Được cho "ôm" nhiều chức...thầy cô có sướng không?

02/08/2017 08:28
HỮU SƠN
(GDVN) - Một đơn vị trường học thường có từ vài chục đến cả trăm con người, nhưng tại sao một hay vài cán bộ, giáo viên lại phải kiêm nhiệm nhiều chức danh đến vậy?

LTS: Thực trạng một số cán bộ, giáo viên trong nhà trường hiện nay phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức danh đã gây ra tình trạng quá tải, mệt mỏi đối với các thầy cô.

Theo đó, tác giả Hữu Sơn cũng đặt ra câu hỏi về biểu hiện mất dân chủ, “vua một cõi” ở nhiều nhà trường hiện nay liệu có đang gia tăng?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Không ít trường phổ thông hiện nay, một số cán bộ, giáo viên phải gánh vác quá nhiều việc của chính quyền, đoàn thể, tổ chức đảng trong đơn vị nên đã gây ra tình trạng quá tải cùng với sự yếu về kém hiệu quả, chất lượng công việc không đạt yêu cầu.

Hình ảnh minh họa về sự vất vả của người giáo viên với đủ các loại giấy tờ, sổ sách, công việc (Ảnh: Tuoitrenews.vn)
Hình ảnh minh họa về sự vất vả của người giáo viên với đủ các loại giấy tờ, sổ sách, công việc (Ảnh: Tuoitrenews.vn)

Thầy T.A, đồng nghiệp của tôi, hiện là Phó Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở tỉnh Kon Tum cho biết: “Nhiều năm qua, một mình thầy phải đảm nhiệm đến 3 chức vụ: một là Phó Hiệu trưởng (lo chuyên môn, cơ sở vật chất, lao động, hoạt động phong trào vì nhà trường chỉ có 1 cấp phó); hai là Chủ tịch công đoàn cơ sở và ba là chi ủy viên của chi bộ đảng. Có thời điểm, thầy T.A làm không hết việc”.

Là chỗ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, tôi từng hỏi thầy T.A: “Có phải, anh tham nhiều chức, nhiều việc không? Tại sao chức Chủ tịch công đoàn lại do một Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm luôn?

Thầy T.A phân trần: “Tôi chẳng bao giờ muốn “ôm” nhiều chức, nhiều việc cho khổ, cho mệt mỏi cả, nhưng ở đây, nhiều trường có quy định “bất thành văn” như vậy nên đành phải chấp nhận và cố gắng gánh vác”.

Các đồng nghiệp của tôi ở nhiều tỉnh than thở: “Ngoài chức tổ trưởng chuyên môn, công việc thư ký hội đồng, tụi tôi còn phải gánh vác thêm chức Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân…

Nhiều thầy cô đã đề đạt lên Hiệu trưởng, Hội đồng sư phạm nhà trường xin cho rút bớt, chỉ nhận một chức thôi để làm cho tốt nhưng Hiệu trưởng cứ vận động, năn nỉ. Những công việc đó chỉ có các em làm được thôi, trường này có còn ai nữa đâu”. Vì nể nang lãnh đạo thế rồi lại cố gắng làm tiếp”. 

Theo quy định hiện hành, chế độ giảm tiết, phụ cấp trách nhiệm cho các chức vụ trong nhà trường chỉ được tính và hưởng 1 mức cao nhất. 

Từ những thực trạng, ví dụ cụ thể nêu trên, cho thấy các địa phương, nhà trường vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức và làm tốt công tác tổ chức “bộ máy” cán bộ ở đơn vị mình. 

Được cho "ôm" nhiều chức...thầy cô có sướng không? ảnh 2

Nguyên PCT nước chỉ ra nhiều vấn đề về thực trạng đội ngũ nhà giáo

Một đơn vị trường học thường có từ vài chục đến hàng trăm con người, thầy cô giáo, thế sao một hay vài cán bộ, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều chức danh đến vậy? 

Rõ ràng, một người được giao phó quá nhiều việc, nhiều chức thì khó có thể tập trung đầu tư, nghiên cứu, thực hiện chức trách một cách có hiệu quả cao được.

Một người nhưng phải làm nhiều “vai” chính quyền, tổ chức công đoàn, thanh tra nhân dân thì liệu có công bằng, khách quan, dân chủ, công khai hay không khi tổ chức thực hiện, khi kiểm tra, giám sát?

Phải chăng biểu hiện mất dân chủ ở nhiều nhà trường đang gia tăng, hiệu trưởng trở thành “vua một cõi” gây bức xúc trong giáo viên lâu nay.

Có lãnh đạo nhà trường chỉ thích giao việc, giao chức cho một số người mà họ tin tưởng, dễ sai bảo, nói đâu nghe đấy, thuận lợi cho những quyết sách của họ. 

Có một số cán bộ, giáo viên chúng ta lại mắc tật “tham quyền cố vị”, mình đã có tuổi, công nghệ thông tin ít thành thạo, công việc quản lý, điều hành, chuyên môn có dấu hiệu chậm chạp mà vẫn không chịu buông chức tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn cho những anh, chị em trẻ trung, năng động trong tổ, nhà trường làm. 

Nhiều Ban Giám hiệu do nể nang, sợ mất lòng những “cây cao bóng cả” nên cứ phân công, sắp xếp, bổ nhiệm những người ấy làm hết năm này, nhiệm kỳ này qua năm khác, nhiệm kỳ khác.

Đề xuất của cán bộ, giáo viên ở một số trường cần thay thế dần tổ trưởng chuyên môn đã “già nua” để hoạt động chuyên môn các tổ đi vào thực chất, hiệu quả hơn nhưng hiếm khi được lãnh đạo nhà trường lưu tâm, có ý thức đổi mới, chuyển hóa bằng quyết định sáng suốt. 

Cũng có giáo viên có năng lực làm việc nhưng lại luôn tìm cách trốn tránh, không muốn làm (vì sợ đụng chạm, tốn thời gian, ảnh hưởng đến dạy thêm….) khiến nhiều Ban Giám hiệu nhà trường phải “đau đầu”.        

HỮU SƠN