Giảng viên lâu năm ấn tượng điều gì về ngôi trường mang tên Bác Tôn?

13/10/2020 06:26
Tiến sĩ Nguyên Văn Quán
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại trường Tôn Đức Thắng, có đàn piano đặt ở sảnh để mọi người tự do sử dụng, nên không quá ngạc nhiên khi sinh viên đi thi văn nghệ, thể thao có nhiều giải cao.

LTS: Tiếp tục gửi tới độc giả chia sẻ của Tiến sĩ Nguyên Văn Quán hiện đang là chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo – Khoa môi trường và Bảo hộ lao động của Đại học Tôn Đức Thắng về ngôi trường mang tên Bác Tôn mà ông đã có cơ hội gắn bó lâu năm.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc thêm một góc nhìn, cảm nhận của một người trong cuộc về ngôi trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Hội nghị tổng kết 2 lần thực hiện kế hoạch 5 năm của trường, cả hội trường đã vang lên tiếng vỗ tay cảm phục sự thành công hơn mong đợi. Nhiều đại biểu các thầy cô cũng phát biểu cảm xúc của mình.

Tôi là giảng viên lớn tuổi (năm nay tôi 76 tuổi) cũng được mời lên phát biểu. Trước tiên, tôi không biết nói gì về trường của tôi nữa vì đã được xem các thước phim cụ thể của các đoàn đến thăm trường từ cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương, các trường đại học trong và ngoài nước, các trường phổ thông trung học, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, phụ huynh tất cả đều khen và cảm nhận thành công vượt bậc.

Thành công này là sự đồng lòng, sự đóng góp hết mình của mọi người và đặc biệt trường có được một “chuyên gia tương lai” – Hiệu trưởng nhà trường Lê Vinh Danh.

Tại sao tôi lại nói đến chuyên gia tương lai, vì tôi đã đọc ở hai công trình, công trình thứ nhất “Đại sử” của bà Cynthia – giải thưởng sách Mỹ có viết “nhiều người vẫn còn tự ti về sức mạnh của tư duy và trí tưởng tượng của con người liên quan đến vũ trụ” và công trình thứ hai- tác giả Dan Senca và Savel Singen “Quốc gia khởi nghiệp” trong đó tổng thống Israel ông Shimon Peres có nói “mọi chuyên gia chỉ là chuyên gia đã có tiền lệ, không có chuyên gia cho những điều chưa xảy ra, để trở thành chuyên gia tương lai, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm” cái khó khăn mà chuyên gia tương lai cần vượt qua là tư duy phân tích cái phù hợp, không phù hợp để tìm sự phát triển tới mục tiêu mong muốn.

Tôi nhớ cách đây trên 20 năm, ông bạn tôi báo tin vui đứa con trai đã được nhận phần thưởng bên Mỹ khi cháu trả lời câu hỏi của Hội đồng là yêu nhà khoa học nào, cháu không suy nghĩ mà trả lời ngay là ông Stephen Howking là nhà khoa học nổi tiếng về vũ trụ, là người đã tuyên bố không đúng sau nhiều năm tranh luận gay gắt với đồng nghiệp về thông tin khi vào lỗ đen vũ trụ, chân trời sự kiện, được cảm phục của giới khoa học khi nhận cái sai về mình.

Nhà gần trường, đôi khi vào buổi chiều muộn, tôi bách bộ đến trường thư giãn. Chiều hôm nay tôi nhớ trường nên lại vào trường bách bộ. Khi gặp anh bảo vệ vui vẻ mở cổng đón, tôi đã cảm thấy ấm lòng, tất cả đường đi trong trường đều sạch sẽ, thoáng mát, có cây xanh, hoa nở suốt năm.

Cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường là nguồn "cảm hứng" cho đội ngũ giảng viên, sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường là nguồn "cảm hứng" cho đội ngũ giảng viên, sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Các khoảng trống có mảng xanh hài hòa dễ thương bao bọc xung quanh bảy dãy nhà xinh đẹp. Giảng đường, phòng làm việc, phòng nghiên cứu thực nghiệm, hội trường và thư viện hiện đại, các ghế đá ở 2 bên lối đi để thày cô, sinh viên và khách ngồi thư giãn, trao đổi khoa học, chia sẻ về cuộc sống, học hành.

Khi đến con kênh ở giữa trường, có chiếc cầu nhỏ bắc qua 2 bờ nối các khu lại với nhau được trồng những hàng dương thẳng tắp.

Ở nửa bên này có 4 tòa nhà ký túc xá sinh viên, hồ bơi, căn tin, sân vận động, nhà thi đấu đủ dụng cụ thể thao, nơi tập văn nghệ. Có đàn piano đặt ở các sảnh để mọi người tự do sử dụng, nên không quá ngạc nhiên khi sinh viên trường đi thi văn nghệ, thể thao toàn quốc và quốc tế đã có nhiều giải thưởng cao.

Đã đến lúc tôi ra tới cổng trường, qua đường kênh tới vòng ngoài bao bọc nhà giảng dạy B rồi tới nhà F rồi vòng quanh thư viện, lối đi này có nhiều cây xanh hơn, cứ vừa đi ít phút tôi dừng lại ngắm cây hoàng lan và nhớ lại 4 câu thơ: “Hoa lan hoa của đời, sống bằng hương đất mẹ, uống vị ngọt sương trời, năm tháng không tàn phai…” không biết ra tới cổng lúc nào chỉ nghe thấy tiếng anh bảo vệ nói “thầy đã về” và ra mở cổng.

Ra khỏi cổng tôi nhìn lại toàn cảnh ngôi trường mà tôi yêu. Tôi lại bách bộ trong lòng chỉ thấy bồn chồn.

Trong tôi luôn biết ơn Thầy Lê Vinh Danh – chuyên gia tương lai, vị thuyền trưởng cùng các thầy cô các cán bộ nhân viên của trường vì nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn gian khổ để xây dựng trường được như ngày này, tôi chỉ mong trường của tôi được bình yên, ổn định để phát triển đạt được mục tiêu vươn tầm quốc tế.

Giải quyết việc gì cũng phải “có tình có lý” như Bác Hồ dạy, lý là minh bạch và công bằng, còn tình thì khó hơn. Phải lao mình vào sự việc để tìm hiểu, để hiểu và với đức hạnh làm nền tảng sẽ có chữ tình thật sự.

Tưởng thế là hết, trong lòng tôi lại xuất hiện nổi buồn mà tôi không mong muốn như nỗi buồn nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong bài “Thuyền và Biển”: “Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ, những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ…”

Tiến sĩ Nguyên Văn Quán