Những phát ngôn đáng suy ngẫm của ông Vũ Văn Sử về kỳ thi 2018 ở Hà Giang!

18/10/2019 07:03
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Vũ Văn Sử về hưu giữa thời điểm Hà Giang đang là tâm điểm của cơn bão tiêu cực sau kỳ thi năm 2018 vì có tới 5 bị can bị truy tố do nâng điểm cho 107 thí sinh.

Phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Hà Giang đã xét xử 5 bị cáo liên quan trực tiếp đến việc nâng điểm khống cho 107 thí sinh ở địa phương này.

Ngoài các bị cáo, đến dự phiên tòa còn có nhiều người với tư cách là người làm chứng và người có nghĩa vụ liên quan.

Trong số này, chúng ta thấy có ông Vũ Văn Sử- nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi Hà Giang năm 2018. 

Ông Vũ Văn Sử (người ngoài cùng bên phải) đến dự phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Hà Giang (Ảnh: Trinh Phúc).

Ông Vũ Văn Sử (người ngoài cùng bên phải) đến dự phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Hà Giang (Ảnh: Trinh Phúc).

Từ những chia sẻ tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang, chúng ta thấy ông Sử đã cố gắng phân trần nỗi khổ tâm của mình khi Hà Giang xảy ra tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 nên xin tòa cho các bị cáo “có cơ hội sống và làm việc”.

Nhưng, có phải ông Sử là người hoàn toàn trong sáng và đứng ngoài cuộc của sự việc tiêu cực này không?

Khi phát hiện ra tiêu cực, ông Vũ Văn Sử đã nói gì?

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hà Giang để làm rõ thông tin tiêu cực trong quá trình chấm và vào điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì ông Sử đã có những chia sẻ với báo chí là “các khâu coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt”.

Đặc biệt, ông còn nói: “Chúng tôi mới chỉ biết được thông tin điểm thi bất thường qua báo chí. Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình”. Sau này, khi sự việc tiêu cực đã rõ mười mươi thì ông Sử đã khẳng định sự trong sáng của mình khi đứng ngoài việc tiêu cực của kỳ thi.

Ông nói: “Ban Giám đốc Sở Giám đốc chúng tôi có 4 người. Tôi và 2 Phó Giám đốc nằm trong hội đồng, người còn lại có con dự thi nên không tham gia. Chuyện tiêu cực, tôi và 2 Phó Giám đốc Sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy.

Những phát ngôn đáng suy ngẫm của ông Vũ Văn Sử về kỳ thi 2018 ở Hà Giang! ảnh 2Ông Vũ Văn Sử mong Tòa cho các bị cáo cơ hội tiếp tục sống, làm việc

Tôi biết mình và 2 Phó Giám đốc nên tôi mới nói là không. Nếu tôi liên quan tiêu cực, người đầu tiên nhận được sự tác động phải là con lái xe của Giám đốc Sở. Nhưng kết quả điểm các bài thi của cháu công bố lần một thế nào, chấm thẩm định y như thế”.

Nhưng cuối cùng thì có tới 2 vị Phó Giám đốc Sở bị truy tố, đó là bà Triệu Thị Chính bị tố đưa danh sách 13 thí cho ông Nguyễn Thanh Hoài để nâng điểm và ông Phạm Văn Khuông sợ con trai mình rớt tốt nghiệp nên đã nhờ vả ông Hoài nâng điểm cho con mình.

Rồi ông Vũ Văn Sử về hưu giữa thời điểm Hà Giang đang là tâm điểm của cơn bão tiêu cực sau kỳ thi năm 2018 vì có tới 5 bị can bị truy tố do nâng điểm cho 107 thí sinh.

Trước tòa, ông Vũ Văn Sử đã thừa nhận và phân trần như thế nào?

Thời điểm xảy ra tiêu cực ở Hà Giang thì ông Vũ Văn Sử đang là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi Hà Giang năm 2018.

Lúc đó, qua camera thì ông Sử biết ông Vũ Trọng Lương đã có hành vi giật niêm phong, mở khóa, vận chuyển bài thi ra ngoài nên ông đã “sốc”, “choáng” và dẫn đến việc: “Khi biết sự việc này, bản thân tôi áp lực quá không ăn nổi cơm, phải dùng thuốc an thần vẫn không ngủ được”.

Vậy, tại sao với cương vị là Chủ tịch Hội đồng thi tỉnh Hà Giang mà ông Sử không báo cáo sự việc này lên Bộ Giáo dục và Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh?

Tại sao ông Sử chỉ họp và xử lý nội bộ, vẫn trưng dụng ông Lương, ông Hoài cho đến khi dư luận lên tiếng về những bất thường về điểm thi ở Hà Giang thì ông Sử mới lên tiếng: “tiêu cực, tôi tuyệt nhiên không”.

Ông không (hoặc chưa làm rõ được) tiêu cực nhưng cấp dưới ông tiêu cực mà ông lại đang là Giám đốc Sở- Chủ tịch Hội đồng thi?

Ông Vũ Văn Sử không tiêu cực tại sao lại thừa nhận trước tòa là chuyển thông tin của 3 thí sinh cho cấp phó của mình là bà Triệu Thị Chính “xem điểm thi”.

Đồng thời lưu ý thí sinh Triệu Thị M. là con gái của ông Triệu Tài Vinh- lúc đó đang là Bí thư tỉnh ủy để bà Chính trả lời: “em biết rồi”? Vậy mà bây giờ, khi đứng trước tòa thì ông Vũ Văn Sử đã lên tiếng: “Mong tòa xét xử công minh, mong cho các bị cáo cơ hội tiếp tục sống, làm việc”.

Vậy, có bao giờ ông Sử nghĩ rằng nếu sự việc này trót lọt thì 107 thí sinh ở Hà Giang sẽ cướp mất cơ hội của 107 thí sinh khác trên cả nước không? Có bao giờ ông nghĩ rằng 107 thí sinh này sẽ là những cán bộ, công chức, là những lớp cán bộ kế cận của Hà Giang và nhiều ngành nghề khác trên cả nước không?

Ông có biết rằng trong số 107 thí sinh này sau khi chấm thẩm định chỉ có 39 thí sinh đủ điểm để vào các trường đại học và cao đẳng, số còn lại thì đã bị rớt khi trả về điểm thực không?

Ông mong những cấp dưới của mình có cơ hội tiếp tục “làm việc” nhưng những bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa có còn xứng đáng để đứng vào hàng ngũ những người “đầy tớ” của nhân dân nữa hay không?

Giá như những lời phân trần, nhân nghĩa trước tòa của ông Vũ Văn Sử nói trước khi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 diễn ra thì biết đâu 5 bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa trong những ngày qua giờ đang là những cán bộ, lãnh đạo mẫn cán của ngành giáo dục và công an tỉnh Hà Giang.

Hàng trăm phụ huynh- trong đó chủ yếu là những cán bộ, đảng viên không bị nhận hình thức kỷ luật “khiển trách” hoặc bị yêu cầu "điểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" và niềm tin của nhân dân cả nước không phải ai oán như bây giờ!

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ong-vu-van-su-mong-toa-cho-cac-bi-cao-co-hoi-tiep-tuc-song-lam-viec-post203451.gd

//tuoitre.vn/ong-vu-van-su-da-lam-moi-cach-de-ky-thi-an-toan-20191016131648925.htm

NGUYỄN CAO