Về sáng kiến, các thầy cô đừng "được voi, đòi tiên" nữa

12/08/2017 06:43
HỮU SƠN
(GDVN) - Gần đến hạn nộp, xin sáng kiến của người khác rồi “thay tên, đổi chủ”, biến cái của họ thành của mình, hoặc lên Google tìm, tải về, chỉnh sửa thế là xong.

LTS: Nhằm phản ánh thực trạng viết sáng kiến kinh nghiệm của một số thầy cô trong các nhà trường hiện nay, theo tác giả Hữu Sơn thì bên cạnh nhiều giáo viên trung thực, gương mẫu thì vẫn còn một số giáo viên lười nhác, hời hợt, qua loa. 

Đồng thời theo tác giả, các nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi và chuyển biến những “thói hư, tật xấu” (hình thức, sao chép…) đang tồn tại trong một số giáo viên khi thực hiện sáng kiến.  

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Nghị định 88/2017/CP-NĐ vừa ban hành, chỉ sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức (giáo viên) ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện phải: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...”.

Như vậy, về đánh giá và xếp loại, nhiều giáo viên ở các bậc học được “thoát” làm sáng kiến, song diện giáo viên được đánh giá và xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm vẫn phải làm sáng kiến.

Còn khi đăng ký và được xem xét công nhận các danh hiệu thi đua như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… đối với cán bộ, giáo viên vẫn phải làm sáng kiến

“Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng...” theo các Luật, Nghị định, Thông tư, các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về công tác thi đua, khen thưởng. 

Theo Thông tư 21 năm 2010, Thông tư 43 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sáng kiến là một yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên. 

Trường hợp được tính thay thế cho sáng kiến với điều kiện các thầy cô giáo có những thành tích, đạt giải cao ở các kỳ thi, hội thi… từ cấp tỉnh trở lên theo Thông tư 35 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ vào những quy định, văn bản hiện hành và điều chỉnh mới nhất thì số cán bộ, giáo viên ngành giáo dục hàng năm phải làm sáng kiến  không còn nhiều, khoảng 15-20% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên (nhiều khi còn phụ thuộc vào số lượng giáo viên đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia các hội thi và đăng ký các danh hiệu, hình thức thi đua - khen thưởng.

Về sáng kiến, các thầy cô đừng "được voi, đòi tiên" nữa ảnh 1

Giáo viên đừng vội mừng về việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm

Theo tôi, quy định của Nhà nước, của Ngành giáo dục như thế là tốt, các thầy cô giáo đừng có tư tưởng: “có voi đòi tiên” nữa, cái gì cũng đòi bãi bỏ sạch trơn thì lại dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”. 

Khi tham gia các hội thi về chuyên môn, chủ nhiệm… khi đăng ký các danh hiệu thi đua phải có tiêu chí sáng kiến (hoặc có những thành tích nổi bật khác để thay thế) là điều cần thiết, để hội thi đánh giá toàn diện, các danh hiệu thi đua có giá trị, ý nghĩa và có thêm những sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. 

Độc giả Tuấn Minh từng có nhận xét đáng chú ý: “Đâu chỉ có ngành giáo dục, ở ngành nào mà chẳng có yêu cầu "Sáng kiến" làm tiêu chí xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 

Nhưng, các cán bộ, viên chức, người lao động các ngành đó vẫn thực hiện tốt những tiêu chí trên, không quá "sợ hãi" như ngành giáo dục. 

Do vậy "sáng kiến" là tốt, vấn đề là vận dụng ra sao thôi. Ai không đăng ký thi đua danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên thì lo gì?”. 

Giá trị, mục đích của việc làm và tính ứng dụng sáng kiến là không thể phủ nhận. Vấn đề cốt lõi ở đây là ở người làm sáng kiến và người chấm sáng kiến. 

Bên cạnh nhiều giáo viên trung thực, nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu thì vẫn còn đó một số giáo viên lười nhác, làm việc hời hợt, qua loa. 

Năm nào cũng tham gia thi, đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng không bao giờ có suy nghĩ, dành thời gian, công sức để làm sáng kiến. 

Gần đến hạn nộp, chạy đôn chạy đáo, gọi điện thoại nhờ quan hệ, bạn bè, xin những sáng kiến của người khác về nhà làm mỗi một việc “thay tên, đổi chủ”, biến cái của họ thành của mình, hoặc lên Google tìm, tải về, chỉnh sửa, xào xáo sơ sơ thế là xong. 

Đáng trách, một số giám khảo, Hội đồng chấm sáng kiến làm việc chưa đến nơi, đến chốn, còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, du di người này, đơn vị kia… cho nên mới để lọt các sáng kiến “dởm”, kém chất lượng. 
Nếu người thẩm định, đánh giá ngay ngắn, sòng phẳng, không bị chi phối bởi chuyện gì khác… thì chắc chắn việc phát hiện và loại bỏ các sáng kiến “có vấn đề” không khó.

Sự qua loa, dễ dãi trong việc viết và chấm sáng kiến của các thầy cô giáo (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Sự qua loa, dễ dãi trong việc viết và chấm sáng kiến của các thầy cô giáo (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Một khi số lượng sáng kiến ở ngành giáo dục đã ít đi nhiều trong thời gian qua, vấn đề đặt ra cấp thiết là làm sao mỗi thầy cô giáo thật sự trung thực, trách nhiệm, có ý thức cao trong việc lựa chọn và thực hiện sáng kiến. 

Các sản phẩm hoàn toàn là công sức, mồ hôi, trí tuệ của họ, không sao chép, không hình thức, qua loa, được các giám khảo, hội đồng chấm sáng kiến thưởng đánh giá cao về chất lượng, tính hiệu quả, tính khả thi, tính ứng dụng thực tiễn…

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để nâng cao nhận thức, làm thay đổi, chuyển biến những “thói hư, tật xấu” (hình thức, sao chép…) đang tồn tại trong một số giáo viên khi thực hiện sáng kiến.  

Mặt khác, các giám khảo chấm sáng kiến phải là những cán bộ quản lý, thầy cô giáo từng có kinh nghiệm, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, uy tín. 

Đánh giá công tâm, khách quan, không tháo khoán, thỏa hiệp, cho qua với những sáng kiến kém chất lượng. Nếu phát hiện những sáng kiến vi phạm về bản quyền…thì đề nghị đơn vị đang trực tiếp quản lý họ có biện pháp phê bình, xử lý nghiêm túc, thậm chí nêu tên tác giả, tên sáng kiến vi phạm bản quyền trên trang điện tử của trường, của ngành giáo dục địa phương.
 
Hằng năm, các Sở Giáo dục và Đào cần tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá về ưu điểm, hạn chế, kết quả đạt được, vinh danh, khen thưởng và nhân rộng những sản phẩm, sáng kiến đạt chất lượng tốt, tính ứng dụng, hiệu quả cao trong thực tiễn.

HỮU SƠN