Hiệp hội góp ý 9 vấn đề liên quan đến việc sáp nhập cơ sở giáo dục đại học

19/09/2019 06:16
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 16/9, Hiệp hội có văn bản góp ý cho Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Văn bản này nêu rõ: Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận công văn số 3839/BGDĐT-GDĐH ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị góp ý cho Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập (phiên bản 27/8/2019). 

Sau khi nghiên cứu dự thảo này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin được đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, việc Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng là cần thiết xuất phát từ bối cảnh:

Một là, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng đưa nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường. Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển.

Hai là, sự hội nhập sâu rộng tạo sự giao thoa với thế giới trong giáo dục và khoa học.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước. (Ảnh minh họa: VOV)
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước. (Ảnh minh họa: VOV)

Ba là, đất nước đang trong tình hình buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ như một lẽ sống còn.

Bốn là, ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.

Năm là, nền đại học Việt Nam có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo.

Nhưng việc sắp xếp trước hết không phải là sáp nhập giải thể để giảm số lượng trường. Thực ra số lượng trường đại học và cao đẳng Việt Nam không phải quá nhiều, thậm chí còn ít so với quy mô dân số.

Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng  không nên chỉ bằng một thiết kế sẵn theo ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập; rằng trường nào là trọng điểm, trường nào không.

Sáp nhập giải thể chỉ nên là giải pháp cuối cùng bất đắc dĩ, tốt nhất là không dùng đến. Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. 

Trong bối cảnh đó, nói gọn là việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước.

Thứ hai, ta nên làm các việc lớn sau đây:  

Một là, thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.

Hai là, khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục.

Các trường đơn ngành là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây,  nay rất khó có điều kiện phát triển tốt trong điều kiện mới và trên thực tế các trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận.

Sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong bối cảnh hiện nay

Ba là, thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính.

Lấy đó làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này tối quan trọng khi ta "mở" nhiều mặt, xoá nhiều ràng buộc trong quản lý.

Bốn là, chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.  

Năm là, khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu, và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển.

Về phía nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu kém.

Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển. Thậm chí nước Mỹ hiện nay cũng như vậy. Người ta nói: thượng vàng hạ cám trong nền đại học Mỹ đều có, đó là sự đa dạng tất yếu. Vả lại có chấp nhận trẻ nhỏ bây giờ thì mới có những anh hùng sau này. Có điều là phải bảo đảm minh bạch.  

Sáu là, việc xuất hiện các trường đầu đàn trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình, không nên thiết lập một thứ bậc cố định. Nhà nước có thể tập trung đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo thành các trọng điểm.

Bảy là, với các đại học quốc gia và đại học vùng thì sau khi thực hiện cơ chế tự chủ đầy đủ, các trường thành viên hiện nay sẽ trở thành những trường thực sự độc lập.

Không nên tập trung hóa hay độc quyền trong đào tạo sư phạm

Ta thay đổi mô hình các đại học quốc gia và đại học vùng thành các liên hiệp, các tổ hợp, các tập đoàn đại học với mối liên kết liên thông tự nguyện trong sự ràng buộc theo nguyên tắc đồng thuận nhằm phát huy sức mạnh liên lĩnh vực mà không hạn chế tính độc lập của từng trường. 

Tám là,
 việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể.

Bộ Giáo dục Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát.

Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, về sau vẫn còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa tốt nhất.

Cuối cùng, nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường.

Thùy Linh