Giáo viên Nậm Ngà về với bản làng gặt lúa giúp bà con

01/11/2018 06:41
Phan Tuyết
(GDVN) - Thầy hiệu trưởng nhà trường đã mở phong trào “về bản giúp dân” với mục đích phụ giúp gia đình học sinh gặt hái cho nhanh để các em kịp trở lại lớp học.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà tỉnh Lai Châu hiện có 243 học sinh dân tộc Mông và Hà Nhì.

Hàng năm, cứ vào những ngày tháng 10 nhiều học sinh của trường phải nghỉ học để ra nương phụ giúp ba mẹ gặt, hái.

Thương trò nghỉ lâu sẽ mất bài vở và muốn tạo thêm sự gắn kết giữa thầy cô với người dân, thầy hiệu trưởng nhà trường đã mở phong trào “về bản giúp dân” với mục đích phụ giúp gia đình học sinh gặt hái cho nhanh để các em kịp trở lại lớp học.

Lực lượng nòng cốt giúp dân chính là các thầy cô giáo đoàn viên, thanh niên của trường (thầy hiệu trưởng cũng không ngoại lệ).

Buổi sáng, các thầy cô giáo vẫn lên lớp giảng dạy bình thường. Buổi chiều sẽ xuống bản cùng bà con bản làng làm việc.

Thầy Nguyễn Long Khánh Hiệu trưởng nhà trường cho biết “nhà trường chia giáo viên đi theo từng khu vực bản. Làm xong bản này đi tiếp tới bản kia”.

Những thầy cô giáo hằng ngày chỉ trên bục giảng, tay cầm phấn, cầm bút nhưng khi lao động cũng hết sức giỏi giang.

Thầy Nguyễn Long Khánh Hiệu trưởng nhà trường cũng vào bản gặt lúa giúp bà con (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thầy Nguyễn Long Khánh Hiệu trưởng nhà trường cũng vào bản gặt lúa giúp bà con (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thầy Khánh cười nói vui “nhiều khi thầy cô làm quá giỏi, dân bản làm không kịp nên có người bảo rằng “thầy cô đừng giúp nữa”.

Nói rồi thầy bật mí, thầy cô giáo nơi đây chủ yếu là con em nhà nông cùng với sự nhiệt tình, lòng thương yêu học trò nên việc lao động nặng nhọc thế này các thầy cô không nản, làm riết cũng thành quen.

Ngoài việc giúp dân gặt hái vào những ngày mùa, các thầy cô giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà Lai Châu còn dạy cho học sinh tăng gia sản xuất sau mỗi giờ lên lớp như việc trồng cây, trồng rau xanh và nuôi gà.

Thầy Khánh nói rằng “một công đôi việc vì thông qua việc trồng và chăm bón cây, thầy cô sẽ dạy cho các em cách lao động và hưởng thụ thành quả lao động của mình làm ra.

Từ đó, sẽ gieo vào lòng các em tình yêu thương, sự biết ơn, trân quý với những người lao động quanh mình. Và điều lớn hơn nữa, các em về nhà sẽ biết cách phụ giúp ba mẹ làm việc”.

Giáo viên Nậm Ngà về với bản làng gặt lúa giúp bà con (Ảnh: tác giả cung cấp).
Giáo viên Nậm Ngà về với bản làng gặt lúa giúp bà con (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thông qua việc tăng gia sản xuất, các em học sinh nơi đây không chỉ rèn được kĩ năng sống  còn cải thiện được bữa ăn hằng ngày cho chính mình. Thế là sau giờ học, thầy và trò cùng hồ hởi cuốc đất, nhổ cỏ, vun gốc, tưới cây.

Cả một khoảng trời tràn ngập tiếng cười nói ríu rít, tiếng gọi nhau í ới của học sinh, tiếng vâng dạ sau mỗi lời dạy bảo, lời hướng dẫn của thầy. Nhờ thế, tình cảm thầy trò càng thêm gắn bó.

Vui cùng học sinh, sống những ngày tháng vô cùng ý nghĩa, các thầy cô giáo cũng tạm quên đi được những nỗi nhớ nhà da diết nơi bản làng heo hút, những nỗi buồn về đêm quạnh hưu chỉ có gió trời rít qua khe cửa để tiếp tục công việc ý nghĩa “trồng người”.

Phan Tuyết