Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục Hà Nội khi triển khai nhiệm vụ đầu năm học đều nhấn mạnh cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm cấp tiểu học dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, thực tế, không ít trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô, giáo viên chủ nhiệm vẫn lén lút thuê nhà dân để tổ chức dạy thêm.
Theo phản ánh của phụ huynh Trường Tiểu học Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giáo viên chủ nhiệm lớp 4A thuê lớp bên ngoài nhà dân để tổ chức dạy thêm học thêm.
Coi thường ý kiến của Sở, giáo viên trường Văn Điển vẫn dạy thêm trái phép |
Một phụ huynh cho biết: “Phụ huynh vẫn biết theo quy định cấm dạy thêm cấp tiểu học, nhưng khổ nỗi các bạn cùng lớp đi học thêm cô giáo chủ nhiệm mà con mình không đi sẽ khó theo kịp.
Hơn nữa phụ huynh cũng tâm lý gửi gắm cô dạy sẽ tốt hơn bố mẹ kèm ở nhà. Và có việc gì nhờ cô sẽ dễ hơn.
Điều nữa nếu không cho con đi học thêm cũng ngại với giáo viên chủ nhiệm. Lo nhất là con học kém hơn các bạn đi học thêm nhà cô.”
Phụ huynh này cũng than thở, vẫn biết cả tuần các con học 2 buổi ở trường rồi, có ngày nghỉ bố mẹ vẫn phải thay nhau đưa con đến lớp học thêm. Con sẽ không còn thời gian vui chơi nữa.
Thông tin phụ huynh này cung cấp, một tháng cháu học 4 buổi, thời gian 2 tiếng, học phí 100.000 đồng/buổi. Lớp học thêm được tổ chức vào sáng thứ 7 hàng tuần.
Một phụ huynh có con học lớp 4A Trường tiểu học Cầu Diễn cho hay: “Lớp cháu có sĩ số trên 50 học sinh, nhưng có một vài bạn không đi học thêm, còn lại gần 50 cháu đi học thêm nên cô giáo chia làm 2 ca.
Mỗi ca học 2 tiếng. Bình thường cô giáo dạy thêm chia làm 2 ca học vào sáng thứ 7 từ 7h30 đến 9h30 một ca, và ca còn lại đến 11h30. Nhưng có hôm lớp chia làm hai ca học sáng, ca học chiều.
Nhiều học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Cầu Diễn chờ vào học thêm ca 2 tại địa điểm nhà cô giáo chủ nhiệm thuê. Ảnh: Vũ Phương. |
Phụ huynh lớp 4A Trường Tiểu học Cầu Diễn đến đón con học thêm ca 2 (9h30-11h30) tại địa điểm nhà cô giáo chủ nhiệm thuê để tổ chức dạy thêm. Ảnh: Vũ Phương. |
Một phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Cầu Diễn cũng thẳng thắn cho rằng, trên thực tế, những nội dung, kiến thức các môn học cấp tiểu học không nhiều.
Giáo viên tận tâm, không vụ lợi về vật chất thì hoàn toàn có thể truyền đạt hết kiến thức từng bài học cho các con.
Phần bài tập cũng vậy, cô giáo có thể giải quyết hết bài tập trên lớp, việc giao bài tập không cần thiết và cũng không được giao là đúng.
Nói thẳng, dạy thêm là phải có chiêu trò bằng nhiều hình thức khiến phụ huynh lo lắng phải đến học thêm. Giáo viên dạy nhiệt tình, tích cực trên lớp thì việc mở lớp dạy thêm còn gì để dạy?”
“Khi thầy cô cố gắng kiếm thêm thu nhập thông qua dạy thêm ít nhiều mất đi cái đẹp hình ảnh người thầy trong mắt học trò, phụ huynh.
Phụ huynh vất vả đi làm xong lại phải đưa đón con đến lớp học thêm vào cuối tuần, tiền học chính 1 đồng, tiền học thêm 10 đồng thì làm sao có thể vui được”, một phụ huynh nói.
Một nửa lớp học ca 1 tan để chuẩn bị cho ca 2 vào học tại địa điểm cô giáo thuê để tổ chức dạy thêm. Ảnh: Vũ Phương. |
Để tìm hiểu thực hư về lớp học thêm này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt vào sáng thứ 7.
Địa điểm học sinh lớp 4A được giáo viên chủ nhiệm thuê để dạy thêm tại số nhà 21, ngõ 126 phố Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội).
Vị trí học sinh lớp 4A học thêm chỉ cách Trường Tiểu học Cầu Diễn không xa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin từ những người sống gần đó cho hay, địa điểm dạy thêm là nhà anh trai của cô giáo.
Đều đặn nhiều năm nay cô giáo này dạy thêm tại đây. Vào cuối tuần rất đông phụ huynh đưa đón con đến học thêm.
Người này cũng cho rằng: “Chẳng biết tiểu học các cháu học kiến thức gì mà nhiều đến mức phải đi học thêm. Cả tuần học ở trường, cuối tuần lại đến nhà cô học thêm nữa, thời gian đâu mà chơi, mà nghỉ. Thế là nhồi nhét kiến thức chứ đâu phải đi học.
Có lẽ mỗi buổi dạy thêm 2 tiếng cô giáo cũng thu được vài triệu đồng chứ chả ít. Thu nhập từ dạy thêm của cô còn hơn cả dạy chính”.
Theo quan sát của phóng viên cho thấy, thời điểm hơn 9h là lúc giao ca giữa ca 1 và ca 2 có rất nhiều phụ huynh đến đón đưa con tại địa điểm học thêm này.
Là ngày nghỉ nhưng phụ huynh lớp 4A vẫn phải đưa đón con đi học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm thuê vì lo lắng con học kém. Ảnh: Vũ Phương. |
Một học sinh lớp 4A vừa tan học thêm ca 1 cho hay: "Lớp cháu có 53 bạn, chỉ có một vài bạn không đi học thêm, còn lại đi học thêm cô giáo chủ nhiệm. Vì lớp đông quá nên cô chia làm 2 lớp, mỗi lớp học một ca".
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Hữu Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cầu Diễn cho biết: “Không có giáo viên nào của trường đăng ký hay báo cáo với nhà trường về việc có dạy thêm hay bồi dưỡng cho học sinh ở bên ngoài trường”.
Phóng viên thông tin cụ thể lớp 4A, giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy thêm học thêm, cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cầu Diễn cho biết: "Trường sẽ cho kiểm tra".
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 với từng cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm.
Mỗi nơi, mỗi kiểu khác nhau về dạy thêm, học thêm |
Đối với trường tiểu học để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm, ông Chử Xuân Dũng chỉ rõ để dạy thêm học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.
Nói về vấn đề học thêm cấp tiểu học, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cho rằng, phụ huynh cho con đi học thêm quá sớm hoặc nhồi nhét kiến thức trong cùng một thời điểm có thể sẽ phản tác dụng.
Việc cho trẻ học thêm ngoài giờ học chính khóa, điều đó có nghĩa trẻ bị cắt giảm thời gian dành cho các hoạt động học tập và vui chơi khác.
Không cần thiết phải vất vả đưa đón đến lớp học thêm, phụ huynh hoàn toàn có thể rèn luyện kỹ năng tự học cho con. Như thế các con sẽ vững vàng, chủ động hơn trong học tập và cuộc sống.
Tự học không có nghĩa chỉ là tự làm bài tập ở nhà. Tự học ở đây là học sinh chủ động, tự giác và tự do khám phá tri thức bằng cách riêng của mình.
Các con có thể học qua máy tính có kết nối Internet, qua sách, báo, qua các thí nghiệm khoa học… làm sao để các con thấy việc tự học đó rất thú vị.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cấp tiểu học các con cần có thời gian để vui chơi. Như thế các con mới phát triển năng lực và trí tuệ của mình.