Thầy giáo đánh học sinh: Gia đình “bất lực” trong việc dạy con?

26/07/2012 06:00
Độc giả Nguyễn Chiến
(GDVN) - "Tôi không hiểu tại sao những bậc làm cha làm mẹ lại có thể nhẫn tâm thờ ơ, thậm chí là ủng hộ việc thầy giáo dùng roi mây để truyền đạt kiến thức, dạy dỗ nhân cách con mình ở tuổi 13 – 14".
LTS: Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những bài viết, video liên quan đến việc thầy giáo ở Thái Nguyên “tra tấn” học sinh, phản ánh việc trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn tại TP Thái Nguyên áp dụng phương pháp “dạy học bằng roi mây”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi bức xúc của độc giả. Hầu hết các phản hồi của độc giả gửi về tòa soạn đều thể hiện sự bức xúc, lên án phương pháp dạy học bằng bạo lực. 

Độc giả Nguyễn Chiến tâm sự: "Tôi không hiểu tại sao những bậc làm cha làm mẹ lại có thể nhẫn tâm thờ ơ, thậm chí là ủng hộ việc thầy giáo dùng roi mây để truyền đạt kiến thức, dạy dỗ nhân cách con mình ở tuổi 13 – 14".

                                         TRA CỨU ĐIỂM THI ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG 2012

Ông Phạm Minh Tuấn, quản lí Trung tâm bồi dưỡng cấp 2 Phạm Minh Tuấn thừa nhận sự việc thầy đánh trò là giáo viên của trung tâm.
Ông Phạm Minh Tuấn, quản lí Trung tâm bồi dưỡng cấp 2 Phạm Minh Tuấn thừa nhận sự việc thầy đánh trò là giáo viên của trung tâm.

                                                   HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Trái ngược với sự bất bình, bức xúc của dư luận xã hội thì những bậc phụ huynh đã, đang có con theo học tại trung tâm này lại rất tin tưởng giáo phó, ủng hộ phương pháp giảng dạy bằng roi vọt của người thầy này áp dụng cho con mình. Độc giả Nguyễn Chiến thẳng thắn nói rằng nếu họ cho rằng vì gia đình bận bịu, không có thời gian quản con nên “gửi” vào trung tâm “nghiêm khắc, quản chặt” để dạy dỗ con mình thì quả thật sai lầm. Độc giả này đưa ra 3 lý do như sau:

Nếu nhìn nhận khách quan, tôi cảm thấy chính người thầy đánh học sinh thể hiện sự kém cỏi, bất lực trong việc truyền đạt kiến thức, bài học đạo đức cho trẻ. Có thể nhiều phụ huynh nghĩ rằng cách “yêu cho roi cho vọt” là phương pháp dạy dỗ hiệu quả vì đó là truyền thống của cha ông ta, nhưng đó không phải là cách giáo dục tốt nhất trong nhà trường.

Thứ nhất, rõ ràng đây là phương pháp giáo dục phản khoa học, phản giáo dục. Ngay bản thân vị Giám đốc Sở GD – ĐT Thái Nguyên phát biểu cũng bức xúc, bất bình trước hành động dã man của người thầy trong clip và khẳng định rằng giáo dục phải lấy tình cảm và yêu thương để dạy dỗ học trò. Việc đánh đập học sinh ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của trẻ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy tại sao những phụ huynh tiếp tục tiếp tay cho những hành động man rợn, phản khoa học của người thầy đó?
Thứ hai, tại sao phụ huynh lại đồng tình, ủng hộ và tiếp tục tin tưởng gửi con vào trung tâm mặc dù biết con mình bị đánh bầm tím người? Họ lý giải rằng gia đình bận bịu, không có thời gian quản con, con học dốt, học kém , lười học… thì nhờ thầy “nghiêm khắc” quản giúp, dạy dỗ giúp và việc nhờ thầy phạt vài roi như thế cũng không sao. Tuy nhiên, giáo dục trẻ phải có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình một cách chặt chẽ. Vậy, vai trò của cha mẹ ở đâu trong lý do của họ? Liệu những bậc làm cha, làm mẹ có đang “đổ” trách nhiệm giáo dục con cái cho người thầy, cho nhà trường?

Không ai phủ nhận rằng trong đời chưa lần nào bị bố mẹ phạt vì không nghe lời, chính những đòn roi ấy giúp chúng ta lớn lên. Nhưng liệu rằng một đứa trẻ vì không xin chữ ký phụ huynh, bài kiểm tra đạt 5 là bị ăn roi mây? Ngay cả bậc làm cha, làm mẹ đánh con mình cũng là điều khó có thể chấp nhận được, huống chi đó là một người thầy!

Thứ ba, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ở đâu khi chính người thầy lại dùng bạo lực để giáo dục, để xử sự với những học trò “hư” của mình? Đó có phải đang đi ngược với mục tiêu giáo dục? Họ đều là những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành sư phạm, tôi dám chắc không ai dạy họ rằng phải đánh đập học trò để răn đe, để nhồi kiến thức, để tiến bộ đâu. Bản thân người thầy giáo tên Nguyễn Văn Thành (quê Định Hóa, Thái Nguyên) dùng roi đánh học sinh trong video phát tán trên mạng đã tốt nghiệp khoa Toán Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Họ có xứng đáng làm thầy không, để học trò tôn trọng, kính nể hay không?

Và sau khi sự việc bị phanh phui, trung tâm bồi dưỡng này đóng cửa im lìm. Trả lời trên báo Dân trí, ông Tuấn (Quản lý Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp II) biện minh rằng ông Nguyễn Văn Thành được nhận vào phụ đạo nhóm học sinh yếu kiến thức, chưa có hợp đồng và đó không phải là người của trung tâm. Hiện giờ đã đuổi việc người thầy giáo này. Như vậy, rõ ràng là trái pháp luật. 

Hơn thế, theo lãnh đạo Sở GD Thái Nguyên thì trung tâm này mới chỉ đang trình hồ sơ thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động nhưng chưa được hoạt động. Nhưng thực tế là đã hoạt động được hơn 4 năm nay ở giữa trung tâm thành phố mà lãnh đạo Sở GD không hề biết? Vị lãnh đạo Sở tỉnh Thái Nguyên còn nói rằng dựa vào nguyện vọng, mong muốn, đồng tình của phụ huynh, các em học sinh để xem xét. Rõ ràng, đó là hành vi cố tình bao che thể hiện làm ăn tắc trách của lãnh đạo địa phương về việc làm trái pháp luật này.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Độc giả Nguyễn Chiến