Muốn thí điểm 9+5 thì cần làm rõ nhiều vấn đề, đừng đem con bỏ chợ

21/10/2021 06:45
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là chương trình thí điểm nhưng bằng cấp mà thí sinh đạt được sẽ sử dụng trong thị trường lao động thật chứ làm gì có bằng tốt nghiệp dạng thí điểm.

Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5), với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu khoảng 4.000 người.

Theo lý giải của đại diện Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), với mô hình này, các trường cao đẳng được dạy văn hóa trung học phổ thông và đào tạo nghề, học sinh tốt nghiệp được cấp 1 bằng văn hóa và nghề, được liên thông trường đại học ứng dụng cùng ngành đào tạo...

Nghiên cứu dự thảo chương trình 9+5, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và khu vực ASEAN cho rằng: “Đây là chương trình thí điểm nhưng bằng cấp mà thí sinh đạt được sẽ sử dụng trong thị trường lao động thật chứ làm gì có bằng tốt nghiệp dạng thí điểm.

Giả sử, nếu thí điểm không thành công thì ai chịu trách nhiệm bởi không thể xóa hàng loạt bằng đã cấp. Thí điểm ở lĩnh vực giáo dục không thể thích làm kiểu gì thì làm mà phải thật sự cẩn thận, có tiêu chuẩn đầu ra rõ ràng cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng mà người học cần phải đạt được”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, trước tiên phải khẳng định quá trình đào tạo từ trung học cơ sở lên cao đẳng là mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động trong 5-10 năm tới, do đó trước khi xây dựng chương trình 9+5 cần phải khảo sát nhu cầu về thị trường lao động ở bậc cao đẳng ở một số nghề.

Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ- quốc gia phát triển hơn Việt Nam rất nhiều nhưng thống kê cơ cấu trình độ nhân lực của Bộ Lao động Hoa Kỳ theo việc làm năm 2018 và 2019 chỉ có 9,6% trình độ cao đẳng trong khi đó nhân lực có trình độ trung học chiếm đến 23,6%, trình độ sau trung học (không phải cao đẳng) chỉ cần một số kỹ năng đến trên 20%. Điều này cũng gần tương tự như ở hầu hết các doanh nghiệp công nghệ cao FDI ở Việt Nam người ta tuyển hàng vạn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đào tạo một số kỹ năng tại doanh nghiệp là đi làm được ngay như Samsung, Hồng Hải...

Biểu thống kê cơ cấu trình độ nhân lực của Bộ Lao động Hoa Kỳ theo việc làm năm 2018 và 2019 (ảnh: Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cung cấp)

Biểu thống kê cơ cấu trình độ nhân lực của Bộ Lao động Hoa Kỳ theo việc làm năm 2018 và 2019 (ảnh: Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cung cấp)

Như vậy, theo ông Vinh, Thủ tướng trước khi phê duyệt Đề án thí điểm nên yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích rõ chương trình phân luồng 9+5 vì mục tiêu bằng cấp (mục tiêu tự thân) hay mục tiêu để cung cấp cho xã hội đội ngũ nhân lực có trình độ cao đẳng đích thực cũng như xác định phạm vi và lộ trình thực hiện Đề án.

Vấn đề thứ hai cần làm rõ về chương trình cụ thể ra sao nội dung các môn học (hoặc module) nào, cấu trúc chương trình theo hướng từng môn học hay module tách biệt hoặc tích hợp. Kinh nghiệm chương trình tích hợp giữa kiến thức các môn văn hóa, khoa học tích hợp với các môn học nghề sẽ vừa rút ngắn thời gian và tạo động lực cho người học không cảm thấy chán và bỏ học.

Hơn nữa việc tổ chức thực hiện chương trình cần làm rõ mô hình tổ chức đào tạo phải có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có thời lượng đủ lớn (như Nhật Bản hoặc Đài Loan, Trung Quốc..) mới hy vọng có được chất lượng tốt. Vì là thí điểm nhưng văn bằng có giá trị sử dụng nên chương trình đào tạo cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng phải tính đến.

Cần lấy lợi ích của người học làm trung tâm chính sách

Ông Vinh cho rằng, một điểm nữa cần lưu ý là theo quy định hiện hành của Luật Giáo dục nghề nghiệp không có quy định đầu vào đào tạo trình độ cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở cũng như Quyết định 1982 về Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì yêu cầu học sinh cần hoàn thành chương trình các môn học văn hóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Do đó trước khi được phép thí điểm cần có ý kiến của Quốc hội để người học xong chương trình này không bị thiệt thòi. Chỗ này cần cởi trói về "cơ chế".

Vì Luật Giáo dục nghề nghiệp có quá nhiều hạn chế như đào tạo trung cấp sau lớp 9 chỉ có 1 hoặc 2 năm dẫn đến thời gian không đủ để người học có thể lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng và thực chất không thể thiết kế được chương trình đào tạo cho ra loại trình độ ấy. Quy định như thế này là không ổn trong Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, cần được sửa Luật này sớm.

Trong quá trình làm chính sách rất cần lấy lợi ích của người học làm trung tâm chính sách. Nếu chạy theo thị hiếu cũng như thói quen coi thường giáo dục nghề nghiệp mà chạy theo bằng cấp sẽ làm méo mó một mô hình mà ở một số quốc gia người ta làm tốt.

Trước nhu cầu khó khăn tuyển sinh và hạn chế về tài chính, cần nhìn giáo dục nghề nghiệp ở một tầm xa hơn nên tránh mang bằng cấp ra “nhử” người học. Cũng rất thận trọng làm chính sách với khẩu hiệu "phân luồng" không phải vì mục đích tự thân hay vì sự tồn vong của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà ảnh hưởng đến người học trong trung hạn và dài hạn cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực mà 10-20 năm sau con cháu sẽ trách cứ chúng ta. Điều này làm cho giáo dục nghề nghiệp khó hiện đại hóa và khó phát triển bền vững”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC)

Về ưu điểm của chương trình 9+5 đào tạo cao đẳng và chia làm 3 giai đoạn cho thấy phản ánh rất đúng về bản chất giáo dục nghề nghiệp là linh hoạt, mềm dẻo, tạo nhiều điểm vào và điểm ra học nghề cho người lao động. Một số người cho rằng đào tạo 5 năm là quá dài học sinh sẽ chán và bỏ học.

Ông Vinh cho rằng thời gian 5 năm là tương thích với thời lượng đào tạo của các quốc gia khác. Trong khi phải thừa nhận ở các nước đang có mô hình này đội ngũ giảng viên của người ta trình độ rất cao, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo là văn hóa phổ biến, tài chính trên đầu người học cao hơn mà người ta mất 5 năm còn mình thì đào tạo 3,5 -4 năm như một số ý kiến là khó chấp nhận. Khi đó thí sinh tốt nghiệp gọi là bằng cao đẳng của trường ấy thôi chứ không ai thừa nhận trên thị trường trong nước và khu vực ASEAN.

Mặt khác, mô hình này phù hợp đào tạo cho nhiều đối tượng học nghề khác nhau.

Các nhà làm chính sách đừng chỉ nghĩ hẹp đến lứa học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở mà còn hàng triệu lao động tốt nghiệp trung học cơ sở cách đây từ vài năm đến hàng chục năm nay muốn theo học thì hoàn toàn đăng ký để học theo chương trình này.

Người học có điều kiện về học vấn và kinh tế có thể học suốt 5 năm, những với những người không đủ điều kiện thì người ta có thể học theo từng giai đoạn rồi có chứng chỉ nghề tích lũy và ra thị trường lao động thì cũng coi là phân luồng.

Nếu Đề án này giải quyết được một số vấn đề nêu trên và được phê duyệt sẽ chấn chỉnh việc đào tạo tràn lan hệ 9+4 ra cao đẳng trái với luật định cũng như các quy định hiện hành.

Nói tóm lại theo đánh giá của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Đề án được chuẩn bị khá công phu có tham khảo một số mô hình đào tạo của nước ngoài để rút ra kinh nghiệm trong việc xây dựng đề án.

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo tính khả thi của Đề án cần làm cho xã hội hiểu vì mục tiêu của đào tạo nhân lực có trình độ cao đẳng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động vì lợi ích của người học mà tránh đi ngộ nhận "phân luồng" vì mục tiêu bằng cấp.

Hơn nữa, Chính phủ và các nhà làm chính sách cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên tham khảo các chương trình cao đẳng của nước ngoài để hiểu đào tạo trình độ cao đẳng không phải, chưa bao giờ trên thế giới là phép cộng các môn học văn hóa trung học phổ thông và môn học nghề.

Minh Ngọc