Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học vừa thừa vừa thiếu

31/10/2019 06:55
Tùng Dương
(GDVN) - Thượng tầng muốn thay đổi, hạ tầng xã hội là các trường, người dân... đều muốn thay đổi, muốn tự chủ để tiến lên nhưng hệ thống ở giữa không muốn chuyển động.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Video: Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Giáo sư Lê Vinh Danh, chia sẻ:

Chúng ta có Nghị quyết 19 là Nghị quyết rất tiến bộ, có tính cách mạng và bao phủ rất nhiều vấn đề từ cơ chế quản lý, đến cách thức tổ chức, tự chủ về nhân sự, tài chính, chuyên môn…đều có đề cập.

Điều đó thể hiện ý thức của hệ thống chính trị rất quyết tâm về đổi mới sự nghiệp công lập, mà cụ thể ở đây là trường đại học công lập. Từ đó chúng ta mới có sự thay đổi của Luật Giáo dục Đại học này.

Nhưng hiện nay các luật có liên quan đến luật này lại đang sửa không kịp, nên khi vận hành luật này thì lại bị vướng.

Điểm nữa là hiện nay có tình trạng các bộ không muốn buông công việc và cũng không muốn thực hiện theo luật này.

Ví dụ cụ thể là Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thì mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ban hành Quyết định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, phủ luôn cả trường đại học và rất nhiều điều sai với chính luật đã ban hành.

Khi các bộ ngành và tương đương có thể làm việc đó một cách tùy tiện, thậm chí làm sai cả luật mà vẫn kí ban hành, thì rõ ràng là luật này không thể đi vào thực tế được, thậm chí tình trạng này kéo dài và phổ biến thì Nghị quyết 19 sẽ phá sản.

Như vậy thượng tầng kiến trúc muốn thay đổi, hạ tầng xã hội ở dưới là các trường, người dân, sinh viên…đều muốn thay đổi, đều muốn tự chủ để tiến lên nhưng hệ thống ở giữa không muốn chuyển động.

Có thể vì nhiều lý do không muốn mất quyền lực…nên họ không chịu buông, như vậy tầng giữa không buông thì đó chính là vật cản cho trên và dưới không thông nhau. Vậy chúng ta phải kiến nghị đến cấp cao hơn để chỉ đạo cho tầng giữa này.

Chúng ta phải đấu tranh trực tiếp vào các văn bản này, đây là những văn bản quan trọng, vì khi ban hành ra sẽ ảnh hưởng toàn diện đến các trường, vậy tôi xin góp ý cụ thể về 2 văn bản này.

Tôi thấy văn bản Dự thảo Nghị định này có 2 điều không ổn đó là cách tiếp cận, lẽ ra cách tiếp cận là điều trong luật đã ghi rõ rồi thì văn bản này không cần nhắc lại nữa, văn bản này chỉ cần hướng dẫn thi hành điều này, điều kia.

Những điều chưa rõ hoặc Luật giao cho Chính phủ, thay vì ta làm thẳng như vậy thì nay ta lại viết tràn lan, đả động gần như tất cả các điều, viết luôn cả những chuyện mà Luật đã quy định chi tiết rồi mà cũng bê vào. Tôi thấy cách tiếp cận như vậy không ổn.

Điểm thứ 2 là dự thảo này vừa thừa vừa thiếu, lẽ ra có những chỗ cần làm rõ vì các trường cần điều đó để vận hành, thì dự thảo lại né hoặc là không làm rõ. Ngược lại có những chuyện không cần làm rõ nữa vì trong luật viết rồi, thì dự thảo lại chép ra.

Ví dụ: Đối với điều 2 (đặt tên). Việc đặt tên của trường thành viên bằng cách có tên viết tắt của trường đại học lớn ở phía trên, rồi sau đó là tên tiếng Anh của trường thành viên, tên này rất là dài và không ai lại làm việc đó.

Điều này trong luật cũng không quy định, vậy tự nhiên làm sao chúng ta lại nghĩ ra một chuyện khác người như vậy? Những điều mà luật đã quy định rồi thì đó là chuyện cứng và chúng ta không có động tới.

Nhưng những việc mà luật không quy định thì lẽ ra Bộ phải giải thích, hoặc phải dự thảo theo hướng tiệm cận với quốc tế để trong nước và nước ngoài đều hiểu, nhưng thực tế ta lại đưa ra cách giải thích làm rắc rối vấn đề hơn.

Tên của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học. 

Chúng ta tự nghĩ ra cơ quan quản lý trực tiếp, mà lại không nói cụ thể đó là cơ quan nào? Như vậy việc đó tạo điều kiện cho sự diễn dịch theo hướng có lợi cho người nào có quyền.

Tại sao chúng ta không nói luôn là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp đại học tư thục, hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong trường hợp đại học công lập, nếu nói rõ như vậy thì mọi chuyện sẽ minh bạch.

Tùng Dương