Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém

24/07/2014 06:35
Xuân Trung
(GDVN) - “Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập.. cách thi cử sắp tới phải thể hiện được điều đó trước tiên”.

Trên đây là ý kiến của ông Trần Đức Cảnh, ông Cảnh từng có 16 năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực tại Bang Massachusetts (Mỹ), và hơn 10 năm làm công tác tư vấn cho đại học Harvard trong công tác tuyển sinh cấp cử nhân. 

Khi biết được thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT ngay từ 2015 tổ chức một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh, ông đã có ý kiến trao đổi đóng góp qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với mục đích giúp Bộ GD&ĐT nhanh chóng thực hiện được kế hoạch này.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ

Trao đổi với chúng tôi xung quanh một kỳ thi quốc gia có thể thực hiện trong năm tới, ông Trần Đức Cảnh cho biết, trước hết phải xác định rõ mục tiêu của kỳ thi này là gì? Chứng nhận tốt nghiệp THPT hay lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng? Hoặc nếu cả hai (chung) như đề xuất đặt câu hỏi liệu có mâu thuẫn với nhau? 

Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém ảnh 1

Ông Trần Đức Cảnh trò chuyện với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Ông Cảnh cho rằng, nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thử hình dung từ 97% xuống còn 70% thì liệu xã hội có chấp nhận? Và câu hỏi đặt ra sẽ xử lý đối với những trường hợp không đỗ tốt nghiệp như thế nào? Lúc đó, liệu mục tiêu đã đề ra năm 2020 có 80% dân số ở độ tuổi lao động có bằng THPT có đạt được?

Trường hợp thứ hai khi cũng có thể tỷ lệ đỗ là 90% và các trường đại học, cao đẳng dùng thang điểm đó cho việc tuyển sinh theo yêu cầu của mình. 

“Quan điểm tôi từ lâu là chỉ nên có 1 kỳ thi, thay vì thi THPT rồi lại thi đại học như hiện nay, tốn kém quá nhiều công sức và thời gian, mà không mang hiệu quả gì đáng kể. Hiện nay chúng ta đang bàn theo hướng kết hợp 2 kỳ thi lại làm 1, đây không phải là chuyện dễ làm. Theo tôi một là tổ chức kỳ thi PTTH thật nghiêm túc, dùng điểm thi này để nộp đơn đại học, hai là tổ chức kỳ thi đại học để các trường dùng thang điểm cho việc xét tuyển” ông Cảnh nêu quan điểm.

Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém ảnh 2

Quyết định chậm sẽ gây hoang mang cho cả triệu học trò

“Bộ GD&ĐT phải công bố đề án ngay trước ngày khai giảng năm học này. Nếu quá muộn, tuy không ảnh hưởng tới tiến trình nhưng tạo nỗi lo cho học sinh”.

Theo ông Cảnh, nếu chúng ta chọn thi đại học thì khi học sinh hoàn tất chương trình THPT, sau khi học đủ môn yêu cầu, các trường nên cấp bằng trung học.  

Theo quan sát của ông Cảnh, cách làm giáo dục của ta lâu nay, không riêng gì lĩnh vực giáo dục có lúc đã chậm thì rất chậm, nhưng khi nhanh lại quá nhanh, hỏng rồi lại sửa và điều đó càng làm cho công việc thêm rối ren.

“Thời gian và công sức để sửa nhiều khi gấp đôi, gấp ba lần nếu như làm đúng ngay từ ban đầu. Phần lớn là khâu kế hoạch yếu và có vấn đề, mà thời gian là yếu tố quan trọng” ông Cảnh nêu thẳng vấn đề.

Với kinh nghiệm của mình đã từng đi tìm hiểu rất nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, ông lấy ví dụ về nước Nhật, ở Nhật Bản họ rất quan trọng việc làm kế hoạch, rất chi tiết và chắc chắn, bình thường người Nhật dành tới 70% thời gian cho khâu kế hoạch và 30% cho khâu thực hiện. 

Người Mỹ thì 50/50, người Việt Nam khoảng 25/75. Theo ông Cảnh đề án kỳ thi quốc gia chung cần phải bắt tay ngay từ bây giờ để sắp tới thực hiện có hiệu quả nhất.

Cần có những buổi “động não”

Để thực hiện được kế hoạch gộp hai kỳ thi làm một, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần huy động sức lực của các chuyên gia có uy tín trong xã hội, điều đó là rất cần thiết.

Nói như ông Trần Đức Cảnh là phải cần có những buổi “động não”, ở đó các chuyên gia sẽ có cơ hội nêu ra nhiều ý kiến về các vấn đề liên quan, phân tích và thảo luận lợi hại của từng khâu, hạng mục, những vấn đề lớn của giáo dục, chứ không nhất thiết là chuyện thi cử. Nếu tạo tiền lệ (thói quen) tốt, sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều vấn đề và rủi ro sau này.

Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém ảnh 3

Sắp tới nếu thực hiện ngay trong năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi mang tính quốc gia. Ảnh minh họa

Theo ông Cảnh, có thể tổ chức các nhóm (task force) chuyên gia để nghiên cứu và thảo luận sâu các hạng mục, đề tài liên quan.   

“Để thực hiện tốt đề án thi này, thiết nghĩ chúng ta nên dùng công thức thời gian 50/50, và phải lắng nghe triệt để các ý kiến chuyên gia, và xã hội. Việc này không chỉ có Bộ GD&ĐT mà các cơ quan liên quan đến giáo dục ở cấp TƯ” ông Cảnh bày tỏ quan điểm.

Lo ngại nhất sau này khi thực hiện một kỳ thi quốc gia chung thì điều gì đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi để kết quả của kỳ thi này có thể tin cậy cho các trường tuyển sinh?

Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém ảnh 4

"Đưa ra Quốc hội ...nói như anh Luận ở hội trường là không xong"

"Đưa ra Quốc hội mà không nói gì đến chuyện kinh phí là không được đâu, nói như anh Luận ở hội trường là không xong", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Ông Cảnh phân tích, hiện nay chúng ta mới chỉ “lo” khâu đầu vào. Còn việc đào tạo một sinh viên có chất lượng theo yêu cầu của thị trường và xã hội thì còn cả một quy trình đào tạo và kết nối đầu ra phải đồng bộ. 

Một yếu tố quyết định sẽ giúp cho quá trình đào tạo và dạy học, đánh giá thi cử được hiệu quả là cách tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực trong hệ thống nhà nước và doanh nghiệp cần phải có tác dụng ngược trở lại quá trình đào tạo (tức là hai yếu tố này phải gắn chặt với nhau, liên quan nhau, tác động qua lại với nhau).

“Công bằng và minh bạch trong tuyển chọn và sử dụng nhân sự là “tiếng gióng” cho động cơ đào tạo và học tập và hướng phát triển nguồn nhân lực của toàn xã hội” ông Cảnh cho hay.   

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý III-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.

Liên quan đến kế hoạch tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, ông Trần Đức Cảnh cũng góp ý, để thực hiện được phải xây dựng đề thi và tổ chức thi thật hiệu quả. 

Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi này phải mất tới 4 ngày, nhưng theo ông Cảnh thời gian đó là quá dài và không cần thiết. Nếu đề thi theo dạng tích hợp cùng lắm cũng chỉ 2 ngày (tương đương với 12 giờ). Trong đó khoảng 6 giờ là kiểm tra năng lực và kiến thức tổng quát của một học sinh cấp 3, 4-1/2 đến 6 giờ cho 3-4 môn tự chọn. 

“Nhìn vào cách tổ chức kỳ thi cấp quốc gia của một nước nào đó, ta có thể đoán ngay chất lượng giáo dục đào tạo của họ đang ở cấp độ nào. Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập, cách thi cử sắp tới phải thể hiện được điều đó trước tiên, ít nhất là với sinh viên tương lai” ông Cảnh cho biết. 

Xuân Trung