Lớp 1 đã phải mua 25 đầu sách, nhiều phụ huynh choáng ngợp

02/10/2021 06:53
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần nghiêm cấm các trường học bán sách giáo khoa theo kiểu “bán lạc kèm bia”. Trường học là nơi dạy chữ, dạy người, không phải là nơi kinh doanh.

Biết tôi dạy tiểu học, cô em gái ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có con học lớp 1 gọi điện hỏi rằng: “Chị ơi! Sao học sinh mới vào lớp 1 mà phải mua bộ sách đến 25 cuốn? Mỗi cuốn sách giáo khoa lại cõng thêm một cuốn vở bài tập.

Bộ sách giáo khoa cho trẻ mới vào lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh Phan Tuyết)
Bộ sách giáo khoa cho trẻ mới vào lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh Phan Tuyết)

Lớp 1 mà nhiều sách thế này thì học sao nổi? Lần đầu tiên em thấy có cả sách giáo khoa Thể dục. Em nghĩ môn học này thì cần sách giáo khoa làm gì đâu chị?”.

“Nhiều sách vì mua cả vở bài tập, chỉ nên mua 2 cuốn vở bài tập Toán và tiếng Việt là đủ”. Khi nghe tôi nói thế, cô em cho biết: “Nhà trường đóng gói sẵn bộ sách nên phụ huynh không có quyền lựa chọn.

Con mới vào học năm đầu cũng có biết cuốn nào nên mua, cuốn nào không, sợ không mua đúng con sẽ khó khăn trong việc tiếp thu bài ở trường”.

Nhiều cuốn vở bài tập mua để đó và không có cơ hội dùng tới

Anh Nhân ở quận 6 có con học lớp 1 thắc mắc: “Nhìn bộ sách của con mà phát hoảng. Con chưa biết đọc, biết viết mà nhiều sách như thế học sao nổi? Chẳng biết trên lớp thầy cô có đủ thời gian dạy hết những cuốn sách và vở bài tập này không?”.

Bộ sách lớp 1 mà có tới 25 cuốn sách với giá tiền hơn 700 ngàn đồng đang là gánh nặng đè chặt trên vai những gia đình học sinh khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như thế này.

25 cuốn sách giáo khoa mà trường buộc phụ huynh phải mua, có những cuốn sách nào không thật sự cần thiết?

Dù dạy cùng bậc học, tôi cũng không thể hình dung ra giáo viên nơi đó sẽ dạy thế nào để hết tất cả các cuốn vở bài tập kia trong khi trên lớp, dạy kiến thức giáo khoa (theo chương trình mới) còn không kịp.

Sách giáo khoa mới đã có giá khá cao so với sách giáo khoa hiện hành. Nay lại thêm một lô vở bài tập thì giá thành bộ sách đã tăng gấp đôi. Gần một nửa cuốn sách thật sự không cần thiết như vở bài tập Tự nhiên và Xã hội, vở bài tập Đạo đức, vở bài tập Mỹ thuật, vở bài tập Âm nhạc, vở bài tập Hoạt động trải nghiệm… có khi cả năm học những cuốn vở bài tập này sẽ không có cơ hội được dùng đến.

Vì sao lại thế? Vì học sinh học trong sách giáo khoa còn không kịp thì lấy thời gian đâu để làm vào tất cả các loại vở bài tập như này? (trừ 2 cuốn vở bài tập Toán và tiếng Việt giáo viên sẽ rèn và củng cố thêm kiến thức vào các tiết luyện tập bổ sung).

Mập mờ trong việc bán sách giáo khoa

Vì muốn bán được sách bổ trợ (vở bài tập) vì những loại sách bổ trợ thường được nhà xuất bản trả hoa hồng cao nên không ít trường học và các cửa hàng văn phòng phẩm đã mập mờ trong việc bán sách giáo khoa.

Đó là việc, nhà trường không công bố những cuốn sách giáo khoa nào bắt buộc phải mua, những cuốn vở bài tập nào thật sự cần thiết, những cuốn vở bài tập nào không cần mua.

Thường thì họ xếp sẵn bộ sách giáo khoa trọn gói lẫn cả vở bài tập, sách tham khảo và thông báo số tiền bộ sách cho phụ huynh nên nhiều người nhầm tưởng tất cả sách, vở ấy đều bắt buộc phải mua đủ.

Tại các hiệu sách cũng để sẵn từng bộ sách giáo khoa với đầy đủ các vở bài tập, nhiều nhà sách còn không bán lẻ nên phụ huynh cũng buộc phải mua nguyên bộ. Ai không mua nguyên bộ cũng sẽ không mua được sách ở nơi khác vì nơi nào cũng bán giống nhau như vậy.

Bên cạnh đó vì không hiểu nên khi mua ai cũng sợ nếu thiếu đi một vài cuốn thì con sẽ không có cái học nên người bán xếp sách ra sao sẽ mua y như thế.

Cách nào ngăn chặn các trường tiếp tay cho việc bán sách theo kiểu “bán bia kèm lạc”?

Thứ nhất, Bộ Giáo dục cần nghiêm cấm các trường học bán sách giáo khoa theo kiểu “bán bia kèm lạc”. Trường học là nơi dạy chữ, dạy người, không phải là nơi kinh doanh, mua bán như hiện nay.

Thứ hai, Bộ cần yêu cầu các nhà xuất bản cung cấp đầy đủ sách giáo khoa ra thị trường để phụ huynh có quyền lựa chọn khi mua (giống như sách giáo khoa hiện hành) mà không bị bắt buộc phải mua nguyên bộ.

Thứ ba, mỗi trường học cần làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh biết được sách nào là bắt buộc, sách nào là bổ trợ để tránh tình trạng bị mua dư, mua nhầm một cách lãng phí.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hộp thư nóng để tiếp nhận phản ánh của phụ huynh và giáo viên về việc nhà trường bán sách theo kiểu “bia kèm lạc” để xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để làm gương cho nhiều người khác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết