Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì?

26/07/2018 07:34
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Vạn sự khởi đầu nan, đầu xuôi đuôi lọt. Vì vậy, tạo cho học trò cảm xúc an toàn, thân thiện, tin cậy là điều quan trọng nhất đối với mỗi nhà trường.

LTS: Chia sẻ về vấn đề giáo dục tâm lý cũng như kiến thức cho trẻ khi bước vào môi trường học tập mới (đầu các cấp học), thầy giáo Sơn Quang Huyến - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Trong cuộc đời học trò của bất cứ ai, ngày đầu đi học mẫu giáo, lớp 1, lớp 6 hay lớp 10 đều đong đầy cảm xúc. Nhưng, nhiều nhất có lẽ là sự lạ lẫm với trường lớp, bạn bè, thầy cô giáo.

Vạn sự khởi đầu nan, đầu xuôi đuôi lọt. Vì vậy, tạo cho học trò cảm xúc an toàn, thân thiện, tin cậy là điều quan trọng nhất đối với mỗi nhà trường.

Với trẻ mầm non, nhà trường là nơi rất lạ với các cháu. Tâm sinh lý lứa tuổi này còn khó hòa nhập khi thiếu người thân.

Vì vậy, để chuẩn bị cho các cháu hòa nhập ngay từ buổi đầu vào lớp, nhà trường nên có vài buổi cho mẹ và bé làm quen với lớp, với bạn.

Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì? (Ảnh minh họa: kidsonline.edu.vn).
Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì? (Ảnh minh họa: kidsonline.edu.vn).

Những buổi đầu đến trường, có mẹ hay người quen, bé sẽ an tâm, tin tưởng, hòa nhập với các bạn tốt hơn. Chỉ vậy thôi, nhiều trường đã không có tiếng khóc ngày đầu vào lớp.

Lứa tuổi này cần đầy tình yêu, thương. Vì thế khi đón cháu, cần nhất là cả tấm lòng, giáo viên phải thực sự yêu thương con trẻ, hành vi này gần như đem lại niềm tin yêu tức thì cho các bé.

Tạm biệt búp bê xinh, bé lên lớp một. Những bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi với các bé đã hoàn thành chương trình dành cho trẻ 5 tuổi.

Thế nhưng cũng có không ít trẻ không có điều kiện này. Chuyển từ trạng thái chơi, sang trạng thái học, vì vậy không ít trẻ khó hòa nhập.

Để tạo tâm thế cho trẻ thoải mái, quen dần, thích nghi được với nhiệm vụ mới, một số trường đã cho học sinh nhóm lớp trước một tuần.

Giai đoạn này như chuyển tiếp tâm lý cho các cháu, cần đề ra một số trò chơi bắt buộc các cháu tập trung nghe giảng, làm điều thầy cô hướng dẫn.

Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì? ảnh 2Những cách giáo dục khác thay cho đánh đòn trẻ em

Nếu con có ý kiến riêng phải xin phép, các cô cho phép con trình bày ý kiến của mình, tôn trọng ý kiến của các con.

Giáo viên tuyệt đối không được áp đặt suy nghĩ người lớn cho con trẻ, cần có lời nói, hành vi tích cực với các con, mọi hành vi phải phục vụ cho trọng tâm đến trường là vui, vừa học vừa chơi.

Nhà trường cần cho mẹ và bé thời khóa biểu, các loại sách, vở, dụng cụ học tập, đồng phục… Tuần đầu các em làm quen trường, lớp, bạn mới, cô mới, kỷ luật mới, sách vở, dụng cụ học tập và cả tư thế ngồi học đúng. 

Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu bé tự sắp sách, vở, dụng cụ theo thời khóa biểu của từng ngày trong tuần, gia đình và giáo viên tuyệt đối không làm thay mà chỉ giúp đỡ khi bé chưa biết đọc.

Bên cạnh đó, nhà trường cần thông tin những điều nên làm cho phụ huynh, như động viên các con sau mỗi buổi học về, khen đúng, chê nhẹ nhàng, cùng song hành với giáo viên về quan điểm giáo dục trẻ.

Không nên làm mất “hình ảnh đẹp của người thầy” trong mắt con, khi nhận xét về giáo viên không nên nói trước mặt trẻ.

Đặc biệt, nhà trường nên động viên phụ huynh cùng học với trẻ trong giai đoạn đầu đời này.  Cha mẹ tuyệt đối không làm con trở nên là “báu vật”, “vua con”, “gia bảo” trong nhà, vì thói quen xấu này sẽ được trẻ mang đến lớp.

Một số trường còn bồi dưỡng nghiệp vụ, hành vi ứng xử cho giáo viên với các tình huống sư phạm không mong muốn. Chọn giáo viên có tâm với nghề, để dạy khối một.

Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì? ảnh 3Cô Minh, một người mẹ hiền

Việc học ở cấp một còn nhẹ nhàng về kiến thức, trẻ chưa phải tự ghi chép hay tổng hợp kiến thức. Lên lớp sáu, nội dung và phương pháp có nhiều mới mẻ so với cấp một.

Ở tiểu học, các con chỉ học với vài ba giáo viên, lên cấp hai, số lượng giáo viên tăng lên, mỗi người một kiểu, về giọng nói, phương pháp truyền đạt kiến thức, tổ chức dạy học. 

Các trường cần có hướng dẫn cho học sinh làm quen với phương pháp học mới, kiểm tra đánh giá mới.

Giáo viên bộ môn nói chậm hơn để học sinh dần làm quen, giới thiệu phương pháp đặc trưng của bộ môn để các em thích ứng.

Do đòi hỏi tốc độ ghi chép nhanh hơn, nên các con khó giữ được nét chữ đẹp trong những tiết học đầu vì vậy một số học sinh hoang mang.

Các thầy cô giáo nên giải thích cho các em bình tĩnh đón nhận và rèn luyện tốc độ ghi bài. 

Một số trường cho học sinh tiếp xúc với giáo viên bộ môn trước, thông qua các hoạt động đầu năm như tìm hiểu truyền thống nhà trường, bộ môn mới sắp học, hoạt động nhóm, lên kế hoạch học tập cho bản thân…

Bậc học này thường nảy sinh bạo lực học đường giữa học sinh với nhau. Đầu năm học nhà trường không thể thiếu công tác tuyên truyền phòng chống hành vi này.

Giáo dục cho học sinh biết cách tự phòng tránh, hợp tác với nhà trường, biết hậu quả của hành vi bạo lực, để trẻ không thể và không dám gây bạo lực với bạn bè.

Đón học trò đầu cấp, nhà trường nên làm gì? ảnh 4Trăm sự nhờ thầy, vậy khi nào thì mẹ cũng là cô giáo?

Một số nhà trường còn mời cán bộ tuyên truyền của công an về giáo dục luật giao thông cơ bản cho các em, phòng tránh tai nạn giao thông và thương tích học đường.

Vào bậc trung học phổ thông, các em vừa trải qua kỳ thi vất vả, nhiều em vẫn còn tâm lý xả hơi. Vì vậy việc đón học trò lớp mười cũng không thể không quan tâm.

Kiến thức và phương pháp dạy của bậc trung học phổ thông cũng có những khác biệt với trung học cơ sở.

Kiến thức rộng hơn, sâu hơn, đòi hỏi tư duy nhiều hơn, đặc biệt là phải có phương pháp tự học nếu muốn có kết quả tốt.

Một số trường đã giáo dục quốc phòng trước năm học cho học sinh lớp 10, qua hoạt động này giúp các em hòa nhập với bạn bè trong lớp, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động nhóm, thuyết trình…

Có đơn vị còn mời giáo viên có kinh nghiệm giới thiệu cho các em những đặc trưng của bậc học, phân luồng nghề nghiệp, khơi gợi ước mơ hoài bão cho học sinh.

Thông qua hoạt động này các em có định hướng tương lai nghề nghiệp cho mình, chuẩn bị tâm thế tốt cho năm học mới.

Năm học mới đang đến với mỗi học sinh và thầy cô giáo. Thành công là ước mơ của mọi người, để đến được với mục đích, đơn giản nhất là thực hiện năm điều Bác Hồ dạy học sinh.

Sơn Quang Huyến