Sinh viên chuyên ngữ không nói được tiếng Anh và chuyện chọn nghề

09/01/2018 06:50
Tiến sĩ Lương Văn Nhân
(GDVN) - Câu hỏi đặt ra là, tại sao hơn 2/3 sinh viên chuyên ngữ không nói và viết được tiếng Anh? Quả bóng trách nhiệm được đá cho ai?

LTS: Về nước tham gia giảng dạy cho sinh viên Khoa Anh tại một trường đại học, Tiến sĩ Lương Văn Nhân, giảng viên tại Đại học Huddersfield - Anh đã chứng kiến một thực tế đáng buồn trong việc đào tạo ngoại ngữ hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi chứng kiến những sinh viên năm cuối chuyên ngành Ngôn ngữ Anh không thể nói được một câu tiếng Anh đúng ngữ pháp và không viết được một đoạn văn cơ bản; những sinh viên năm một mới vào trường mà tiếng Anh còn thua kém xa các học sinh thời tôi dạy cấp 2 ở Hải Lăng – Quảng Trị, tôi khuyên các em nên bỏ học…

Thực tế đào tạo

Nếu sự việc trên diễn ra đối với một vài em thì rõ là tôi sai.

Vì không người thầy nào lại đi khuyên học trò mình bỏ học, nếu một số học sinh yếu kém năng lực ngôn ngữ đó có thể được biện giải rằng do chính các em không nghiêm túc cố gắng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao hơn 2/3 sinh viên chuyên ngữ không nói và viết được tiếng Anh?

Chỉ lác đác vài em nổi bật (so với nhóm còn lại chứ không đạt “chuẩn đầu ra” cơ bản của một sinh viên tiếng Anh).

Quả bóng trách nhiệm được đá cho ai? Tập thể giảng viên, Khoa và nhà trường đã làm gì (với các em) để ra nông nỗi này?

Chất lượng đào tạo tiếng Anh của một số trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Chất lượng đào tạo tiếng Anh của một số trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Lại nữa, để viết khóa luận tốt nghiệp đòi hỏi sinh viên đạt trình độ nhất định tích lũy qua 4 năm học, đặc biệt kĩ năng Viết.

Vậy mà lãnh đạo trường (xin phép không nêu tên đơn vị này) yêu cầu toàn bộ sinh viên viết khóa luận (không biết điều khoản nào của Luật Giáo dục và quy định nào của Bộ xác nhận tính hợp pháp của chỉ đạo này).

Hậu quả là nếu để các em tự viết thì “than ôi, thảm họa ngôn ngữ”; thế rồi sao chép, cắt, dán để thành một cuốn khóa luận đẹp bìa rỗng trang.

Một thế hệ ra trường được huấn luyện và ủng hộ “đi ăn cắp”.

4 năm làm sinh viên chuyên ngữ lại không có hoặc có thì đếm trên đầu ngón tay cơ hội tiếp xúc với giáo viên bản xứ thì lấy đâu ra môi trường cho các em luyện tập ngôn ngữ.

Không thể đổ lỗi vì hoàn cảnh, bởi rằng giáo dục là kinh doanh; đặc biệt với các trường đại học tư thục thì dịch vụ họ cung cấp phải tương xứng với số tiền mà khách hàng (các em học sinh và phụ huynh) bỏ ra.

Chọn trường – Chọn ngành

Sinh viên chuyên ngữ không nói được tiếng Anh và chuyện chọn nghề ảnh 2Thiếu ngoại ngữ và kỹ năng là lý do sinh viên ra trường thất nghiệp?

Tìm hiểu kĩ chất lượng đào tạo là điều hết sức quan trọng khi chọn trường nào để theo học.

Khi bạn (quý vị phụ huynh) đã quyết định gửi con mình vào một trường nào đó nghĩa là bạn phó thác 4 năm quan trọng nhất của định hướng, hình thành năng lực nghề nghiệp của con mình cho họ.

Đừng ham rẻ. Đầu tư cho giáo dục không bao giờ lỗ. Vậy nên, hãy chọn dịch vụ chất lượng từ các cơ sở uy tín để xứng đáng với đồng tiền quý vị bỏ ra.

Các em học sinh cần cái đầu tỉnh táo, khoa học và tầm nhìn chiến lược. Chọn ngành theo đam mê sở thích là điều hết sức khuyến khích.

Các em, và cả phụ huynh, hãy lắng nghe năng lực bản thân, thích gì, sở trường lĩnh vực nào thì mạnh dạn và hết mình vì nó.

Đồng thời, phụ huynh, thầy cô và các em nên tính toán thực tế để xem ngành nghề nào phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Cuộc đời là một ván cờ, sai một nước đi thì hậu quả khó cứu vãn; hoặc nếu được thì rất mất thời gian.

Đầu tư giáo dục là kinh doanh, mà kinh doanh thì phải tận dụng từng giây từng phút.

Bỏ học

Sinh viên chuyên ngữ không nói được tiếng Anh và chuyện chọn nghề ảnh 3Chọn ngành theo cảm tính, làm sao học sinh tự cứu mình?

Bởi đại học không phải là con đường duy nhất đúng.

Nếu ngồi trên ghế giảng đường 4 năm để khi tốt nghiệp vẫn không thể nói và viết được tiếng Anh thì đó là sự lãng phí không tưởng.

Tôi đã khuyên sinh viên mình bỏ học (hoặc thi lại để vào một trường khác, ngành khác) trước khi quá muộn.

Với chất lượng đào tạo như đã nêu ở phần trên thì để giỏi tiếng Anh, sử dụng được tiếng Anh làm phương tiện để hái ra tiền, tốt nhất các em lên Sa Pa nơi mà trẻ em nói tiếng Anh không khác chi dân bản xứ, hay về Hội An nơi mà Tây đông hơn Ta.

Tóm tại, đây là thời khắc quan trọng đối với các em học sinh đang chọn trường, chọn ngành và chọn nghề.

Các em hãy lắng nghe con tim mình với cái đầu hết sức thực tế và tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô cùng các anh chị đi trước.

Quý vị phụ huynh hãy tôn trọng quyết định của con cái nhưng cũng cần tư vấn và định hướng cho các em.

Chúc các em thành công!

Tiến sĩ Lương Văn Nhân