Trước lúc đi ra đề thi chuyên viên, giáo viên thường làm gì?

08/06/2019 06:44
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Một số thầy cô giáo trước lúc đi ra đề thi lại dành nhiều thời gian cho học sinh trong việc củng cố, ôn tập, luyện thi, dạy thêm theo cách riêng của mình.

LTS: Đưa ra quan điểm và góc nhìn của mình về việc các chuyên viên, giáo viên thường làm gì trước lúc đi ra đề thi, tác giả Kiên Trung đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi vào khu vực cách ly để làm đề thi tuyển sinh vào lớp 10, các chuyên viên, thầy cô giáo được các Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo trước đó từ một đến hai ngày.

Không thể đi gấp được, vì các chuyên viên, thầy cô giáo còn phải thu xếp việc cơ quan, nhà trường, gia đình và chuẩn bị tư trang, tài liệu, máy tính… Thời gian thông báo như vậy là hợp lý.

Các thầy cô giáo cần thời gian đó để thu xếp việc nhà, việc trường, để thư giãn, nghỉ ngơi trước khi đi làm việc quan trọng: ra đề thi. 

Song, có một số thầy cô giáo lại dành nhiều thời gian ấy cho học sinh trong việc củng cố, ôn tập, luyện thi, dạy thêm theo cách riêng của mình.

Trước lúc đi ra đề thi chuyên viên, giáo viên thường làm gì? ảnh 1
(Ảnh minh họa: laodong.vn).

Thực tế cho thấy, học sinh của các thầy cô giáo được điều động ra đề thi thường có kết quả thi rất tốt, toàn điểm cao chót vót.

Có học sinh tiết lộ: “Trong thời gian “vàng ngọc” ấy, các em được thầy cô chốt nội dung, câu hỏi, khoanh vùng rất sát, rất kỹ. Ngày hôm sau vào thi, có câu nguyên xi, có câu tương tự như mới chốt cho tụi em giải hôm qua.

Khi thi, các học sinh trường khác, học sinh không đi học thêm, không luyện thi thầy cô ra đề thi thì làm sao cạnh tranh, “địch” lại nổi với các em đang học thầy cô giáo đó”.

Ngoài thông tin, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi (ngày 5/6) có câu nguyên xi và có câu rất tương tự với đề thi thử môn Toán (ngày 27/5) của Trường trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan (huyện Mộ Đức), dư luận còn xôn xao về việc nhiều học sinh ở thành phố Quảng Ngãi trúng “tủ” đậm với câu 2 câu: viết đoạn văn nghị luận xã hội (chủ đề về tình bạn tuổi học trò) và bài văn nghị luận văn học (cảm nhận qua hai đoạn thơ trích Truyện Kiều) trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ  văn (ngày 5/6) khi giáo viên dạy thêm, luyện thi ở đây “chốt” rất kỹ 2 nội dung nêu trên trước lúc vào thi.

Trúng “tủ” ấy có phải do nhiều học sinh ở thành phố Quảng Ngãi tự “tủ” hay có những giáo viên “trùm” dạy luyện thi vào lớp 10 ở đây thường được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động ra đề thi “tủ” cho các thí sinh của mình hoặc “bật mí” cho một số giáo viên thân thiết, cùng “một hội, một thuyền” dạy thêm, luyện thi?

Giám đốc sở Giáo dục Quảng Bình nói gì về 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn?
Giám đốc sở Giáo dục Quảng Bình nói gì về 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn?

Làm sao kiểm chứng được đây, khi một số chuyên viên, thầy cô giáo là các “gương mặt thân quen” trong ra đề tuyển sinh vào lớp 10 có nhiều “chiêu” để giấu diếm, che đậy mọi người?

Chỉ có chính họ mới biết được họ đã làm đúng lương tâm, trách nhiệm của nhà giáo, của những người được các Sở Giáo dục và Đào tạo tin cậy giao nhiệm vụ ra đề thi đảm bảo chất lượng và tính bảo mật nhằm đem lại sự công bằng cho mọi thí sinh hay chưa?

Học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội hiện nay đang rất quan ngại về biểu hiện vụ lợi của một bộ phận giáo viên, trong đó có một số giáo viên hay ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh, thành.

Cũng tại các Sở Giáo dục và Đào tạo chưa chọn lựa đúng những cán bộ, thầy cô giáo thật sự giỏi giang, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng để tham gia làm đề thi tuyển sinh vào lớp 10.

Cả tỉnh, thành phố có biết bao nhiêu giáo viên tốt sao không chọn mà lại cứ quanh đi quẩn lại chọn một số giáo viên “quen mặt”, “trùm” dạy học thêm mãi vậy?

Liệu có “góc khuất”, mối liên kết nào đó chăng giữa họ với Sở Giáo dục và Đào tạo?

Chọn các giáo viên không dạy học thêm, chọn các giáo viên ở những địa phương, trường  không có tổ chức thi tuyển ra đề thi, có phải công tâm, khách quan hơn không?       

KIÊN TRUNG