Giáo sư, phó giáo sư vào biên chế trường chuyên hưởng lương bậc 3, hệ số 3.0

16/03/2022 06:32
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức lương và môi trường làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên khó tương xứng với giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Ngày 16/7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND về việc quy định chế độ chính sách đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh; tám trường trung học cơ sở trọng điểm và chế độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh đối với cấp trung học cơ sở, quốc gia, khu vực, quốc tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ 100 - 220 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh trong điều kiện cam kết ít nhất 10 năm sẽ được hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 3/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế gửi Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Dự thảo có nội dung đáng chú ý là, "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người" - thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bàn về vấn đề này, bài viết Mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên không đúng Luật Giáo dục ngày 14/3/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, việc mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Nhận thấy việc mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên cần bàn bạc một cách thấu đáo, nhằm góp thêm tiếng nói cho ngành giáo dục các địa phương, cá nhân người viết xin có đôi điều tiếp tục chia sẻ.

Mức lương và môi trường làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên khó thích nghi với giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Mức lương và môi trường làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên khó thích nghi với giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư có tương xứng?

Giáo sư, phó giáo sư muốn công tác ở trường trung học phổ thông chuyên thì có 2 cách: thứ nhất, xin nghỉ việc ở trường đại học và nộp đơn thi/xét tuyển viên chức (tuyển dụng mới); thứ hai, dạy hợp đồng dạy thỉnh giảng (ở trường chuyên).

Tôi cho rằng, giáo sư, phó giáo sư cũng chẳng mấy ai chọn cách thứ nhất để được nhận hỗ trợ 1 tỷ đồng bởi liên quan đến mức lương của viên chức khi được tuyển dụng mới.

Cụ thể, Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chế độ, chính sách đối với người tập sự và người hướng dẫn tập sự, trong đó:

Trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 3 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.

Như thế, giáo sư, phó giáo sư được tuyển dụng mới giảng dạy ở trường trung học phổ thông được hưởng lương bậc 3. Giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III - mã số V.07.05.15 với hệ số lương khởi điểm là 3,0 theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, giáo sư, phó giáo sư phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III từ 6 năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì mới được hiệu trưởng cử tham gia thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II.

Nếu được thăng hạng II, giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Tương tự, giáo sư, phó giáo sư muốn thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu được thăng hạng I, giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.

Hay nói cách khác, giáo sư, phó giáo sư phải giảng dạy 12 năm (không kể thời gian tập sự) thì mới có thể hưởng lương ở hệ số cao nhất là 6.78.

Trong khi đó, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thì chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Vậy nên, không có lí do gì để giáo sư, phó giáo sư chấp nhận mức lương chỉ vài triệu đồng/tháng (bậc 3) và cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên để được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng. Tính trung bình mức lương tháng và tiền hỗ trợ thì giáo sư, phó giáo sư có tổng thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng - liệu có xứng đáng?

Giáo sư, phó giáo sư ngoài việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của cơ quan, đơn vị thì họ có thể làm thêm bằng cách tham gia thỉnh giảng, đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, biên soạn tài liệu... để kiếm thêm thu nhập (cao).

Giáo sư, phó giáo sư khó thích nghi công tác chuyên môn ở trường phổ thông

Giáo sư, phó giáo sư làm việc ở trường trung học phổ thông chuyên công lập phải thực hiện theo Luật Viên chức, Luật Giáo dục và hàng loạt văn bản dưới luật khác.

Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

- Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

- Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương...

Chiếu theo các quy định này, tôi thấy giáo sư, phó giáo sư khó thích nghi với những nhiệm vụ ở bậc trung học phổ thông vì những lí do sau đây.

Chẳng hạn, giáo sư, phó giáo sư phải chịu sự quản lí trực tiếp từ cấp tổ chuyên môn (tổ trưởng, tổ phó) đến lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó). Đơn cử, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thường có tuổi đời ít hơn giáo sư, phó giáo sư; học vị cũng thấp hơn, liệu các vị có hạ mình để lắng nghe, rồi làm theo chỉ đạo chuyên môn?

Lấy ví dụ, một số hoạt động chuyên môn khá xa lạ với giáo sư, phó giáo sư như: soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT (dài lê thê hàng chục chục trang); bồi dưỡng thường xuyên các module (nhiều module hình thức, nhai đi nhai lại kiến thức ở bậc đại học); dạy thao giảng và dự giờ thao giảng đồng nghiệp; họp hành liên miên; hoàn thành hàng loạt hồ sơ sổ sách...

Cùng với đó, khi học sinh tham gia các hoạt động giáo dục ngoài phạm vi lớp học, có khi các em phải đi xa đến địa phương khác thì thầy cô cũng phải đồng hành với các em, liệu giáo sư, phó giáo sư có kham nổi?

Nếu giáo sư, phó giáo sư không hoàn thành được một số công việc như đã dẫn, cho dù có giỏi chuyên môn cũng bị lãnh đạo đánh giá thấp khi phân loại viên chức cuối năm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điều 15 quy định tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi (trích): có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Và theo Luật Viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp: viên chức có 02 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ (Điều 29).

Như thế để thấy rằng, đề xuất giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng một người - là ý tưởng viển vông.

Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, việc mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên còn là nạn sùng bái bằng cấp, học hàm học vị.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-02-2021-NQ-HDND-che-do-chinh-sach-voi-truong-trung-hoc-pho-thong-Chuyen-Bac-Ninh-494533.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài