Tốt thì tại trò, dở hư tại thầy

07/04/2019 06:11
THANH AN
(GDVN) - Thầy cô cũng là người, thầy cô đâu phải là thánh thần và càng không phải là nơi để cho một số người đổ lỗi.

Bây giờ, có một điều rất nghịch lý là cái gì chưa tốt, làm dở là đương nhiên lỗi thuộc về thầy cô giáo giảng dạy.

Những cái hay, cái tốt, những thành quả của học trò đạt được thì không ai nhắc đến thầy mà đó là của bản thân học trò và sự dạy bảo của cha mẹ các em.

Chuyện thầy đánh học trò cũng tại thầy sai, trò đánh học trò cũng tại thầy sai, thậm chí Chủ tịch tỉnh còn đề nghị đuổi việc giáo viên chủ nhiệm.

Riết rồi, không biết thầy cô giáo đang là gì trong nền giáo dục hiện nay?

Chúng ta cùng chung tay nâng đỡ các em trưởng thành (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Chúng ta cùng chung tay nâng đỡ các em trưởng thành  (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Sau sự việc một nữ sinh ở trường Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đánh đập và quay clip và đưa lên mạng thì lãnh đạo tỉnh và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã về địa phương này làm việc.

Điều mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm che giấu bản chất của sự việc là đáng lên án vô cùng. Kỷ luật Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm là đương nhiên.

Nhưng, lời đề nghị của ông Nguyễn Văn Phóng- Chủ tịch tỉnh Hưng Yên là xem xét buộc ra khỏi ngành giáo viên chủ nhiệm sẽ là cách đề nghị …cảm tính.

Vẫn biết giáo viên chủ nhiệm có lỗi trong chuyện này nhưng làm gì cũng phải căn cứ vào luật pháp, vào văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đuổi giáo viên thì rất dễ nhưng đưa ra giải pháp đồng bộ để giải quyết bài toán bạo lực học đường cho địa phương mới là điều cần làm của vị quan đầu tỉnh.

Thành bại tại giáo viên

Trong trường, nếu giáo viên, học sinh có nhiều thành tích thì đó là sự lãnh đạo sâu sát của chi bộ, của Ban giám hiệu.

Tốt thì tại trò, dở hư tại thầy ảnh 2Ai tước hết công cụ, uy lực của thầy cô?

Nhưng, nếu thành tích bết bát là tại giáo viên chưa nhiệt tình, giáo viên yếu kém, chưa có phương pháp giảng dạy tốt.

Đối với các bậc phụ huynh cũng thường như vậy. Mỗi khi con em đạt được thành tích cao trong học tập, trong các kỳ thi thì đương nhiên gia đình, người thân và mọi người đều khen em đó thông minh, học giỏi.

Thế nhưng, cũng trong lớp đó có những em học dở, quậy phá mà có sự cố xảy ra thì dư luận lại nói rằng thầy dở, thầy không quan tâm tới học trò. Vậy là tại sao?

Nhiều khi chúng ta vẫn thường nghe một số phụ huynh nói chuyện về tình hình học tập của con em họ.

Nhiều người nói rằng những năm trước con mình học giỏi lắm nhưng tại vì đến lớp nọ, lớp kia gặp thầy A, cô B dạy dở nên con mình mới sa sút trong học tập.

Khi học sinh ôn thi học sinh giỏi, nếu đậu giải cao thì đó là tại con mình học giỏi từ nhỏ. Nhưng, nếu không đạt giải là tại thầy cô ôn luyện “như thế nào” chứ đáng lẽ ra con mình phải đậu.

Hàng năm, các giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp. Trong lớp, bao giờ cũng có những em chăm ngoan, học tập tốt nhưng cũng có nhiều em quậy phá, chưa có động lực học tập.

Nếu xảy ra tình trạng đánh nhau giữa các học sinh thì đương nhiên dư luận, nhà trường và phụ huynh hướng vào thầy cô giáo chủ nhiệm.

Thậm chí là kỷ luật, cắt thi đua, hạ bậc lương.... nhưng làm tốt thì chẳng ai đoái hoài, để ý.

Hàng này, trên các mặt báo xuất hiện tình trạng trộm cắp, cướp giật, thậm chí là nguy hiểm hơn vậy nữa. Đương nhiên, nhiều người lại quy kết tại giáo dục, tại thầy cô giáo giảng dạy chưa đến nơi, đến chốn.

Cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng mỗi khi con hư thì họ đánh con, chửi con nhưng bao giờ cũng kèm thêm những câu xỉa xói đại loại như: Thầy cô mày dạy mày thế à; tao tốn tiền nuôi mày ăn học sao mà mày dốt thế

Tốt thì tại trò, dở hư tại thầy ảnh 3Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Chao ôi! để đào tạo, giáo dục ra một con người có đủ đức và tài đâu phải chỉ một của riêng ai.

Một người hư hỏng, trở thành gánh nặng cho xã hội cũng đâu phải trách nhiệm của riêng người nào.

Dù không rạch ròi nhưng phần dạy chữ là trách nhiệm chính của nhà trường, dạy người thì trách nhiệm chính phải là gia đình.

Gia đình là yếu tố then chốt để tạo nên những con người có đạo đức và nhân cách nhất.

Cha mẹ tốt, cha mẹ vì mọi người, cha mẹ yêu thương những người xung quanh, biết sẻ chia vui buồn cùng mọi người thì đa phần những đứa con của họ sẽ là những người tốt về nhân cách và đạo đức về sau.

Cha mẹ thực dụng, sống bon chen, sống vì mình, chà đạp lên luân thường đạo lý thì những đứa con dù sao cũng ảnh hưởng bởi từ nhỏ các em đã được nuôi dưỡng, giáo dục từ những người cha, người mẹ như vậy.

Chẳng thế mà ông cha ta xưa đã nói: “nhân nào quả nấy” là gì?

Vậy nên, mỗi khi học trò có những hành vi, động thái chưa đẹp, chưa phù hợp, thậm chí là rất xấu về đối nhân xử thế với bạn bè, với đồng loại xin mọi người hãy khoan đổ lỗi cho thầy cô giáo.

Mỗi bậc làm cha, làm mẹ hãy ngẫm lại xem mình đã dạy dỗ con đến nơi, đến chốn hay chưa?

Và, điều quan trọng là mình đã thực sự làm tấm gương sáng cho con hay không? Thầy cô cũng là người, thầy cô không phải là thánh thần và càng không phải là nơi để cho một số người đổ lỗi.

Thay vì đổ lỗi cho giáo dục hay một ai đó thì mỗi bậc làm cha, làm mẹ và cả thầy cô giáo hãy cùng chung tay giáo dục, định hướng, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai cho đất nước.

Chúng ta hãy vì nhau, vì ngày mai, vì thế hệ con cháu mình mới là điều đáng trân quý nhất.

THANH AN