Quận Kiến An (Hải Phòng) minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa mới

23/03/2021 08:28
LÃ TIẾN-PHƯƠNG LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các nhà trường thuộc quận Kiến An (Hải Phòng) đã hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch và bảo mật.

Gấp rút chọn sách giáo khoa

Theo ghi nhận của phóng viên tại Trường trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, Hải Phòng), ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của các cấp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 đến các tổ chuyên môn.

Các tổ nhóm chuyên môn nhà trường đã tổ chức nghiên cứu sách qua bản mềm tải trên mạng và sách mẫu, qua đó đánh giá và tổng hợp lựa chọn của các thành viên trong tổ.

Đến ngày 12/3, nhà trường đã mở cuộc họp có sự tham gia của Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh nhà trường và nhận được sự tán đồng, nhất trí cao của phụ huynh.

Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, Hải Phòng) triển khai kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, Hải Phòng) triển khai kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Ngày 16/3, nhà trường đã hoàn tất hồ sơ, danh mục đề xuất sách giáo khoa lớp 6 gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An.

Theo cô giáo Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện, song song với việc thực hiện các bước trong kế hoạch, nhà trường còn bố trí đội ngũ thầy, cô giáo trẻ khỏe, nhiệt tình và có trình độ chuyên môn tốt, vững vàng tham gia tập huấn chương trình dạy học theo sách mới.

Nhà trường cũng đăng ký đồ dùng, thiết bị phục vụ giảng dạy để đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất, đáp ứng điều kiện giảng dạy sách giáo khoa lớp 6.

Ghi nhận thêm tại Trường Trung học cơ sở Bắc Sơn (quận Kiến An), trong quá trình triển khai chọn sách giáo khoa lớp 6, một số bộ môn của nhà trường như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ có số lượng giáo viên ít nên gặp khó khăn trong việc nghiên cứu sách.

Nhà trường đã liên kết với các trường theo cụm để các giáo viên có thể trao đổi chuyên môn, nghiên cứu chung.

Việc liên kết cụm trường giúp việc nghiên cứu, lựa chọn sách có hiệu quả tốt và giúp đảm bảo tiến độ lựa chọn sách của nhà trường.

Bên cạnh đó, để đảm bảo giáo viên kịp thời tập huấn chương trình dạy sách giáo khoa mới theo lịch, nhà trường đã bố trí một phòng họp trực tuyến riêng.

Ngày 19/3, nhà trường đã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo đề xuất lựa chọn danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong nhà trường năm học 2021-2022.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, trong các cuộc họp Ban đại diện Cha mẹ học sinh nhà trường đã thông báo chủ trương đề xuất lựa chọn sách giáo khóa lớp 6 năm học 2021-2022.

Hiệu trưởng nhà trường đã xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 theo các văn bản hướng dẫn của ngành giáo dục.

Việc lựa chọn theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch, bảo mật, đảm bảo thời gian theo quy định và được sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh.

Để triển khai kế hoạch, các tổ nhóm chuyên môn tổ chức họp để thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa theo tiêu chí, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Tổ chuyên môn sau đó tiến hành tổng hợp danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn (danh mục sách giáo khoa có chữ ký của tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn).

Sau khi hoàn thiện danh mục, nhà trường tổ chức cuộc họp gồm: Ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng chuyên môn và Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất và lựa chọn sách cho mỗi môn học.

Giáo viên tự chủ chọn sách giáo khoa

Theo quy định, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 cho từng môn học, hoạt động giáo dục năm nay đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của thành phố và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn các quận, huyện.

Về quy trình lựa chọn sách, người đứng đầu các cơ sở giáo dục trung học cơ sở sẽ tự chủ xây dựng và triển khai kế hoạch.

Việc nghiên cứu sách sẽ được giao cho các giáo viên, tổ nhóm chuyên môn sau đó tổng hợp và gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện trên địa bàn trước ngày 20/3.

Các nhà trường trên địa bàn quận Kiến An tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Các nhà trường trên địa bàn quận Kiến An tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Vũ Xuân Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An cho biết: “Năm nay, quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 thuận lợi khi căn cứ pháp lý, các bước tiến hành rất rõ ràng và số bộ sách giảm đi còn 3 bộ.

Bố cục, trình bày, thể thức và lựa chọn dữ liệu trong ba bộ sách giáo khoa mới đều rất tốt, có nhiều ưu điểm.

Bên cạnh thể thức đẹp, nội dung sách cũng được rút gọn, ít chữ hơn, tăng tương tác và có bố cục logic, khoa học, dễ nhìn, dễ thấu hiểu.

Ngoài ra, các bộ sách còn mang lại thuận lợi cho giáo viên trong việc giảng dạy khi sách được xây dựng như một giáo án thu nhỏ.

Trong sách giáo khoa mới còn có nhiều bài mẫu, hướng dẫn trả lời giúp tăng khả năng tự học của học sinh”.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng rất tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên các nhà trường khi không đưa ra định hướng về việc lựa chọn bộ sách giáo khoa”, ông Vũ Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Kiến An, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình chọn sách giáo khoa mới cũng tồn tại những khó khăn so với trước đây.

Cụ thể, năm nay, mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có 2 đến 3 bản sách mẫu gửi các trường luân phiên nghiên cứu.

Giáo viên muốn nghiên cứu sâu phải đọc qua bản mềm trên liên kết điện tử, dẫn đến việc nghiên cứu sách gặp nhiều khó khăn khi các bộ sách đều có nhiều ưu điểm.

Bên cạnh đó, thời gian nghiên cứu sách ngắn nên khó lột tả hết được ưu và nhược điểm của từng bộ sách.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An cho rằng, giáo viên các nhà trường đã khắc phục khó khăn và chủ động lựa chọn bộ sách tốt nhất bảo đảm yêu cầu dạy và học tại địa phương.

LÃ TIẾN-PHƯƠNG LINH