Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ có những điểm mới nào?

16/09/2019 06:39
NHẬT KHOA
(GDVN) - Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn.

Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Ngoài quy định chung về chính sách giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục 2019 còn có nhiều nội dung đáng chú ý khác liên quan đến giáo viên, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất chắc chắn là lương giáo viên sẽ có nhiều điểm mới.

Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp

Tại Điều 76 của Luật giáo dục mới quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Giáo viên được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Từ 01/7/2020, lương giáo viên có những điểm gì mới? (Ảnh: Lương Nguyệt Anh).
Từ 01/7/2020, lương giáo viên có những điểm gì mới? (Ảnh: Lương Nguyệt Anh).

Theo đó, giáo viên sẽ được trả lương theo vị trí việc làm dự kiến từ 01/7/2020, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này trong đó có những điểm mới như sau:

Dự kiến bắt đầu chi trả lương giáo viên theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp bắt đầu từ 01/7/2020, khi mà Luật giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực tiến tới thực hiện việc trả lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương.

Theo đó, Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ viên chức, công chức của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì bắt đầu từ 01/01/2021 mới bắt đầu áp dụng chế độ tiền lương mới với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị.

Sẽ không còn phụ cấp thâm niên, các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm,… sẽ được đưa vào lương theo vị trí việc làm khi đó chênh lệch giữa người giáo viên trong đơn vị sẽ thu hẹp lại, sẽ không có việc chênh lệch quá lớn giữa giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm như hiện nay, lương sẽ được chi trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp, đặc thù nghề nghiệp.

Dự kiến sẽ có 3 bảng lương dành cho cán bộ quản lý, bảng lương chuyên môn và bảng lương nhân viên.

Sẽ không có bảng lương riêng cho giáo viên như đề xuất trước đó, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, có thể hiểu là mức lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ như nhau (cùng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là tốt nghiệp đại học), lương khởi điểm của giáo viên mầm non cũng nâng lên tương ứng với chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm.

Bảng lương giáo viên từ ngày 01/7/2019
Bảng lương giáo viên từ ngày 01/7/2019

Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn.

Có thể hình dung là lương giáo viên sẽ không còn hệ số nhân với mức lương cơ sở cộng các khoản phụ cấp mà được chi trả lương theo lượng tiền ban đầu ví dụ như lương giáo viên khởi điểm là 5 triệu đồng, sau đó tăng thêm 6, 7 triệu đồng chẳng hạn.

Về phụ cấp ưu đãi, cũng theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành Giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay, lúc đó sẽ tùy theo tính chất phức tạp của nghề, vị trí việc làm cụ thể mà quy định đối tượng giáo viên nào được hưởng phụ cấp ưu đãi ở mức bao nhiêu.

Có thể sẽ không còn yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên

Từ năm 2015, thì giáo viên được trả theo hạng chức danh nghề nghiệp theo từng cấp học, bậc học.

Giáo viên mầm non, tiểu học hưởng lương khởi điểm ở hạng IV hệ số lương 1.86, giáo viên trung học cơ sở hưởng lương khởi điểm ở hạng III hệ số lương 2.1, giáo viên trung học phổ thông hưởng lương khởi điểm ở hạng III hệ số lương 2.34.

Sau thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên, nếu đủ điều kiện và cơ quan có nhu cầu sẽ được thi hoặc xét thăng hạng lên mức cao hơn, điều này tạo ra một nghịch lý vô cùng lớn là giáo viên cùng có bằng đại học nhưng dạy ở cấp học khác nhau thì lương khởi điểm hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên để được chuyển lên hạng cao hơn ngoài các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…thì bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo hạng, điều này cũng là bất hợp lý rất lớn vì giáo viên đã được học về nghiệp vụ, chuyên môn, tâm lý…tại các trường sư phạm hoặc nếu tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác thì cũng đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Nhưng sắp tới đây kể từ ngày 01/7/2020 khi mà Luật giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thì lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm mà không phải trả theo hạng chức danh nghề nghiệp do đó theo tôi nghĩ khi đó chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc.

Như vậy, có thể sắp tới đây ngoài chuẩn trình độ chuyên môn đào tạo, chuẩn ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ... mà không còn quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng nếu còn tôi nghĩ chỉ còn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên cao cấp ở cấp học từ trung học phổ thông trở lên.

Toàn bộ thang, bảng lương, tiền lương giáo viên từ 01/7/2019
Toàn bộ thang, bảng lương, tiền lương giáo viên từ 01/7/2019

Theo tôi nghĩ đây cũng có thể là quy định mới làm nhiều giáo viên vui mừng, giáo viên không còn bị “hành” bởi những “giấy phép con” không có ý nghĩa để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

Cũng theo chia sẻ trên, dự kiến trong tháng 9/2019 này sẽ có dự thảo về lương mới cho giáo viên, hàng triệu giáo viên, sinh viên sư phạm…và nhân dân đang “nín thở” chờ dự thảo lương giáo viên mới này.

Hy vọng khi sắp xếp lương mới này, lương giáo viên sẽ cải thiện đáng kể.

Bởi vì lương giáo viên có tăng mới hy vọng giáo viên yên tâm công tác, yên tâm học hỏi nâng chuẩn, giáo viên yên tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trải nghiệm... cho chương trình mới với muôn vàn khó khăn ở phía trước, nó cũng thể hiện quyết tâm của các lãnh đạo Đảng, nhà nước nhằm nâng cao vị thế, vai trò của người thầy, tiến tới xu thế hội nhập của thế giới, xóa khoảng cách thu nhập giáo viên trong nước so với khu vực và thế giới.

Lương có tăng thì mới có thể thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm, khi mà cũng từ 01/7/2020 thì sinh viên sư phạm không còn được miễn học phí mà chỉ còn được vay tín dụng và phải trả nếu 2 năm đầu không công tác trong ngành giáo dục hoặc không đủ thời gian công tác trong ngành giáo dục.

Nếu mà lương không tăng hoặc tăng không đáng kể thì ngành sư phạm sẽ khó mà thoát khỏi cảnh đìu hiu như hiện nay, sẽ vẫn còn tình trạng “ế hàng” sư phạm, sẽ còn tình trạng thiếu giáo viên giỏi “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”…

Chỉ có tăng lương giáo viên thì mới hy vọng chuyện dạy thêm, học thêm trái phép chấm dứt như hiện nay như tại Điều 22, Luật giáo dục 2019 quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm trong trường học, trong đó có một số hành vi giáo viên cần lưu ý như: ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; cúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của người học; xuyên tạc nội dung giáo dục…

Đây là những quy định về dạy thêm lần đầu tiên được đưa vào Luật Giáo dục 2019, trước đây Luật Giáo dục 2005 không hề đề cập đến mà chỉ được đề cập đến trong các văn bản dưới luật. Đây là căn cứ quan trọng để xử lý giáo viên dạy thêm trái phép.

Hy vọng lần cải cách trong đó có cải cách tiền lương cho giáo viên đợt này, mang lại luồng gió mới, mang lại niềm vui cho hàng triệu giáo viên trong cả nước, luồng gió này hy vọng thổi bay nhiều bất cập, tiêu cực trong giáo dục trong thời gian tới, đưa nền giáo dục dần dần tiến bộ sánh ngang các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu, cũng như mong muốn của tất cả các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước.

NHẬT KHOA