Giáo viên Trường dân tộc bán trú Hướng Phùng tuyên chiến với nạn tảo hôn

11/08/2020 08:34
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có kinh phí tổ chức nên các giáo viên trong trường cũng phải lên múa hát, tạo không khí vui vẻ thu hút bà con tham gia, kết hợp với tuyên truyền vận động.

“Đặc điểm của nhà trường với 80% là học sinh dân tộc Vân Kiều, do ở vùng sâu nên cũng còn nhiều hạn chế về suy nghĩ. Từ những nhận thức như vậy nên hiện tượng học sinh bỏ học, tảo hôn vẫn diễn ra.

Trước thực trạng đó, ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp, quyết tâm không để cho hủ tục này diễn ra, bằng cách tổ chức nhiều buổi văn nghệ tại các thôn bản vùng sâu rồi lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của tảo hôn cũng như việc hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các giáo viên trong trường thành từng nhóm nhỏ để đi tuyên truyền, vận động bà con cho con em mình đến trường hạn chế việc các em học sinh bỏ học.

Với những thôn bản người Vân Kiều ở xa trung tâm, phải thuê xe chở loa đài, bàn ghế vào tận nơi và thường kèm theo thực phẩm, hoặc có khi là một con lợn to để làm cơm mời bà con tạo sự thân mật với các giáo viên của nhà trường”.

Ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp, quyết tâm tổ chức nhiều buổi văn nghệ tại các thôn bản vùng sâu rồi lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của tảo hôn cũng như việc hôn nhân cận huyết thống.Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp, quyết tâm tổ chức nhiều buổi văn nghệ tại các thôn bản vùng sâu rồi lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của tảo hôn cũng như việc hôn nhân cận huyết thống.Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Anh Công - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết:

“Học sinh không thích đi học cũng có nhiều nguyên nhân, phần vì nhà đông anh chị em, kinh tế khó khăn nên buộc các em phải ở nhà làm nương phụ giúp kinh tế gia đình.

Hơn nữa đây là khu vực gần biên giới nên việc giao thoa văn hóa giữa nước bạn Lào khá gần gũi, bà con hai bên thường qua lại thăm thân nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng về phong tục, lối sống, nhiều em qua bên nước bạn chơi với bà con cả tháng không chịu về nên cũng bỏ học luôn.

Còn về hủ tục tảo hôn mấy năm gần đây trong toàn huyện có khoảng 10 trường hợp học sinh nghỉ học lấy vợ lấy chồng, và khoảng 5% học sinh bỏ học ở nhà làm nương.

Ban giám hiệu nhà trường phân công từng giáo viên chủ nhiệm đến các thôn bản làm xác nhận những em học sinh đó đang học tại trường, căn cứ vào đó chúng tôi phối hợp với giáo viên bộ môn đến từng nhà vận động.

Kết hợp Với Ủy ban nhân dân xã, cán bộ đồn biên phòng, già làng trưởng bản cùng đi đến từng hộ gia đình vận động các bậc phụ huynh không cho con em mình lấy vợ lấy chồng sớm trước tuổi quy định.

Cái khó ở chỗ là nhận thức các bậc phụ huynh còn hạn chế, khi thấy mọi người đến nhà thì họ đi trốn không tiếp, hơn nữa đã nhận lễ của nhà trai và dùng hết rồi thì không có để mà trả lại, vậy nên việc thuyết phục của chúng tôi có lúc không thành công”.

Theo thầy Công: "Chúng tôi tổ chức các giáo viên trong trường thành từng nhóm nhỏ để đi tuyên truyền, vận động bà con cho con em mình đến trường, hạn chế việc các em học sinh bỏ học". Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Theo thầy Công: "Chúng tôi tổ chức các giáo viên trong trường thành từng nhóm nhỏ để đi tuyên truyền, vận động bà con cho con em mình đến trường, hạn chế việc các em học sinh bỏ học". Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Giáo viên vừa là ca sĩ vừa là đầu bếp

Thầy Công chia sẻ: “Để chuẩn bị được một buổi văn nghệ tại bản làng vùng sâu là rất khó khăn, ngoài việc làm cơm mời người dân tạo sự gần gũi, tin tưởng thì không thể thiếu được các tiết mục văn nghệ, trò chơi.

Vì không có kinh phí nên các giáo viên trong trường cũng phải lên múa hát, tạo không khí vui vẻ thu hút bà con tham gia, đồng thời cử một số giáo viên lồng ghép tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn để bà con nắm bắt được.

Các hoạt động này chúng tôi thường tổ chức vào mùa khô tầm từ tháng 3 đến tháng 10, vì điều kiện không thuận tiện nên có lúc chúng tôi làm cơm sẵn ở trường rồi đưa vào bản, và cũng có lúc làm tại bản với sự góp sức của bà con.

Có 2 nguồn kinh phí để tổ chức các buổi liên hoan vận động, một là từ chính các giáo viên của trường đóng góp, phát động trong Đoàn thanh niên, ban giám hiệu nhà trường giúp một chút, Công đoàn cũng góp sức…

Ngoài ra chúng tôi cũng đi xin các dự án tài trợ giúp cho về loa đài, phương tiện chuyên trở, phần nhà trường lo bữa ăn”.

Các buổi nói chuyện tại thôn bản không thể thiếu được các tiết mục văn nghệ, trò chơi.Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Các buổi nói chuyện tại thôn bản không thể thiếu được các tiết mục văn nghệ, trò chơi.Ảnh: Thầy Công cung cấp.

Theo thầy Công: “Có trường hợp làm tôi nhớ mãi, một em học sinh đang học hết lớp 9 sau đó về nhà nghỉ hè nhưng không quay lại trường học tiếp, theo các bạn cùng lớp cho biết em đó ở nhà để lấy chồng.

Ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn đưa ra giải pháp là đến nhà em đó để vận động, qua phân tích, thuyết phục mấy ngày trời, chúng tôi phải nghỉ đêm lại nhà em đó.

Cứ mỗi ngày nói chuyện một chút, từ đó phụ huynh thấy tin tưởng nhà trường hơn và đồng ý cho em đó theo học trở lại, không lấy chồng sớm.

Nhưng có trường hợp một em học sinh là cháu của Phó chủ tịch xã cũng tảo hôn, khi biết tin chúng tôi cùng các tổ chức đoàn thể đến nhà tuyên truyền vận động nhưng rốt cuộc cũng không thành công, cả hai gia đình vẫn tổ chức đám cưới.

Tôi nhận thấy ngoài nhà trường và các tổ chức đến nhà vận động nhưng phải được chính quyền vào cuộc thì mới thành công, ví dụ như 2 em học sinh kia lại là cháu của Phó chủ tịch xã nên chúng tôi thất bại trong việc thuyết phục khi chính quyền xã đứng ngoài cuộc.

Những đám cưới này được cả hai bên nhà trai nhà gái tổ chức cỗ bàn, cán bộ địa phương thì không dám nói vì ít nhiều cũng có họ hàng xa gần.

Mà nếu nhà trường chúng tôi cứ cố gắng ngăn cản, thuyết phục nhiều thì dẫn đến mất lòng người dân và họ có thể không cho các cháu học sinh đi học tiếp, mà không nói thì nạn tảo hôn vẫn còn tiếp diễn.

Hơn nữa đây là đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo, phạt thì họ cũng không có tiền và theo tôi là chế tài chưa đủ mạnh. Chúng tôi cũng đã tổng kết thì mới chỉ vận động thành công 1/3 số vụ tảo hôn trong xã”.

Thầy công nêu quan điểm: “Tôi thấy cần có một chế tài đủ mạnh, cũng như buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc, phải phạt thật nặng hơn nữa với các gia đình có con tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cũng rất may là nhờ các giáo viên trong nhà trường rất nhiệt tình, tuyên truyền rất mạnh nên trong 2 năm gần đây không có vụ tảo hôn nào xảy ra đối với học sinh của nhà trường, nhưng ít nhiều trong toàn huyện vẫn có trung bình 1 năm 1 vụ”.

Tùng Dương