Lại nói về đội “hồng vệ binh” trong nhà trường

22/05/2020 06:53
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc để học sinh giám sát, theo dõi và quản lý học sinh khác là việc không nên làm trong môi trường giáo dục vì điều lợi mang lại thì ít mà hại lại quá nhiều.

Câu chuyện đang làm dậy sóng cộng đồng mạng lần này cũng liên quan đến sao đỏ (một đội quân được ví như “hồng vệ binh” trong các nhà trường.

Đội sao đỏ trong nhà trường (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật)

Đội sao đỏ trong nhà trường (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật)

Con gái chị Mùi Mai ở Hải Phòng đi học sớm bị cờ đỏ không cho đứng trong sân trường mà bắt ra đứng ngoài cổng trường trong khi chỉ còn 15 phút nữa là vào học.

Khi biết chuyện, giá cô giáo tìm gặp nhắc nhở sao đỏ thì sự việc đã khác, cô lại trực tiếp phê bình em học trò ấy.

Người ta phẫn nộ, bất bình với cách hành xử của cô giáo một phần, nhiều người lên án và cương quyết tẩy chay đội sao đỏ trong nhà trường.

Theo bạn, đội sao đỏ có đáng bị tẩy chay không?

Hiện nay, trong các trường học công lập ở cả 3 cấp vẫn đang tồn tại đội sao đỏ. Nhiệm vụ của những bạn sao đỏ là quan sát mọi hoạt động, nền nếp của học sinh như việc đi học trễ, mang nón bảo hiểm, xả rác, đi vệ sinh, làm trực nhật, đánh nhau, chửi thề, nói tục, nói chuyện trong giờ hoạt động ngoại khóa…

Từ việc theo dõi của sao đỏ, nhà trường sẽ xếp hạng lớp thực hiện tốt. Giáo viên cũng có cơ sở để đánh giá học sinh của mình để giúp các em thực hiện nội quy tốt hơn.

Nếu chỉ có thế thì có đội sao đỏ là tốt, nhưng tại sao ai cũng ca thán, ai cũng đòi tẩy chay?

Trong thực tế, hệ lụy từ đội sao đỏ đem đến lại quá nhiều

Những học sinh được chọn vài đội sao đỏ thường là những em học tốt, gương mẫu và chăm ngoan. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn nhiều em đã có những thái độ, hành vi không còn mẫu mực.

Có lẽ, được trao quyền quan sát, theo dõi các bạn cùng trang lứa thậm chí là các anh chị lớn hơn nên một số em nghĩ mình có quyền lực hơn nên hay tỏ thái độ hung hăng, nạt nộ mọi người.

Mà sao không tỏ ra ta đây cho được khi một phụ huynh nào đấy chở con đến trường quên mang khăn quàng hay đi trễ, lập tức phải xuống nước năn nỉ sao đỏ để đừng ghi tên con vào sổ khỏi bị thầy cô la.

Sao không tỏ ra quyền uy cho được khi chính thầy cô còn phải xin cờ đỏ bỏ qua vì lớp chủ nhiệm hôm ấy trực nhật quét dơ.

Nhiều sao đỏ còn tự cho mình cái quyền bắt nạt bạn, có em còn buộc bạn phải nộp tiền, phải cho đồ ăn hàng ngày sẽ được bỏ qua những lỗi vi phạm.

Đáng buồn hơn có những học sinh chẳng bị mắc lỗi gì nhưng không thực hiện theo ý của sao đỏ sẽ bị ghi tên vào sổ với lời hăm dọa nếu mách thầy cô sẽ bị ghi thường xuyên hơn.

Bắt lỗi bạn bè nhưng chính sao đỏ lại thường xuyên vi phạm nội quy nhưng chẳng học sinh nào dám tố.

Dần dà, những đứa trẻ ngoan hiền, dễ thương ngày nào đã trở thành những sao đỏ “khét tiếng” và thích xử dụng quyền lực với bạn.

Việc để học sinh giám sát, theo dõi và quản lý học sinh khác là việc không nên làm trong môi trường giáo dục vì điều lợi mang lại thì ít mà hại lại quá nhiều.

Phan Tuyết