Khi nhà trường còn bị khống chế về chỉ tiêu thì giáo viên còn bị ép đi thi

07/03/2016 07:54
Đỗ Quyên
(GDVN) - Một trong những quy định để trường đạt chuẩn Quốc gia là Nhà trường phải có tỷ lệ giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên đạt 30%.

LTS: Thời gian vừa qua, trong quá trình tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi của một số đơn vị, địa phương đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực, gây bức xúc cho một bộ phận giáo viên và các nhà trường.

Ngày 2/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn 558/ BGDĐT-NGCBQLCSGD tới các Sở GD&ĐT lưu ý về việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nêu rõ không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, công văn này đã thực sự đứng trên lợi ích của giáo viên hay chưa? Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên chỉ rõ điều này. 


Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Trong công văn 558/ BGDĐT-NGCBQLCSGD Bộ GD&ĐT gửi tới các Sở GD&ĐT của nêu rõ, việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.

Xem chừng việc ra đời của công văn trên không mang lại lợi ích gì cho giáo viên. Và chắc chắn tình hình thực tế của các trường cũng chẳng thay đổi gì. 

Khi nhà trường còn bị khống chế về chỉ tiêu thì giáo viên còn bị “ép” đi thi (Ảnh: vietnamnet.vn)
Khi nhà trường còn bị khống chế về chỉ tiêu thì giáo viên còn bị “ép” đi thi (Ảnh: vietnamnet.vn)

Bởi, từ trước đến nay, không có trường nào ép buộc giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi mà là do khi Ban giám hiệu cùng Chủ tịch công đoàn đã “nhắm” được giáo viên nào đủ điều kiện, đủ khả năng thì sẽ mời và động viên họ đăng kí tham gia. Việc làm này hoàn toàn trên tinh thần khuyến khích, động viên chứ không phải là bắt buộc. 

Dù không muốn tham gia nhưng trước những lời động viên đầy nhiệt tình của Ban giám hiệu cùng Chủ tịch công đoàn theo kiểu: 

Các em là những giáo viên tiềm năng của trường phải lấy làm vinh dự khi mình được cử đi thi” hay “trường mình chưa đủ tỉ lệ giáo viên dạy giỏi theo quy định nên rất mong thầy cô phải lấy quyền lợi của nhà trường đặt lên hàng đầu”. 

Trước những lời nói ấy, giáo viên khó lòng từ chối bởi nếu từ chối thì việc xếp loại công chức cuối năm của thầy cô đó chắc chắn bị ảnh hưởng dựa trên sự quy kết: “giáo viên này không có tinh thần tập thể, không có chí tiến thủ…

Mà một trong những quy định để trường đạt chuẩn Quốc gia là Nhà trường phải có tỷ lệ giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên đạt 30%. 

Có nghĩa là, nếu một trường có tổng số 40 giáo viên thì bắt buộc phải có 12 giáo viên đạt giỏi cấp huyện thị trở lên. Vì điều này nên các trường muốn đạt “chuẩn” hay trường muốn giữ “chuẩn” sẽ phải đạt đủ số lượng này. 

Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cao như vậy thì thử hỏi để giáo viên tự nguyện đăng kí sẽ đạt được bao nhiêu?

Khi nhà trường còn bị khống chế về chỉ tiêu thì giáo viên còn bị ép đi thi ảnh 2

Tìm thấy lí do giáo viên ngán ngẩm ôn thi học sinh giỏi

(GDVN) - Mỗi kì thi đi qua, cái buồn không phải là học sinh thi đỗ hay trượt mà cái buồn về sự đối xử chưa công bằng.

Vì giáo viên biết rằng để đi thi sẽ vô cùng vất vả, không chỉ tốn công sức từ việc viết sáng kiến kinh nghiệm, học thuộc các công văn, thông tư, những phương pháp, kỹ thuật dạy học, soạn thảo giáo án bằng máy tính…..

Tất cả những điều này khiến giáo viên mất ăn mất ngủ, luôn trong tình trạng lo lắng. 

Ngoài ra, giáo viên còn mất cả tiền bạc cho sự đầu tư thêm các đồ dụng dạy học chuẩn bị cho tiết dạy.

Nhưng khi đạt giải thì chỉ nhận được một tờ giấy khen, giấy công nhận nơi “xó bếp” còn chuyện tiền thưởng, lễ vinh danh là vô cùng xa xỉ. 

Do đó, để giáo viên không bị “ép buộc” đi thi giáo viên dạy giỏi như việc ra đời công văn nhắc nhở trên chỉ thực sự được giải quyết ngọn nguồn khi các trường không bị khống chế về chỉ tiêu. 

Đỗ Quyên