Người trong cuộc tiết lộ Trường Tôn Đức Thắng lấy tiền đâu ra để chi phát triển

17/09/2020 06:11
Nguyễn Thị Thu Huyền
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường được Thành phố hỗ trợ quỹ đất và nguồn vay kích cầu; nhưng không nhận ngân sách chi thường xuyên và đầu tư suốt 23 năm qua.

LTS: Xung quanh quá trình tự chủ thành công của Trường đại học Tôn Đức Thắng, nhiều người đặt câu hỏi Trường lấy tiền đâu ra để chi thường xuyên, đầu tư và phát triển vượt bậc như vậy khi không nhận ngân sách. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, một thành viên TDTU có bài viết chia sẻ về vấn đề này với tư cách một người trong cuộc, Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi:

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường từ dân lập được chuyển sang bán công, rồi chuyển sang công lập tự chủ tài chính; được Thành phố hỗ trợ quỹ đất và nguồn vay kích cầu; nhưng không nhận ngân sách chi thường xuyên và đầu tư suốt 23 năm qua.

Nhìn cơ ngơi hiện đại và không ngừng mở rộng hằng năm của Trường, hoạt động học thuật sôi động, chất lượng nghiên cứu và giảng dạy liên tục nâng cao, tuyển dụng được nhân sự chất lượng cao từ nước ngoài; thu nhập giảng viên, viên chức tương đối cao và hằng năm đều tăng..., nhiều người đặt câu hỏi: Tiền ở đâu mà TDTU có?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, ảnh do nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, ảnh do nhân vật cung cấp.

Câu trả lời là: đương nhiên tiền TDTU là do tập thể gần 1500 con người làm ra. Tuy nhiên, theo những trải nghiệm của cá nhân Tôi, làm ra nhiều tiền chưa chắc đã có thể tạo nên được cơ đồ lớn, mạnh, nhanh như vậy cho TDTU. Bí quyết lớn nhất nằm ở chỗ quản lý chặt chẽ và chi tiêu hiệu quả. Điều này tạo ra tiền, tạo ra cơ đồ.

Nói sơ về nguồn thu của TDTU, với bối cảnh một trường tự chủ, công lập, chịu sự quy định về trần học phí loại hình chính qui (tới giờ tầm 18-22tr/ năm, ngành Dược 42tr/ năm, không thu lặt vặt thêm bất cứ gì nữa), chỉ có loại hình chất lượng cao song ngữ Việt- Anh thì tầm 32-52 tr/ năm.

Trong khi đó, các trường công lập tự chủ tài chính khác (đã có sẵn tài sản công được đầu tư trên đất) có học phí loại hình đại trà cũng dao động ở mức 17-20 triệu đồng/năm, chất lượng cao tiếng Việt 28 – 30 triệu đồng/năm, chất lượng cao song ngữ Anh-Việt khoảng 32 triệu đồng/năm. Như vậy, học phí mà TDTU thu không chênh bao nhiêu so với các trường này.

Nguồn thu của TDTU dĩ nhiên còn đến từ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao với các đơn vị sản xuất (thường chiếm khoảng 10 đến 20% tổng thu; những năm gần đây có năm đến 30% nhưng chưa ổn định).

Với từng đấy nguồn thu, TDTU cho thấy họ đã xoay xở tốt như thế nào để đầu tư được cơ sở vật chất tốt vượt bậc (xem hình ảnh cơ ngơi của TDTU ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bảo Lộc), đầu tư nguồn tài nguyên học liệu (thư viện hiện đại và giàu tài nguyên ngang ngửa thư viện các đại học tiên tiến thế giới), đầu tư nghiên cứu khoa học (nhìn quỹ đầu tư nghiên cứu khoa học hàng năm sẵn sàng cho các nhà nghiên cứu ngoài Trường nộp hồ sơ vào là rõ), đầu tư phát triển chuyên môn cho đội ngũ, đảm bảo đời sống cho đội ngũ; liên tục trang bị phòng thí nghiệm...

Đương nhiên, những năm đầu, TDTU không thể làm được tất cả những điều này. Thế nhưng, với cơ chế tự chủ, sự nỗ lực của lãnh đạo và giảng viên, viên chức để bảo đảm nguyên tắc hiệu quả và tiết kiệm mọi chỗ; hằng năm Trường đã tiết kiện được thặng dư đáng kể và dùng toàn bộ thặng dư này để tái đầu tư trở lại cho giáo dục, đúng cam kết với Chính phủ khi được phép tự chủ.

Tôi là một thành viên khá mới trong gia đình TDTU. Mới đây thì chỉ là người cộng tác với Trường; nên Tôi không có cơ hội chứng kiến tất cả hành trình gian nan để đi đến thành tựu ngày hôm nay. Tuy nhiên, những gì Tôi trải nghiệm được trong thời gian làm việc tại đây đã giúp Tôi tự lý giải được tại sao TDTU có được thành quả đáng tự hào này?.

Những câu chuyện rất nhỏ mà tôi chia sẻ ở đây có thể bổ sung, giúp mọi người dần tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: TDTU lấy tiền ở đâu để hoạt động và đang quản lý túi tiền của mình như thế nào?

Khoảng giữa năm 2018, khi Tôi làm cố vấn cho TDTU trong Dự án giáo dục phổ thông quốc tế, Tôi có cơ hội lên thăm Cơ sở Bảo Lộc cuả Trường. Đó thực sự là 1 resort cao cấp, quá sức đẹp!. Sinh viên ở các cơ sở khác được lên đó học Quân sự tập trung, ở khu ký túc xá mới tinh, cũng rất sạch đẹp. Số ít sinh viên đang học tại đó.

Một góc Trường đại học Tôn Đức Thắng, cơ sở Bảo Lộc, ảnh: tdtu.edu.vn.

Một góc Trường đại học Tôn Đức Thắng, cơ sở Bảo Lộc, ảnh: tdtu.edu.vn.

Cô Trợ lý hiệu trưởng chỉ cho Tôi từng thứ trong cơ sở và nói vanh vách chi phí hết bao nhiêu tiền. Khi được giao cho miếng đất ở quả đồi này, chẳng có gì ngoài cây chè đã lão hóa; phải lo giải phóng mặt bằng, san lấp, rồi đầu tư xây dựng từ từ.

Bao nhiêu nhân viên TDTU cứ cuối tuần lên đó lao động công ích để góp sức tạo nên nó. Cô chỉ cái bậc thang bằng đá rồi nói: ban đầu tính ra số đá để làm cầu thang này là tốn mấy trăm triệu chưa kể chi phí di chuyển mấy tảng đá sẵn ở đây; cô thuê người đến chặt lại chỗ đá, công làm hết là 70 triệu đồng, em thấy tiết kiệm không?.

Cũng ở Cơ sở Bảo Lộc, Tôi nhấc đôi dép đi trong Phòng công vụ lên thấy đồ xịn, hiệu Mỹ, le lưỡi, giá phải 500 ngàn/ đôi. Cô Trợ lý hiệu trưởng bảo: "cô biết nó mắc chứ, mà cô thấy nó tốt, nó bền, cô từng mua dùng nên cố mua cho Trường.

Cô phải canh nó sale sập sàn bên Mỹ, nhờ đứa em mua, gửi về, tính ra là giá bằng dép Việt Nam thôi em!, nhưng chắc chắn nó phải dùng bền hơn những đôi tương tự sản xuất nơi khác đến ít nhất là 2 vòng đời."

Tôi tự hỏi: có bao nhiêu người quản lý trong đơn vị công xem cơ quan như ngôi nhà của mình, tiền của chung như tiền túi riêng mà chăm chút, cẩn trọng, tiết kiệm đến như vậy?.

Trong thời gian làm cố vấn, do tính chất công việc, Tôi được bố trí ngồi trong một phòng sát phòng thày Hiệu trưởng. Tôi có thói quen mỗi khi cần nghĩ ý tưởng mà phải làm việc trên máy là không ổn, tài liệu phải in ra, và Tôi ghi chú bằng tay.

Tôi thường nhờ Thư ký của thày Hiệu trường in tài liệu giùm mình. Lúc nào bạn cũng hỏi: có phải tài liệu chỉ để đọc không? Nếu đúng vậy, thì chỉ in bằng giấy 1 mặt (đã dùng 1 mặt trước đó rồi, nay tận dụng lại).

Tôi vốn bị viêm mũi dị ứng, và nghiêm trọng khi độ ẩm tăng lên. Tôi vào văn phòng ở khu vực Ban giám hiệu làm việc lúc 8:00 sáng là thấy mở cửa sổ sẵn, gió lồng lộng và phản ứng của cơ thể tôi là hắt xì liên tục và, ‘nước mắt, nước mũi tèm lem’. Mọi người nghĩ mình bị dị ứng phấn hoa gì đó nên đề nghị sẽ đóng cửa, mở máy lạnh cho Tôi, chứ quy định ở Trường là sau 9:00 sáng mới đóng cửa, mở máy lạnh được.

Tiết kiệm từng chút một vậy đó, và không có ngoại lệ cho ai. Tôi sau đó cũng đề nghị đóng cửa, nhưng không cần mở máy lạnh.

Tôi thích khuôn viên trồng nhiều cây, hoa của TDTU. Tất cả đều rất đẹp và là đồ tốt. Tôi nhủ thầm: quả là một đống tiền, Trường chơi sang quá!. Sau này mọi người mới nói cho Tôi là đội ngũ đi mua sắm của Trường đi hỏi ngoài tiệm ở Sài Gòn. Người ta giới thiệu đó là gốm Bình Dương. Thế là nhân sự của Trường đi xuống đó cả ngày trời, vào hết các xưởng để mua được chỗ giá tốt nhất và cũng đẹp nhất, mang về.

Cũng chuyện về cây, khi Tôi còn ngồi bên khu văn phòng, cứ thấy xe tải của Trường chở cây xanh về. Tôi hỏi mọi người mua ở đâu?. Mọi người nói, tận dụng xe chở đồ ở đây ra Nha Trang, Bảo Lộc, rồi có khi chỗ đó mà có cây nào dư, phải di dời thì chở về đây trồng, vừa không bỏ phí cây ngoài đó, vừa tiết kiệm tiền mua cây ở đây.

Khi Tôi vào ngồi vào các phòng học, phòng họp mới tinh, không chút tì vết của TDTU, Tôi thường nghĩ chắc mới sắm cả. Hỏi ra mới biết, tất cả đều toàn ‘tuổi thọ’ 8-10 năm cả.

Chị Phó trưởng phòng Đại học nói hồi đầu kỷ luật tội ‘không giữ gìn tài sản’ ghê lắm, sinh viên cũng bức xúc nhưng sau thành nếp, em trước bảo em sau nên bây giờ tự động sạch sẽ, sử dụng cẩn thận. Nhà vệ sinh của Trường là nơi được chăm chút. Không phải mùa dịch, nhà vệ sinh mới sạch sẽ; mà tất cả đều luôn luôn sạch và không có mùi hôi gần như mọi thời điểm. Các bồn cầu đều như mới. Đương nhiên ‘tuổi thọ’ của các nhà vệ sinh cũng tương tự các phòng đã nói trên.

Còn rất nhiều câu chuyện nhỏ về tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản của lãnh đạo, nhân viên, sinh viên ở TDTU mà những ai từng đến Trường, dù trong thời gian ngắn ngủi, dù chỉ 1 lần, cũng có thể cảm nhận được. Những điều nhỏ tích kết lại cùng nhau thì tạo nên những thành tựu lớn lao. Đấy là lý do cốt lõi!

Tôi cũng biết, nghe và cũng thấy bằng mắt rằng Ban quản lý dự án ở đây khi triển khai chọn nhà thầu thi công từng hạng mục, hầu hết đều đấu thầu công khai, hiếm lắm mới chỉ định thầu chỉ để kịp năm học. Đã đấu thầu rồi, nhà thầu có giá thấp nhất còn phải vào vòng thương lượng giá trước khi ký hợp đồng; và hầu như nhà thầu nào cũng phải giảm thêm 5% đến 20% so với giá đã bỏ thầu. Những nhà thầu thiết kế còn phải giảm đến 40%, 50% so với dự toán. Tiền tiết kiệm được từ dự án rất lớn; và không đem chia nhau, tập trung mà xây Trường nên làm được nhiều việc khác.

Tôi từng cùng đi chọn nhà thầu và tuyển dụng nhân sự ở Phần Lan với Ban dự án, tận mắt thấy mọi chuyện đều được đàm phán từng chút, tiết kiệm từng chút; ngay cả việc trả thu nhập cho chuyên gia. Chỗ nào cũng tiết kiệm, cùng một số tiền nhưng TDTU có thể làm được rất nhiều việc, trong khi nơi khác có khi chỉ làm được 1 việc.

Tiền từ đó mà ra, sử dụng đồng tiền là như vậy! Tôi vẫn muốn hỏi lại rằng: có bao nhiêu người quản lý trường công mà chăm chút còn hơn Tôi chăm chút cho nhà riêng của Tôi như vậy?!. Chính điều này tạo ra Tiền và giải thích tại sao TDTU đủ tiền để làm mọi chuyện lớn trong khi nơi khác thì không!

Nguyễn Thị Thu Huyền

Tiến sĩ giáo dục học, Vương quốc Anh

Nguyễn Thị Thu Huyền