Giáo viên đau đầu tìm minh chứng không vi phạm đạo đức theo yêu cầu của Bộ

21/03/2021 06:22
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ gợi ý như vậy thì chỉ có những giáo viên bị kỷ luật, bị lập biên bản, bị xử lý mới có thể có minh chứng.

Ngày 22/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Sau đó, Bộ ban hành Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Từ đó đến nay, cứ vào cuối năm học thì giáo viên phải đi phô tô, chụp ảnh bằng cấp, chứng chỉ, kế hoạch, giáo án, phiếu dự giờ để làm minh chứng cho các tiêu chí của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT .

Trong năm học này, Bộ triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng và một lần nữa Bộ lại yêu cầu giáo viên cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.

Những giáo viên chưa tải minh chứng sẽ được... phần mềm "nhắc nhở" (Ảnh: Lê Minh)

Những giáo viên chưa tải minh chứng sẽ được... phần mềm "nhắc nhở" (Ảnh: Lê Minh)

Giáo viên vất vả đi tìm minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp

Bắt đầu tập huấn modul1 thì giáo viên được yêu cầu cập nhật rất nhiều thông tin cá nhân lên tài khoản của mình ở phần mềm tập huấn trực tuyến của Bộ. Trong đó, có cập nhật kết quả tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2019-2020.

Sau khi tập huấn xong 2 modul đầu, khi mà chuẩn bị mở modul thứ 3 thì giáo viên được yêu cầu bắt buộc phải tập hợp minh chứng và tải lên phần mềm.

Nhưng, có những tiêu chí biết tìm đâu ra để cập nhật lên phần mềm của Bộ? Bởi theo hướng dẫn trên phần mềm trực tuyến thì minh chứng được hướng dẫn như sau: “Minh chứng là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí”.

Tuy nhiên, đối với những tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chụp ảnh và đưa lên nhưng có những tiêu chí thì giáo viên rất khó khăn đi tìm minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp của mình.

Chẳng hạn, như tiêu chí 2- Phong cách nhà giáo thì Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng: “Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo;

- Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường/kết quả thực hiện nề nếp ra vào lớp, tiến độ thực hiện công việc... ghi nhận giáo viên có tác phong, phong cách làm việc phù hợp với công việc dạy học, giáo dục”.

Nhưng, lấy gì để minh chứng cho việc : “Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo”?.

Nếu Bộ gợi ý như vậy thì chỉ có những giáo viên bị kỷ luật, bị lập biên bản, bị xử lý mới có thể có minh chứng. Những thầy cô ăn mặc giản dị, nói năng chuẩn mực và không vi phạm đạo đức nhà giáo thì minh chứng bằng cái gì và ai đứng ra minh chứng cho giáo viên đây?

Tiêu chí 7- Tư vấn và hỗ trợ học sinh được Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng ở mức khá như sau: “Phiếu dự giờ/tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp/tiết sinh hoạt lớp được xếp loại khá trở lên hoặc biên bản họp cha mẹ học sinh trong đó ghi nhận giáo viên thực hiện được các biện pháp tư vấn và hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng học sinh;

- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có sự tiến bộ và kết quả học tập, rèn luyện học sinh hòa nhập có sự tiến bộ (nếu có); hoặc kết quả vận động học sinh dân tộc thiểu số đến lớp (nếu có)”.

Nói thật, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng khó có loại minh chứng cho tiêu chí này chứ chưa nói là giáo viên không làm công tác chủ nhiệm lớp. Nếu không chủ nhiệm lớp thì họ lấy đâu ra biên bản họp phụ huynh, giáo viên lấy đâu ra tiết ngoài giờ lên lớp hay sinh hoạt lớp để làm minh chứng?

Hơn nữa, khi dự giờ chuyên môn thì làm gì có mục tư vấn và hỗ trợ học sinh để giáo viên ghi vào phiếu dự giờ?

Ngoài ra, có rất nhiều tiêu chí mơ hồ, không thể tìm được minh chứng cụ thể, chính xác như: Tiêu chí 9-Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường; Tiêu chí 10- Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường;

Tiêu chí 11- Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; Tiêu chí 12- Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Tiêu chí 13- Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Những tiêu chí này nếu có kế hoạch, có biên bản thì đó là của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm. Vậy nên, khi bắt buộc phải tải phần mềm minh chứng thì giáo viên phải lên mượn kế hoạch của nhà trường để phô tô nhưng cũng có những tiêu chí không thể nào có được minh chứng....

Trong khi, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí; Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng; Giáo viên thì vất vả đi tìm minh chứng.

Vì thế, đa số các trường học trong những ngày qua thì bộ phận văn phòng liên tục phải giúp giáo viên lục lại hồ sơ cá nhân, các kế hoạch của nhà trường để tìm lại một số giấy tờ, kết quả đánh giá viên chức năm học trước để phô tô làm minh chứng.

Nhiều thầy cô trong Ban giám hiệu cũng vất vả trả lời giáo viên về nguồn minh chứng cụ thể cho từng tiêu chuẩn, tiêu chí. Rồi phải kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện theo đúng yêu cầu thời của cấp trên đề ra.

Trường ít thì đỡ vất vả, những trường loại I có cả trăm giáo viên nên bộ phận văn phòng và Ban giám hiệu cũng rối vì liên tục phải trả lời, giúp đỡ giáo viên tìm lại, phô tô lại giấy tờ đã ngủ yên trong hồ sơ từ năm học trước để minh chứng cho yêu cầu năm học này trên phần mềm tập huấn trực tuyến.

Hướng dẫn cập nhật chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến (Ảnh: Lê Minh)

Hướng dẫn cập nhật chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến (Ảnh: Lê Minh)

Đôi điều kiến nghị

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đang triển khai tập huấn trực tuyến cho giáo viên với rất nhiều phần việc.

Trong đó, không chỉ tập huấn chuyên môn đơn thuần mà có rất nhiều phần thừa thãi, không cần thiết như chuyện modul nào cũng làm vài bài khảo sát về chương trình và thiết kế các mức độ trả lời như: “1. Hoàn toàn không đồng ý; 2. Không đồng ý; 3. Đồng ý; 4. Hoàn toàn đồng ý; Còn phân vân, chưa quyết định đánh dấu vào mức độ nào”.

Với cách khảo sát như vậy, giáo viên thì có đầy đủ tên tuổi, đơn vị công tác trên phần mềm, được quản lý chặt chẽ nên chẳng ai dám trả lời vào ô tương ứng “Hoàn toàn không đồng ý” hoặc “Không đồng ý”.

Vì thế, việc khảo sát hay phải đánh giá, tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên vào phần mềm tập huấn chương trình mới là không cần thiết.

Chúng tôi có mấy điều kiến nghị như sau:

Thứ nhất: thời gian tập huấn được bố trí trong năm học, giáo viên rất bận rộn việc trường lớp nên chỉ có thể học tập vào ban đêm hay những ngày cuối tuần. Vậy nên, Bộ cần thiết kế các nội dung học tập ngắn gọn, cụ thể, trọng tâm của vấn đề chuyên môn.

Những cái gì đã học nên lược bỏ, những cái gì không cần thiết nên loại trừ.

Thứ hai: không cần bắt buộc khảo sát giáo viên sau mỗi modul mà nên đưa các bài khảo sát vào phần tự nguyện. Bộ cứ cài phần mềm nhưng giáo viên nào muốn thực hiện khảo sát thì thực hiện, không muốn thì thôi bởi thực tế những câu hỏi rất thừa, không thiết thực.

Nhưng, các modul vừa qua nếu không trả lời thì chưa chưa được xếp hoàn thành học tập.

Thứ ba: Không nên bắt buộc giáo viên phải cập nhật kết quả, minh chứng đánh giá chuẩn nghề nghề nghiệp hàng năm trên phần mềm tập huấn trực tuyến. Vì công việc này nhà trường đã thực hiện ở thời điểm cuối năm học. Hồ sơ đã lưu cụ thể tại các đơn vị, kết quả đã công nhận rồi.

Bắt giáo viên tải minh chứng lên phần mềm, trong khi họ đã làm vào thời điểm cuối năn học nên chỉ một phần việc mà giáo viên phải làm 2 lần nhưng các tiêu chí thì mơ hồ, không biết tìm đâu ra minh chứng.

Vì thế, không chỉ khổ giáo viên mà khổ cả Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cũng phải cập nhật lại kết quả đánh giá từ năm trước. Các nhân viên văn phòng cũng phải xắn tay vào để lục tìm minh chứng cho giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai rất nhiều phần việc đến giáo viên nên Bộ cần giảm tải những công việc không cần thiết, hình thức để giáo viên bớt đi áp lực trong thời điểm này nhằm lĩnh hội những cái mới một cách tốt nhất ở chương trình mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH