Một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới có yêu cầu quá cao?

28/03/2018 06:18
Khánh Văn
(GDVN) -Những chuyên đề mà ban soạn thảo chương trình môn học đưa ra lần này khá hay và phù hợp với đặc trưng môn học nhưng hình như quá cao đối với học sinh phổ thông.

LTS: Cho rằng, một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới tương đối khó so với trình độ học sinh phổ thông, thầy giáo Khánh Văn có bài viết chia sẻ.

Qua đó, tác giả mong rằng, các thầy cô viết sách giáo khoa cần thận trọng, cân nhắc kĩ càng khi đưa một số chuyên đề vào chương trình môn Ngữ văn ở cấp trung học phổ thông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chương trình Ngữ văn trong dự thảo chương trình môn học đang được Bộ giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dư luận có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

Điều khác biệt không chỉ là có 6 tác phẩm văn học bắt buộc mà chúng tôi còn nhận thấy từ lớp 10 đến lớp 12 có 9 chuyên đề học tập, mỗi khối học có 3 chuyên đề.

Tuy nhiên, điều mà mọi người đều nhận thấy là có một số chuyên đề tương đối khó so với trình độ học sinh phổ thông.

Đặc biệt, một số chuyên đề mà ngay thời học chuyên ngành Ngữ văn ở trường đại học thì chúng tôi cũng chưa bao giờ được học.

Vậy, bây giờ làm sao chúng tôi cáng đáng được để hướng dẫn học trò học tập?

Một số chuyên đề môn Ngữ văn tương đối khó so với trình độ học sinh phổ thông (Ảnh minh họa: hoinhabaovietnam.vn).
Một số chuyên đề môn Ngữ văn tương đối khó so với trình độ học sinh phổ thông (Ảnh minh họa: hoinhabaovietnam.vn).

Các chuyên đề học tập ở cấp trung học phổ thông

Đối với lớp 10 gồm các chuyên đề:

Chuyên đề 1. Đọc hiểu văn bản đa phương thức (10 tiết);

Chuyên đề 2. Đặc điểm ngôn ngữ trong các kiểu loại văn bản (15 tiết);

Chuyên đề 3. Viết, nói, trình bày có trợ giúp của công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện phi ngôn ngữ (10 tiết).

Lớp 11 có các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1. Sân khấu hóa tác phẩm văn học và diễn xuất (10 tiết);

Chuyên đề 2. Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (10 tiết);

Chuyên đề 3. Tập nghiên cứu một vấn đề và viết báo cáo nghiên cứu (15 tiết).

Lớp 12 gồm các chuyên đề:

Chuyên đề 1: Bút pháp ước lệ, tượng trưng trong thơ trung đại Việt Nam (10 tiết);

Chuyên đề 2: Thành tựu của văn xuôi Việt Nam sau 1986 qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu (10 tiết);

Chuyên đề 3: Viết ứng dụng (15 tiết).

Một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới có yêu cầu quá cao? ảnh 2Tiết lộ cấu trúc sách giáo khoa môn Ngữ văn trong chương trình mới

Một số chuyên đề phù hợp với sinh viên đại học

Theo chúng tôi, trong 9 chuyên đề mà ban biên soạn chương trình đưa vào môn Ngữ văn ở cấp trung học phổ thông thì có một số chuyên đề đưa ra yêu cầu quá cao và có phần không thực tế với thực tế giảng dạy và học tập ở trường phổ thông.

Bởi, khi đã học chuyên đề cũng đồng nghĩa ban biên soạn chương trình môn học phải tính đến sản phẩm của học trò thực hiện như thế nào và có khả thi hay không.

Dù những chuyên đề mà ban soạn thảo chương trình môn học đưa ra lần này theo chúng tôi khá hay và phù hợp với đặc trưng môn học nhưng hình như quá cao đối với học sinh phổ thông.

Một số chuyên đề có lẽ lại phù hợp hơn với sinh viên chuyên ngành Ngữ văn và Báo chí, Sân khấu… ở các trường đại học.

Vì sao chúng tôi nói như vậy, bởi vì trong “yêu cầu cần đạt” của các chuyên đề đã được ban soạn thảo chương trình đưa ra cao quá, trong khi thời lượng cho mỗi chuyên đề chỉ dao động từ 10-15 tiết học thì liệu có thực hiện được không? Chẳng hạn các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1:  Sân khấu hóa tác phẩm văn học và diễn xuất ở lớp 11 có yêu cầu:

1.a. Hiểu thế nào là sân khấu hóa tác phẩm văn học (đặc điểm của tác phẩm văn học có thể sân khấu hóa và yêu cầu của hình thức sân khấu); biết chuyển thể ngôn ngữ tác phẩm văn học thành ngôn ngữ sân khấu.

1.b. Biết cách tiến hành sân khấu hóa một tác phẩm văn học (theo quy trình):

- Lựa chọn tác phẩm/trích đoạn.

- Lựa chọn hình thức sân khấu hóa: kịch nói, đọc/ngâm thơ, chèo, múa hát, nhạc kịch…

- Xây dựng/soạn thảo kịch bản (biên kịch).

- Đạo diễn, biên đạo….

Một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới có yêu cầu quá cao? ảnh 3Chương trình Ngữ văn mới giáo viên phải có năng lực thật sự

1.c. Biết hóa thân vào các nhân vật và biểu diễn trên sân khấu:

- Nắm được kịch bản, thuộc lời thoại.

- Biết trình diễn bằng hành động và ngôn ngữ sân khấu (tự tin, biết tương tác, thể hiện cảm xúc chân thực khi diễn xuất).

1.d. Có khả năng tưởng tượng, suy nghĩ, tìm hiểu, sáng tạo cho các nhân vật mình thể hiện.

Chuyên đề 3. Tập nghiên cứu một vấn đề và viết báo cáo nghiên cứu ở lớp 11 yêu cầu:

3.a. Biết các yêu cầu và cách thức nghiên cứu một vấn đề

- Biết lập một kế hoạch nghiên cứu.

- Biết xác định đề tài, làm rõ mục đích và tổng quan vấn đề.

- Biết phát triển câu hỏi nghiên cứu và lựa chọn phương pháp ghi chép.

- Biết sử dụng Internet: i) hiểu biết về một trang web; ii) truy cập vào trang web; iii) lựa chọn các trang liên quan; iv) xem xét kết quả nghiên cứu trên mạng; v) khám phá trang web.

- Biết sử dụng thư viện và trung tâm truyền thông: i) hiểu biết về thư viện ngày nay; ii) tìm những gì bạn cần; iii) chọn nguồn tư liệu; iv) các nguồn tham khảo (từ điển bách khoa, từ điển văn học,…); v) số liệu.

- Biết lựa chọn, tìm kiếm báo và tạp chí.

- Biết tìm tư liệu và film, video clip.

- Biết kiểm tra thông tin: i) ngày giờ cập nhật thông tin; ii) độ chính xác của thông tin; iii) chứng chỉ, bằng cấp của tác giả; iv) loại tư liệu xuất bản (báo hay tạp chí khoa học…); v)  tính khách quan của thông tin;…

- Biết cách thu thập số liệu.

Một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới có yêu cầu quá cao? ảnh 4Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều

3.b. Biết viết một báo cáo nghiên cứu 

- Biết làm một đề cương báo cáo nghiên cứu.

- Biết lựa chọn hình thức văn bản và phương thức thể hiện.

- Biết xem xét các nội dung đã nghiên cứu trước khi viết nháp: i) xem nguồn tư liệu đã có; ii) đánh gía tư liệu; iii) tạo thư mục; iv) ghi chép tư liệu; v) trích dẫn các tư liệu; vi) phòng ngừa đạo văn; vii) xác định luận điểm.

- Biết phác thảo bản nháp: i) viết mở đầu; ii) triển khai và phát triển luận điểm; iii) phân tích và giải thích luận điểm; iv) chứng minh bằng nguồn tư liệu; v) mở rộng và làm sáng tỏ; vi) viết kết luận; vii) nêu các tài liệu viện dẫn và tham khảo.

- Biết biên tập, xem lại và hoàn chỉnh báo cáo.

- Biết công bố báo cáo.

Chuyên đề 3. Viết ứng dụng ở lớp 12 yêu cầu:

3.a. Biết viết bản tin ngắn cho một tờ báo: đưa tin và bình luận về một sự kiện chính trị, văn hóa xã hội nào đó.

3.b. Biết viết bài tường thuật/ phóng sự ngắn về một đề tài quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của học sinh một cách chân thực, sinh động, đúng quy cách.

3.c. Biết tạo ra một bài báo chủ yếu bằng hình ảnh có kết hợp với lời dẫn hoặc bình luận.

Rõ ràng, những yêu cầu như một số chuyên đề mà chúng tôi đã dẫn ở trên không phù hợp với học sinh phổ thông mà hình như người biên soạn đang muốn hướng học sinh phổ thông vào học các sâu các ngành học.

Làm sao chỉ trong 10-15 tiết học mà những học trò tương lai có được những sản phẩm học tập như vậy được.

Bởi, sản phẩm ở một số chuyên đề là một tác phẩm sân khấu, báo chí, báo cáo nghiên cứu… thì liệu đã phù hợp chưa đối với học sinh phổ thông?

Một số chuyên đề của môn Ngữ văn trong chương trình mới có yêu cầu quá cao? ảnh 5Dự thảo Ngữ văn mới chỉ dạy học sinh biết nghe, nói, đọc, viết mà vẫn quá tải

Chẳng hạn, với chuyên đề 3 ở lớp 12 Viết ứng dụng là yêu cầu sản phẩm báo chí, trong khi đặc trưng ngôn ngữ báo chí khác hoàn toàn với ngôn ngữ văn chương.

Nếu như văn chương là khai thác, đề cập đến hình tượng văn học thì báo chí lại khai thác sự kiện, số liệu...

Hơn nữa, phần lớn giáo viên dạy Văn cũng không được học báo chí, hiểu lơ mơ về thể loại báo chí thì liệu có thể hướng học sinh của mình viết được các thể loại báo chí hay không?

Rồi yêu cầu về sản phẩm sân khấu… Dù lâu nay, một số trường có điều kiện thực hiện các tiết ngoại khóa về sân khấu thì phần lớn là thuê từ bên ngoài vào làm, học sinh chỉ là người đóng tiền và thực hiện khâu diễn xuất.

Vì thế, theo chúng tôi, một số chuyên đề thuộc về chuyên ngành của các trường đại học dạy cho sinh viên đại học chứ yêu cầu học sinh phổ thông cao đến như vậy thì rất khó thực hiện một cách đại trà.

Điều quan trọng nữa là học sinh có làm được không khi mục tiêu của người viết chương trình đưa ra quá cao đối với các em.

Thôi thì cứ cho rằng sẽ có một số em sẽ làm được bởi thực tế có một số em đã làm cộng tác viên báo chí, biết làm khoa học và biết diễn xuất các thể loại sân khấu, biết đạo diễn và chuyển thể tác phẩm văn học sang sân khấu từ khi đang còn học phổ thông.

Nhưng, có được bao em như vậy đâu?

Trong khi, các em học sinh trung học phổ thông có cả chục môn học và còn bao nhiêu việc phải lo cho các kì thi phía trước.

Nếu các em làm không được thì mục tiêu môn học không đạt được mà vô hình trung làm lãng phí thời gian của cả thầy và trò bởi mục tiêu đưa ra quá xa vời với kiến thức của học sinh phổ thông.

Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Hơn nữa, môn Văn cấp trung học phổ thông mỗi năm có 105 tiết mà có đến 35 tiết chuyên đề. Như vậy, các tiết chuyên đề chiếm 1/3 thời lượng môn học và chắc chắn cũng phải chiếm 1/3 điểm số môn học.

Nhưng, nếu các chuyên đề này thực hiện không tốt thì điểm số sẽ làm sao. Bởi, thực tế học sinh mỗi vùng, mỗi địa phương có điều kiện học tập, tiếp thu khác nhau…

Chính từ những khó khăn như đã phân tích ở trên nên chúng tôi mong muốn khi chương trình môn học chính thức thông qua, các thầy viết sách giáo khoa cần thận trọng, cân nhắc kĩ càng khi đưa một số chuyên đề vào chương trình môn Ngữ văn ở cấp trung học phổ thông là điều cần thiết để tránh được những khó khăn, bất cập sau này.

Khánh Văn