh cam trốn mưa ở khóm lúa. Chim sẻ nấp ở cành chanh. Kiến nép bên gốc nấm. Nấm như một chiếc ô che cho nó.

Ếch và ễnh ương không sợ mưa”.

Chưa kể, văn bản này có một câu diễn đạt rất lạ kì: “Bọ dừa trốn mưa nhờ đám lá dừa”. Người Việt thường nói: “Bọ dừa trốn mưa dưới đám là dừa” mới hợp logic.

(Ảnh do tác giả cung cấp)

(Ảnh do tác giả cung cấp)

Ngoài ra, ở phần tập viết (trang 5) vẫn sử dụng phương ngữ “quả muỗm” gây khó khăn cho cả thầy và trò với từ ngữ này.

Bàn về việc đưa phương ngữ vào sách giáo khoa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Tiếng Việt và Ngữ văn quốc gia năm 2018 cho rằng, điều này là cần thiết, vấn đề là dạy khi nào và dạy như thế nào cho học sinh mà thôi.

“Có những phương ngữ phổ biến đến mức gần như trở thành phổ thông như các tên gọi má, ba (phương ngữ Nam Bộ).

Trường phổ thông dạy phương ngữ để học sinh có cơ hội làm giàu hơn vốn ngôn ngữ của mình, đáp ứng mục tiêu tìm hiểu tính phong phú của tiếng Việt, chưa kể từ phương ngữ sẽ giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa” (tài liệu tham khảo 7).

Để rộng đường dư luận, có nên đưa phương ngữ vào sách giáo khoa bậc tiểu học hay không, chúng tôi đã hỏi ý kiến một Tiến sĩ Ngôn ngữ học (xin giấu tên), là tác giả sách Tiếng Việt bậc trung học phổ thông trước năm 2000, thì thầy khẳng định: đây là cách làm sai lầm về phương pháp dạy phương ngữ đã được giới Ngôn ngữ học đề cập nhiều ở các giáo trình.

“Sách giáo khoa bậc tiểu học chỉ dạy từ ngữ phổ thông để phù hợp cho tất cả học sinh ở các vùng miền. Còn chuyện muốn cho học sinh hiểu thêm về phương ngữ thì đó là việc của từng giáo viên trong lúc dạy, là quyền của người thầy nếu cảm thấy cần thiết”, vị Tiến sĩ nói thêm.

Nhìn chung, tuy đã qua hai lần chỉnh sửa nhưng ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều vẫn gây trở ngại cho học sinh – kể cả giáo viên khi sử dụng quyển sách này.

Trăn trở lắm thay…

Tài liệu tham khảo:

[1] //laodong.vn/giao-duc/cong-bo-phuong-an-chinh-sua-sach-giao-khoa-tieng-viet-1-bo-canh-dieu-854680.ldo

[2] //tuoitre.vn/sach-giao-khoa-tieng-viet-1-cua-bo-canh-dieu-duoc-dieu-chinh-the-nao-20201223151326688.htm

[3] //m.thanhnien.vn/giao-duc/sach-tieng-viet-canh-dieu-dieu-chinh-co-dap-ung-duoc-mong-moi-1320852.html?fbclid=IwAR0_AALVyA3O0SXfPxd5ejEJeIjZd3l_KtVJe4B6u9F9h6r7YyqtUI5kfd4

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hinh-hai-sach-tieng-viet-1-canh-dieu-the-nao-sau-khi-duoc-chinh-sua-post213634.gd

[5] //sachcanhdieu.com/product/tai-lieu-dieu-chinh-va-bo-sung-ngu-lieu-sach-giao-khoa-tieng-viet-1-chinh-thuc/?fbclid=IwAR2a9vX_BQXnB2JHts06Rhj6HWBVIVx75bJIA9zbXR65RluwAtxPo1Dt4vE#page/8

[6] //sachcanhdieu.com/product/tieng-viet-1-tap-mot/

[7] //www.sggp.org.vn/dua-phuong-ngu-vao-sgk-tieng-viet-lop-1-la-can-thiet-nhung-o-muc-do-phu-hop-kha-nang-tiep-nhan-cua-hoc-sinh-697025.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Bài, ảnh: Cao Nguyên