Hành trình từ một công nhân trở thành giảng viên đại học của cô Hằng

04/12/2020 06:02
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Mọi sự thay đổi, bắt đầu không bao giờ là quá muộn, chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có động lực và dám hành động để thay đổi”, cô Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hằng hiện đang là giảng viên Thực hành khoa Du lịch, Trường Đại học Đại Nam nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành giảng viên, cô Hằng đã từng là công nhân một nhà máy tại Bắc Ninh.

Một buổi sáng mùa đông Hà Nội buốt giá, khi vừa kết thúc tiết giảng thực hành tại một khách sạn trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), cô Hằng đã dành thời gian chia sẻ về những thứ khiến cô thấy mình phải thay đổi. Vẻ ngoài trẻ trung với nụ cười tươi tắn, ít ai nghĩ, cô giảng viên đại học sinh năm 1997 này đã phải vượt qua rất nhiều biến cố lớn trong cuộc đời, dám từ bỏ để bắt đầu và thay đổi.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Đại Nam (ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 13 năm thành lập trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Đại Nam (ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 13 năm thành lập trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Hằng năm nay 23 tuổi, quê tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh), hiện đã tốt nghiệp cử nhân ngành Du Lịch tại Trường Đại học Đại Nam và đang là giảng viên Thực hành của khoa Du lịch. Nói về cuộc hành trình từ một công nhân trở thành giảng viên đại học của mình, cô Hằng chia sẻ: “Năm 2015, khi tôi vừa tròn 18 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học hết cấp 3, tôi đã quyết định không tiếp tục đi học đại học như bao bạn bè cùng trang lứa mà chọn đi làm công nhân tại một khu công nghiệp gần nhà để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Tôi nhanh chóng xin được việc làm tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh với mức lương khá cao. Hàng ngày, tôi ra khỏi nhà đi làm từ lúc 6 giờ 30 phút và về nhà vào lúc 19 giờ”.

Cô Hằng cho biết, khoảng thời gian làm công nhân vô cùng vất vả, phải thường xuyên tăng ca 12 tiếng, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Đặc biệt, mỗi công nhân chỉ làm đúng một nội dung công việc trên dây chuyền đã được thiết lập sẵn: “Tôi dần cảm thấy không phù hợp với guồng quay cuộc sống của một công nhân, mệt mỏi với những ngày tăng ca liên tiếp, cảm thấy vô cùng ngột ngạt với bầu không khí đặc ngẫn và ồn ào ở công ty.

Trong thời gian làm công nhân, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp vì sức khỏe sa sút, quá tuổi lao động, bầu bí, con nhỏ… bị cho nghỉ việc vô thời hạn. Những cặp vợ chồng trẻ sống chầy chật qua ngày với đồng lương công nhân khiêm tốn. Tôi sợ, nếu mãi làm công nhân, tôi sẽ trở thành một cái máy, thậm chí đến già, tôi cũng chỉ sống một ngày nhàm chán và mệt mỏi như vậy.

Ban đầu tôi cứ nghĩ, đi làm sẽ có tiền để vừa phụ giúp gia đình, vừa thoải mái làm những gì mình thích. Thế nhưng, sau một năm làm công nhân, tôi nhận ra sức khoẻ của tôi kém đi cùng với việc tôi không còn thời gian dành cho bản thân và cho gia đình nên bằng mọi quyết tâm và sự lỗ lực, tôi đã quyết định đi học tiếp đại học”.

Sau tất cả, cô Hằng đã hạ quyết tâm nghỉ làm công nhân để tiếp tục sự nghiệp học hành: “May sao, lúc đó Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh theo hình thức xét học bạ và từ đây cuộc đời tôi mở sang một trang khác.

Tại Trường Đại học Đại Nam tôi được học khoa mà mình yêu thích đó là Du lịch. Thầy cô luôn quan tâm và động viên tôi.

Vì gia đình khó khăn nên tôi đã vừa học vừa làm ngay từ năm nhất để phụ giúp gia đình về tài chính. Sau đó, tôi đi thực hành nghiệp vụ theo chương trình của khoa, vừa thực hành vừa được lương nên sau khi ra trường, nhờ có những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm tích luỹ mà tôi đã được thầy cô giữ ở lại khoa làm giảng viên”.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Đại Nam (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Trường Đại học Đại Nam (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn gặp phải trong thời gian học đại học, cô Hằng bộc bạch rằng khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh tế:

“Để trở thành một giảng viên đứng lớp như ngày hôm nay tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về kinh tế. Năm 2017, bố tôi đột ngột qua đời, một mình mẹ tôi gồng gánh nuôi tôi ăn học đại học. Bên cạnh đó thì kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sư phạm của tôi còn kém”.

Nhiều khó khăn là vậy nhưng động lực để cô Nguyễn Thị Hằng vượt qua tất cả đó là từ người bố đã mất và tinh thần ham học.

"Động lực khiến tôi vượt qua những khó khăn đó là bản thân tôi luôn luôn muốn trau dồi kiến thức, tôi có thể nghèo về vật chất nhưng không chấp nhận vì hoàn cảnh mà nghèo về kiến thức, nghèo về tinh thần. Một động lực lớn khác nữa đó là vào năm 2017, bố tôi đột ngột qua đời. Khi đó tôi càng nhận thức rõ hơn bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành ước nguyện của bố”.

Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng, sau 4 năm miệt mài học tập, cô Hằng đã ra trường với kết quả học tập tốt, được giữ lại khoa làm giảng viên thực hành: “Khi trở thành giảng viên người đầu tiên tôi muốn cảm ơn đó là mẹ của tôi. Người đã luôn ủng hộ và động viên tôi, người mà luôn đồng hành trên suốt chặng đường của tôi, dù mẹ có mệt mỏi cũng không than trách nửa lời. Người thứ hai đó là thầy cô ở Trường Đại học Đại Nam và thầy cô trong khoa Du lịch đã giúp thay đổi tư duy cũng như nhận thức của tôi về việc học”.

Nói về những dự định trong tương lai, đôi mắt của cô giảng viên trẻ bỗng sáng ngời: “Sắp tới, tôi muốn mình vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với khoa Du lịch và giảng dạy cho các thế hệ sinh viên sau này. Truyền tải những điều tích cực tới các em sinh viên để các em có thể sớm nhận thức được giá trị của việc học.

Nhân đây, tôi muốn gửi thông điệp tới các em học sinh, sinh viên đó là: Mọi sự thay đổi, mọi sự bắt đầu không bao giờ là quá muộn, chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có động lực và dám hành động để thay đổi!”

Đình Hùng