Nông thôn, thành thị đều cần dạy học trên truyền hình lúc này

19/02/2020 06:28
Vũ Phương
(GDVN) - Theo nhà giáo Đậu Xuân Thoan, mỗi địa phương đều có đài phát thanh truyền hình nên có thể tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh nghỉ học tránh dịch Corona.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch đến hết tháng 2, có địa phương còn kiến nghị cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3.

Nhưng vấn đề đặt ra, trong thời gian học sinh được nghỉ học việc ôn tập kiến thức cho các em được triển khai như thế nào thì mỗi địa phương một kiểu. Đối với học sinh thành phố, đô thị... trung tâm có điều kiện hơn học sinh ôn tập, học trực tuyến, nhưng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại không thể. 

Dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm cần được nhân rộng
Dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm cần được nhân rộng

Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm ngành giáo dục địa phương cần phối hợp với kênh truyền hình địa phương tổ chức ôn tập cho học sinh.

Các đài phát thanh, truyền hình địa phương vốn được ngân sách địa phương chi trả, lúc này cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình bằng việc phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh thay những chương trình thuần túy giải trí như chiếu phim nước ngoài.

Tính đến thời điểm này đã có tỉnh Đồng Nai tổ chức sản xuất và phát sóng trên đài phát thanh truyền hình tỉnh chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và học sinh lớp 12 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân).

Chương trình được phát sóng vào lúc 07 giờ 30 phút và 13 giờ 30 phút hàng ngày trên kênh truyền hình Đồng Nai 1 và sau đó phát lại vào lúc 08 giờ 35 phút và 14 giờ trên kênh truyền hình Đồng Nai 2 (ĐN2).

"Không chỉ nông thôn mà thành phố lúc này có chương trình truyền hình dạy học cho học sinh thời điểm này sẽ rất tốt và cần thiết", chị Y. Hiệu  trưởng trường tiểu học tại quận Hà Đông, Hà Nội nói. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc dạy học trên truyền hình, nhà giáo Đậu Xuân Thoan, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý - Giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng:

“Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, các địa phương hoàn toàn có thể phát sóng ôn tập kiến thức trên truyền hình cho học sinh. 

Mỗi địa phương đều có đài phát thanh truyền hình sao không dùng kênh này để tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh địa phương mình khi thời gian trở lại trường có thể còn kéo dài.

Tại thành phố, trung tâm, đô thị, học sinh có điều kiện ôn tập bằng nhiều hình thức như học trực tuyến qua máy tính, điện thoại thông minh thì không vấn đề gì.

Còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa số gia đình có máy tính kết nối internet cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì việc học sinh nghỉ dài ngày mà được ôn tập kiến thức cũng rất đáng lo”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh vùng khó khăn có thể ôn tập kiến thức hiệu quả qua kênh truyền hình địa phương trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh minh họa, nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, học sinh vùng khó khăn có thể ôn tập kiến thức hiệu quả qua kênh truyền hình địa phương trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh minh họa, nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai. 

Nói về việc chọn kênh truyền hình địa phương để dạy học trên truyền hình, thầy Đậu Xuân Thoan cho rằng:

“Có thể nói tivi thì gần như nhà nào cũng có, từ đô thị đến vùng khó khăn nhất. Hơn nữa, địa phương nào cũng có đài phát thanh truyền hình của tỉnh là điều rất thuận lợi.

Như vậy chọn kênh truyền hình địa phương để phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh trong lúc này và ngay cả khi học sinh đi học trở lại vẫn rất cần thiết và hiệu quả đối với học sinh vùng khó khăn. Điều quan trọng là quyết tâm của lãnh đạo và ngành giáo dục địa phương có muốn làm hay không”.

Nhà giáo Đậu Xuân Thoan cũng chỉ ra: “Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương hoàn toàn có thể kết hợp với Đài phát thanh truyền hình để mời những thầy cô giáo giỏi dạy các môn cơ bản các khối lên sóng giảng bài, ôn tập kiến thức cho học sinh.

Có thể mỗi khung giờ dạy các môn cơ bản khác nhau, các khối khác nhau để làm sao các em đều được ôn tập kiến thức. Do thời lượng có hạn nên không thể đòi hỏi giáo viên giảng như trên lớp mà cần sự tổng hợp, khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu.

Giờ phát sóng chương trình có thể được thống báo trên truyền hình địa phương, thông báo qua hệ thống loa phát thanh của xã, phường đến từng thôn, xóm”.

Dạy học trên truyền hình đặc biệt trong thời điểm học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 cần được nhân rộng. Ảnh: Chụp màn hình truyền hình Đồng Nai.
Dạy học trên truyền hình đặc biệt trong thời điểm học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 cần được nhân rộng. Ảnh: Chụp màn hình truyền hình Đồng Nai.

Nhà giáo Đậu Xuân Thoan thẳng thắn cho rằng: “Có thể nói ngành giáo dục khá bị động và thiếu những phương án, kịch bản khi xảy ra những tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh..

Dịch Covid-19 cho thấy ngành giáo dục khá lúng túng, các địa phương thì mạnh ai nấy làm. Lẽ ra ngành giáo dục cần có những phương án, kịch bản khi học sinh nghỉ học 1 tháng hay dài hơn thì kế hoạch năm học như thế nào, việc ôn tập ra sao, bằng cách nào…

Ngành giáo dục đang bị động ở việc cho học sinh nghỉ học không thống nhất, có địa phương công bố cho học sinh nghỉ theo tuần, có địa phương mạnh dạn hơn cho học sinh nghỉ cả tháng…còn việc ôn tập kiến thức cho học sinh cũng tùy vào từng trường, địa phương”.

Đồng quan điểm với nhà giáo Đậu Xuân Thoan, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không ít chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, trong thời điểm này đài phát thanh truyền hình địa phương nên phát huy vai trò của mình.

Cho học sinh tiếp tục nghỉ học là phương án phù hợp nhất trong lúc này
Cho học sinh tiếp tục nghỉ học là phương án phù hợp nhất trong lúc này

Các địa phương cần nhanh chóng tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ôn tập kiến thức cho học sinh như Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đồng Nai. 

Còn thầy Q.V. - giáo viên một trường trung học cơ sở của huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: “Sẽ rất tốt nếu học sinh được hướng dẫn, ôn tập kiến thức qua kênh truyền hình của tỉnh.

Thực tế, điều kiện kinh tế của phụ huynh nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Số gia đình có máy tính rất hiếm. Còn tivi gần như nhà nào cũng có, nhà khá giả có tivi màn hình phẳng, mỏng, còn nhà khó khăn có tivi loại cũ.

Bởi vậy, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19 các em có thể ôn tập qua kênh truyền hình các môn cơ bản sẽ phần nào giúp các em củng cố kiến thức tốt hơn khi đi học trở lại ”.

Thầy Q.V. cũng chia sẻ, điều kiện đi lại trên này khó khăn, phụ huynh cũng bận đi nương, đi rẫy nên việc giáo viên hướng dẫn, giao bài cho học sinh rất khó khăn. Giáo viên cũng không thể in tài liệu rồi đến tận nhà các em phát được, khoảng cách nhà các em rất xa. 

"Kênh truyền hình địa phương chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong những ngày học sinh nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19", thầy Q.V. nói. 

Vũ Phương