Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên

05/03/2017 07:24
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Dennis tin rằng Việt Nam đã có một hệ thống giáo viên khá tốt, và thường xuyên được đào tạo lại hàng năm.

LTS: Ấn tượng với tư cách của Giáo sư Dennis Berg - người rất quan tâm đến giáo dục Việt Nam, nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ đôi điều trăn trở của ông về giáo viên Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

GS. Dennis Berg đến Việt Nam làm việc với Seameo Retract từ 2004 đến nay, sau khi đã có thời gian dài giảng dạy và làm việc tại Califonia State University, Fullerton và Trung tâm Hong Kong America với tư cách là học giả Fulbright.

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 1
Ảnh chụp từ website của Seameo Retract.

Ông là tư vấn viên cho Seameo Retract trong việc đánh giá Dự Án Giáo Dục Đại học được ADB tài trợ [1].  

Tôi được biết Dennis không phải ở Việt Nam, mà qua mạng lưới các học giả Mỹ nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ (Vietnam Study Group) [2].  

Ông là một người bạn thân thiết với mọi người đang làm việc ở Seameo, ở các trường đại học và với những người ông gặp gỡ. 

Đại học California, nơi Dennis làm việc trước đây, đã thông báo Dennis qua đời vào ngày 19/1 vừa rồi [3]. Tất cả bạn bè và người thân đều sốc, vì không ai muốn tin về một người bạn, một người thầy Mỹ tận tụy đã ra đi! 

Với Dennis, như để nhớ về ông, tôi muốn chia sẻ với Việt Nam về những câu hỏi ông đã hỏi tôi, về giáo viên Việt Nam, vào tháng 7/2016, mà tôi chưa có câu trả lời.

1. Quyền tự chủ của giáo viên trong lớp học

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi đề nghị phải tự chủ triệt để, ngay lập tức

Dennis có hỏi tôi về việc thế nào được coi là tự chủ trong trường học ở Việt Nam. 

Bản thân ông khi đi gặp và dự các lớp học của đại học, gồm cả các trường sư phạm, ông chưa thấy chúng ta trao sự tự chủ cho giáo viên, tự chủ soạn giáo án, chọn tài liệu và phương thức tiếp cận, giảng dạy cho học sinh.  

Điều này, theo ông, là hoàn toàn khác với nguyên tắc tự do học thuật của Mỹ, trong đó bao gồm cả quyền tự chủ của giáo viên trong lớp học và giảng dạy.

2. Mức lương và phẩm giá của giáo viên

Khi chúng ta nói đến giáo viên, hầu hết các giáo viên nước ngoài sẽ phải ghen tỵ với giáo viên nước ta, vì ở Việt Nam, nghề giáo là nghề được coi trọng, đúng nghĩa là “Thầy” trong xã hội.  

Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta cũng giống nước Mỹ khi lương giáo viên là một trong những bậc lương thấp nhất xã hội, dù cho chúng ta rất kính trọng người Thầy. 

Theo tư duy logic của phương Tây, nếu lương thấp mà chúng ta đòi hỏi nhiều quá về phẩm chất, năng lực giảng dạy, tính sáng tạo, khả năng truyền cảm hứng từ giáo viên, vân vân, có lẽ là sự không công bằng với họ. 

Dennis ở Việt Nam đủ lâu để hiểu những khó khăn về lương thưởng của giáo viên, và như chia sẻ, ông tin là nếu không có những cải cách về tiền lương và chính sách ưu đãi với nghề giáo, sẽ giống như Mỹ, chúng ta không thể mong đợi sự “thần kỳ” trong cải cách giáo dục.  

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 3

Vị trí của người thầy trong giáo dục hiện đại

Việc cấm dạy thêm học thêm, theo quan điểm của Dennis là một câu chuyện khó khăn ở Việt Nam hiện nay, bởi mức lương quá thấp của người thầy và cũng từ thực tiễn ở rất nhiều nước, trong đó có Mỹ, việc dạy thêm học thêm có nhiều nhu cầu từ cả người dạy và người học.  

Sẽ có hiệu quả hơn cho cả hệ thống giáo dục nếu chúng ta hiệu chỉnh lương và chính sách ưu đãi nghề nghiệp cho giáo viên, đảm bảo cho họ đủ sống với mức lương dạy học.

Khi đó, các việc dạy thêm học thêm sẽ được hiệu chỉnh tự nguyện giữa các bên, mà nhà nước không cần can thiệp trực tiếp.

3. Những công việc “phi giảng dạy”

Nghề giáo có công việc chính, công việc quan trọng nhất là dạy học.

Nếu chúng ta cùng đồng ý như vậy, những công việc khác không trực tiếp phục vụ dạy học cần được giảm thiểu tối đa, tránh phân tán sức lực của giáo viên vào việc hành chính, báo cáo hoặc đi thi các chương trình giáo viên dạy giỏi.  

Một nghịch lý đã xảy ra ở Mỹ là hầu hết các Hiệu trưởng đều được phát triển từ giáo viên dạy giỏi, và trong rất nhiều trường hợp, chúng ta mất một giáo viên giỏi, và có được một Hiệu trưởng tồi, vì không có năng lực quản lý hay lãnh đạo để dẫn dắt hoạt động của cả trường.  

Thêm nữa, nếu là một hiệu trưởng kém, hệ quả không chỉ là một lớp học kém, mà cả trường có thể bị “ngộ độc” vì những chính sách quản lý nhân sự làm thui chột năng lực giảng dạy sáng tạo của các giáo viên. 

Hy vọng là những kinh nghiệm này của Mỹ có thể hữu ích phần nào cho hệ thống giáo dục Việt Nam, khi chúng ta cần phân định rõ những phẩm chất cần có cho giáo viên và những cấp lãnh đạo nhà trường.

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 4

“Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi bằng một hình thức khác”

4. Hệ thống đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên

Hoàn toàn chính xác khi cần có một bộ tiêu chuẩn hay một hệ thống đánh giá năng lực của giáo viên, từ giảng dạy – sáng tạo chương trình hay năng lực phát triển học sinh sinh viên, quan hệ tốt với học sinh và cha mẹ, vân vân.  

Ở Mỹ, trong nhiều năm qua, giáo viên thực sự “mệt” vì việc đánh giá giáo viên dựa trên kết quả kiểm tra và thi của học sinh.  

Điều này có vẻ khá tương đồng với Việt Nam khi tất cả, cả học sinh, cả giáo viên, cả nhà trường đều tập trung cho việc học và thi, sao cho kết quả thật tốt, mọi người cùng vui cuối năm khi tổng kết chương trình.  

Tuy nhiên, có lẽ sẽ không công bằng cho giáo viên, cho học sinh trong tình huống này, ví dụ như trong giảng dạy, chúng ta khó đo lường được việc giáo viên nào sẽ là giáo viên tốt hơn, giữa một người là dạy cho các em chuyên đi luyện thi toán Olympic và một giáo viên chuyên kèm dạy giúp các em học sinh kém tiếp thu được chương trình chính khóa.  

Do vậy, tương tự với việc xây dựng các năng lực và phẩm chất cho học sinh thế kỷ 21, Việt Nam nên sớm đưa ra những năng lực và phẩm chất đo lường chất lượng giáo viên, nhưng tuyệt đối không nên dựa trên kết quả học và thi của học sinh.

5. Những động lực nào cho giáo viên sáng tạo và yêu thương học sinh?

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 5

Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục

Một trong những khó khăn lớn nhất của nghề giáo, không chỉ ở Việt Nam, đó là làm cách nào cho học sinh yêu thích học tập, cho hôm nay và cho cả cuộc đời sau này. 

Trong nhiều nghiên cứu của Mỹ, theo Dennis, đó là khả năng truyền cảm hứng của người thầy, sự tận tâm với học sinh và mong muốn học sinh học tốt, làm tốt.

Đây là câu hỏi cho bất kỳ một ai khi muốn nộp đơn vào học làm thầy giáo. 

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Dennis, việc sáng tạo trong giảng dạy có thể xây dựng được khi các giáo viên trao đổi cùng nhau kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm đứng lớp và ứng xử với học sinh.  

Tất cả những cách thức dạy học và chia sẻ tập thể này sẽ được phát huy tác dụng khi giáo viên có được môi trường khuyến khích tính tự chủ, tự do chia sẻ và sáng tạo, không có gò ép hay chạy theo thành tích.  

Một môi trường khuyến khích học thật sẽ buộc giáo viên phải dạy thật và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu học thật của học sinh.
  
6. Đào tạo và tái đào tạo năng lực cho giáo viên

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 6

Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Dennis tin rằng Việt Nam đã có một hệ thống giáo viên khá tốt, và thường xuyên được đào tạo lại hàng năm. 

Vấn đề là những đòi hỏi cho hệ thống dạy và học tiên tiến trên thế giới hiện đang phát triển khá xa so với chương trình và cách dạy ở Việt Nam. 

Việc chúng ta đào tạo giáo viên và tái đào tạo cần được thực hiện cho phù hợp với những yêu cầu mới của dạy và học cho học sinh ở thế kỷ 21, đòi hỏi giáo viên kết hợp nhiều kỹ năng, đặc biệt phát huy những kỹ năng giữa giảng dạy và sáng tạo của người thầy với khoa học công nghệ tiên tiến.  

Nếu những chương trình tập huấn nâng cao năng lực giáo viên được thực hiện thiết thực, đánh giá chặt chẽ và đi theo xu hướng kết hợp công nghệ (máy tính) với dạy và học, chúng ta đang và sẽ hỗ trợ các phương tiện hữu ích cho giáo viên thực hiện tốt việc dạy học của họ, hơn là việc chỉ tập trung học để lấy những chứng chỉ cho phù hợp với quy định.

7. Ai sẽ là người bảo vệ giáo viên, để họ được làm đúng chức phận?

Từ thực tế của các chương trình cải cách giáo dục ở Việt Nam, ví dụ gần đây là chương trình ngoại ngữ 2020 và trường học mới (VNEN), có vẻ như ý kiến của giáo viên, người trực tiếp thực hiện chương trình chưa được lắng nghe thấu đáo.  

Theo Dennis, nếu không có hệ thống đại diện và bảo vệ ý kiến, quyền lợi của giáo viên một cách độc lập, giáo viên sẽ luôn cô đơn trên con đường thực thi chức phận Người Thầy của mình.
 
Bởi vì khi bước ra khỏi lớp học, họ chỉ là những cá nhân đơn độc và gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, trách nhiệm với học sinh – phụ huynh – nhà trường – đồng nghiệp và giáo chức. 

Thầy Mỹ Dennis Berg nêu quan điểm mức lương và phẩm giá của giáo viên ảnh 7

Có thực tế là cấp trên chẳng bao giờ nghe ý kiến của người trực tiếp giảng dạy!

Nhưng họ cũng chỉ là một con người như bao người khác, và nếu có bất kỳ chuyện gì, trách nhiệm của họ rất lớn, đặc biệt đối với cả phần đời còn lại của người học sinh. 

Việc có Hội Cựu giáo chức Việt Nam là rất quý, nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể thành lập Hội Nhà giáo Việt Nam (không gồm những người đang giữ các chức vụ lãnh đạo trong ngành giáo dục), một tổ chức nghề nghiệp độc lập của tất cả các nhà giáo đang giảng dạy trong các cấp ở Việt Nam, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi nhà giáo và đóng vai trò phản biện chính sách về giáo dục cho chính phủ và quốc hội. 

Ở Mỹ, Hội Nhà giáo Liên bang, Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Mỹ và hàng trăm tổ chức phi chính phủ chuyên về giáo dục là những cơ quan rất hữu ích cho chính quyền bang và liên bang trong việc đánh giá các chính sách, phản biện chính sách và đồng thời là nơi cân bằng các lợi ích giữa nhà giáo và cơ quan quản lý. 

Những gì Dennis chia sẻ với tôi, có lẽ là hữu ích cho cả hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các tỉnh thành về việc chúng ta cần tư duy lại cách đào tạo giáo viên, tuyển dụng và phát triển giáo viên trong thời kỳ đổi mới lần 2.  

Những bước phát triển chưa hài hòa trong giáo dục của Việt Nam sau hơn 20 năm mở cửa có lẽ cũng cho chúng ta một số bài học thiết thực về việc cần phải đào tạo và trọng dụng nhà giáo giỏi, thì mới có thể bàn đến đổi mới giáo dục và làm cho giáo dục tốt lên được.

Cảm ơn Dennis, cảm ơn những trăn trở của ông với giáo dục Việt Nam.  

Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông, người thầy Mỹ nhưng luôn có trái tim vì giáo dục Việt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.linkedin.com/in/dennis-berg-80bb6826?authType=name&authToken=rxka&trk=contacts-contacts-list-contact_name-0

[2] https://sites.google.com/a/uw.edu/vietnamstudiesgroup/

[3] http://news.fullerton.edu/2017wi/Dennis-Berg.aspx#sthash.jqi4zPnk.dpuf 

Nguyễn Thị Lan Hương