Sòng phẳng như mua bán còn đâu tình thầy trò?

22/05/2017 07:35
Thuận Phương
(GDVN) - Không ít giáo viên dạy thêm cứ vin vào lương thấp để nói “nếu sống được bằng lương chúng tôi sẽ không dạy thêm”.

LTS: Phản ánh thực tế hoạt động dạy thêm của các giáo viên, cô giáo Thuận Phương cho rằng có hai nguyên nhân khiến các thầy cô dạy thêm.

Một là thầy cô giáo dạy thêm vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hai là dạy thêm vì mục đích làm giàu.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời gian qua, dư luận lại nóng lên vì lệnh cấm dạy thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh một Hiệu trưởng với ánh mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn khi nói về việc dạy thêm trong trường tiểu học đã cho độc giả nhiều cảm xúc đa chiều.

Theo vị này, cấm dạy thêm nhưng vì đời sống khó khăn nên nhiều thầy cô sẽ ra ngoài làm gia sư, dạy thêm ở các cơ sở.

Còn cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng nếu học sinh chỉ học trong lớp chính khóa thì làm sao thi đậu trường y?

Cô thừa nhận dạy thêm - học thêm trong trường góp phần nâng cao đời sống không chỉ cho những giáo viên trực tiếp đứng lớp, mà còn giúp tăng thu nhập hằng tháng cho tất cả cán bộ - giáo viên - nhân viên (qua việc bổ sung cho quỹ phúc lợi); giúp chi tiền thưởng trong dịp lễ tết...

Thầy cô dạy thêm có hai nguyên nhân, một là do hoàn cảnh khó khăn, hai là muốn làm giàu. (Ảnh: Thanhnien,vn)
Thầy cô dạy thêm có hai nguyên nhân, một là do hoàn cảnh khó khăn, hai là muốn làm giàu. (Ảnh: Thanhnien,vn)

Nói tóm lại, cái lợi mà thầy cô nhận được từ việc dạy thêm cho bản thân mình gấp rất nhiều lần cái lợi mà mỗi học sinh nhận được.

Đó là chưa nói đến việc có rất nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học thêm nhưng vì ngại con bị “đì” trên lớp đành tặc lưỡi đăng kí cho con đi học cho xong.

Có rất nhiều lý do để thầy cô dạy thêm nhưng trong thực tế thầy cô dạy thêm chủ yếu vì hai nguyên nhân sau.

Dạy thêm do gia đình kinh tế khó khăn

Những thầy cô giáo này thường không đặt nặng chuyện tiền bạc. Bởi thế, học sinh đi học theo nhu cầu, giáo viên không bao giờ ép buộc hay phân biệt đối xử giữa các học sinh với nhau.

Có người dạy cả nhóm học trò với vài chục em nhưng chỉ lấy học phí chung khoảng 2 triệu đồng, có nghĩa mỗi học sinh chỉ phải đóng khoảng 100 ngàn/tháng.

Không ít học sinh thắc mắc vì sao cô thầy thu học phí ít vậy.

Có giáo viên trả lời “với cô như thế là đủ rồi”. Đã thế, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp tai ương bất ngờ luôn được thầy cô miễn giảm hoàn toàn.

Dạy thêm để làm giàu

Sòng phẳng như mua bán còn đâu tình thầy trò? ảnh 2

Quận Bình Tân cấp giấy phép dạy thêm tràn lan, ai chịu trách nhiệm?

(GDVN) - Cho tới nay, công tác cấp giấy phép dạy thêm ở quận Bình Tân có quá nhiều bất cập, khi giấy phép được cấp thì nhiều, nhưng không nơi nào chịu hậu kiểm.

Những thầy cô giáo này bao giờ cũng đặt nặng chuyện tiền bạc. Bởi thế, họ luôn dùng nhiều thủ đoạn để kéo học sinh đến lớp học thêm của mình như việc dạy trước, nhá đề kiểm tra, đề thi.

Trong lớp học, thường nâng đỡ những em học thêm và tỏ thái độ khó chịu với những học sinh khác. Tiền học phí luôn nằm ở mức cao nhất.

Nếu lớp học vài ba học sinh thì học phí mỗi em khoảng 1 triệu đồng đến 1 triệu rưỡi một học sinh/8 buổi học.

Có giáo viên nói thẳng thừng “Một ca ít nhất phải đảm bảo khoảng 4 triệu đồng tôi mới dạy”.

Thời gian dạy chỉ 1 tiếng 30 phút. Có em nói vui, tính thời gian thực học chắc chỉ hơn 1 tiếng vì phải trừ thời gian thầy cô dừng lại đòi tiền.

Có giáo viên thu tiền ngày. Học sinh kể rằng khi vào lớp, mới học được một nửa thời gian thầy ngưng lại thu tiền. Mức phí là 50.000 đồng/buổi với lớp học đại trà vài chục em trở lên.

Khoảng 100.000 đồng/buổi với sĩ số lớp học ít hơn thế. Có em ngày đó quên mang tiền thì tự nguyện xách cặp ra về chứ tuyệt nhiên thầy không cho nợ.

Có người thu tiền tháng, cứ vào lớp học thầy cô giở sổ nêu tên trước lớp. Không ít học sinh phàn nàn “nhiều hôm chưa có tiền nộp chẳng dám đến lớp vì sợ thầy cô nhắc nhở thì "quê" với bạn bè”.

Những giáo viên “dạy vì tiền” luôn nêu cao suy nghĩ “tận thu’. Bởi thế, họ chẳng bao giờ miễn giảm cho bất kì học sinh nào dù gia đình các em khó khăn.

Muốn học thì phải có tiền, không tiền thì đừng đi học. Phải đổ mồ hôi công sức để dạy chứ không phải là trại tế bần” - một giáo viên đã cao giọng nói thế khi được đồng nghiệp đề cập đến chuyện miễn giảm cho học sinh nghèo.

Bởi thế, theo một số giáo viên cho biết “không ít thầy cô giáo dạy thêm có mức thu nhập hàng tháng khoảng dăm chục triệu đồng trở lên”.

Nếu dạy thêm vì học sinh như nhiều người thường nói, sao những thầy cô giáo này không thu học phí khoảng vài chục ngàn đồng một em, một buổi dạy có thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đã cao hơn mức lương nhà nước trả?

Không ít giáo viên dạy thêm cứ vin vào lương thấp để nói “nếu sống được bằng lương chúng tôi sẽ không dạy thêm”.

Một tháng dạy thêm của một số giáo viên bằng cả năm lương của một giáo viên có thâm niên trong nghề gần chục năm. Vậy lương tăng thêm vài triệu đồng cũng đâu có nghĩa lý gì?

Câu nói đó chỉ đúng với những giáo viên ở các vùng thôn quê, miền núi, chỉ đúng với một số thầy cô giáo dạy thêm vì kinh tế gia đình thật sự khó khăn như đã phản ánh ở phần trên.

Thuận Phương