Phân tầng, xếp hạng đại học cần phải rõ tiêu chí cụ thể

28/09/2015 07:29
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là quan điểm của ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72 quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Đại học Việt Nam sẽ được phân thành 3 tầng, 5 hạng.

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh nội dung Nghị định này, ông Lê Viết Khuyến nhận định, khái niệm gọi là phân tầng và xếp hạng theo Nghị định có nhiều nét khác với quan niệm trên thế giới.

Do đó, chưa chuẩn mang tính chất hệ thống, xuất phát từ cách làm luật của ta đối với những luật liên quan tới chuyên môn, học thuật thường đưa ra những khái niệm, nhưng lại không làm rõ được khái niệm đó.

Chỉ là phân loại các trường

Ông Lê Viết Khuyến cho rằng, bám sát nghĩa thì thực chất phân tầng ở đây là phân loại các trường đại học, và xếp hạng.

Theo ông Khuyến, nếu nói đúng nghĩa theo phân tầng thông lệ chung của thế giới thì phải là phân tầng theo sứ mệnh, và chỉ áp dụng đối với trường đại học công, trường đại học tư không xếp.

Vì trường đại học công nhận tiền từ nhà nước, căn cứ vào sự phát triển của nguồn nhân lực, căn cứ vào thực trạng để sắp xếp một số loại trường để ứng với những sứ mệnh khách nhau, do đó nhà nước giao nhiệm vụ cho các trường đại học công phải tạo ra nhiều loại trường khác nhau.

Một ví dụ của Hệ thống đại học California (Hoa Kỳ), đối với các trường công được chia ra thành 9 trường đại học thuộc hệ thống nghiên cứu, chức năng chủ yếu là hoạt động nghiên cứu, hoạt động đào tạo chỉ thiên về đào tạo sau đại học.

Xếp hạng đại học cần cơ chế để giám sát các tổ chức tham gia xếp hạng. Ảnh minh họa Xuân Trung
Xếp hạng đại học cần cơ chế để giám sát các tổ chức tham gia xếp hạng. Ảnh minh họa Xuân Trung

23 trường đại học thuộc hệ thống trên thiên về định hướng giảng dạy, chủ yếu đào tạo tới trình độ thạc sĩ và cử nhân, không đào tạo cao đẳng. Còn có khoảng 105 trường các cao đẳng cộng đồng rải rác khắp tiểu bang để đáp ứng yêu cầu nhân lực trực tiếp bậc trung của tiểu bang này.

Các trường này không có chuyện hoán vị từ trường này sang trường khác, theo sứ mệnh riêng, với mục đích tạo ra cơ chế hài hòa, đáp ứng sự phát triển nhân lực.

Ở Hoa Kỳ cũng có phân loại, xếp hạng nhưng công việc này không do nhà nước làm, mà do các tổ chức phi chính phủ làm. Các tổ chức xếp hạng này không chỉ xếp hạng ở tầm quốc gia mà còn cho cả thế giới. Ví như Tổ chức Đại học Thượng Hải xếp hạng cho các trường đại học toàn thế giới…

Trong xếp hạnh theo ông Khuyến cũng sẽ có những phân loại thành các nhóm lớn, trong từng nhóm lớn cũng có xếp hạng mỗi nhóm. Theo Nghị định vừa ban hành có thể hiểu là phân tầng là xếp hạng thành các nhóm lớn.

Những nội dung như trong Nghị định của Chính phủ về xếp hạng, phân tầng đó chỉ là phân loại. Phân loại là chia ra các trường đại học thành các loại khác nhau, có thể theo loại hình đào tạo, chất lượng đào tạo…

Phân loại thường do các tổ chức phi chính phủ làm, có thể có nhiều tổ chức làm. Với điều kiện ở Việt Nam việc xếp hạng nên để cho các tổ chức độc lập, đó là theo thông lệ thế giới gồm các Hiệp hội, báo chí, Liên hiệp các hội để đánh giá khách quan hơn là các đơn vị của Bộ GD&ĐT. 

Còn việc xếp hạng (Ranking) thông lệ chung là do các tổ chức phi chính phủ, nhưng trong Luật Giáo dục đại học và Nghị định có vẻ do nhà nước làm? 

Cần cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức xếp hạng

Đi vào nội dung cụ thể của Nghị định thì ông Khuyến cho rằng, các tiêu chí rất không cụ thể, có sự lẫn lộn giữa xếp hạng trường và xếp hạng chương trình, thiên về xếp hạng chương trình hơn. Các tiêu chí xếp hạng chung chung nên ông Khuyến cho rằng chưa khả thi.

Riêng phần giải thích từ ngữ chỉ giải thích được “phân tầng” và “xếp hạng” là như thế nào, nhưng không nói rõ mục đích của phân tầng và xếp hạng để làm gì. 

“Mục đích để làm gì, phải cụ thể để xem có đáng được xếp hạng hay không thì chỗ này chưa làm được” ông Khuyến cho biết.

Luật giáo dục đại học có nói “Cơ sở giáo dục đại học được phân thành ba loại; loại định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Nhưng từ ngữ ở đây (Nghị định 72) là nói về “cơ sở giáo dục đại học” đúng với nghĩa của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học trước khi bị sửa bơi Luật giáo dục nghề nghiệp (gồm cả đai học và cao đẳng).

Trong Nghị định 141 về Hướng dẫn thi hành Luật giáo dục có nói “Chương trình đại học chỉ có hai hướng nghiên cứu và ứng dụng”, không có đại học theo định hướng thực hành, trong khi đó chương trình cao đẳng thiên về định hướng thực hành.

Nếu Luật giáo dục bỏ cao đẳng ra thì theo ông Khuyến các cơ sở giáo dục đại học chỉ còn có theo hai hướng là nghiên cứu và ứng dụng. Còn định hướng thực hành là của cao đẳng, đó là sự mâu thuẫn lớn của Nghị định 72 bà Nghị định 141.

Trong tiêu chuẩn để phân biệt giữa đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng theo ông Lê Viết Khuyến là quá lộn xộn. Các đại học theo hướng nghiên cứu trước hết những trường này chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu; từ đào tạo nghiên cứu khoa học chuyên sâu về nguyên lí, lí thuyết cơ bản…
 
Điều quan trọng nhất trong phân tầng, xếp hạng đại học là làm sao ngăn chặn được tình trạng xin – cho để có được thứ hạng “đẹp”, tầng cao. Điều này ông Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu các tiêu chí được đưa ra rất cụ thể và kèm theo đó có những cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức thì sẽ tránh được tiêu cực.

Suy cho cùng, nếu phân tầng và xếp hạng không được chính xác thì người học và xã hội chịu ảnh hưởng, vì theo đó sẽ có nhiều nguyện vọng, lựa chọn “nhầm” địa chỉ đào tạo.

Xuân Trung