Vì sao sinh viên ra trường chê việc?

23/07/2017 06:32
SÔNG TRÀ
(GDVN) - "Bản thân là người lao động thì ai cũng có nhu cầu về lương, về chế độ đãi ngộ cả. Càng cao càng tốt. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ cũng phải xem lại mình".

LTS: Tình trạng sinh viên ra trường chê việc ở các công ty vừa và nhỏ ngày càng phổ biến.

Theo tác giả Sông Trà, ngoài nguyên nhân từ phía người lao động, thì các doanh nghiệp cũng cần đánh giá lại mình khi đưa ra chế độ đãi ngộ quá thấp khiến người lao động muốn tìm đến môi trường tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 13 - quý I năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố mới đây cho hay:

"Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, song cả nước vẫn còn hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, trong đó có 242 nghìn người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao (7,29%), cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm 2016”.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi với sinh viên về yêu cầu tuyển dụng. (Ảnh minh họa: Vương Thủy)
Đại diện doanh nghiệp trao đổi với sinh viên về yêu cầu tuyển dụng. (Ảnh minh họa: Vương Thủy)

Thực tế cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại nghịch lý, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lâu nay phải vật vã với nạn thiếu hụt nguồn nhân lực, trong khi đó có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường thì bị thất nghiệp.

Tình trạng các bạn trẻ kén chọn, chê việc ở các doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ ngày càng phổ biến.

Các ông chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý kinh tế phân tích, chỉ ra hàng loạt "lỗi" thường gặp của các bạn trẻ khi chê việc:

"Thiếu năng động, có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào gia đình, thích làm việc ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, văn phòng hoành tráng; lương trả cao, chế độ đãi ngộ tốt; thiếu cái nhìn thực tiễn, chưa nắm rõ bản chất của công việc, hoạt động của doanh nghiệp; thậm chí có một số sinh viên còn ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân, bằng cấp”.

Vì sao sinh viên ra trường chê việc? ảnh 2

Tại sao nhiều sinh viên sau khi ra trường lại...chê việc?

Các sinh viên tốt nghiệp ra trường, từng làm việc ở các doanh nghiệp, công ty với quy mô vừa và nhỏ sẽ nói gì đây?

Bạn Đỗ Thị Vân, sinh viên, trường Đại học Kế toán - Tài chính Quảng Ngãi, vừa mới tốt nghiệp chuyên ngành kế toán đặt nghi vấn:

"Chẳng có mấy sinh viên Cao đẳng, Đại học sau 3, 4 năm học vất vả, tốn kém tiền bạc của cha, mẹ để rồi chịu cảnh thất nghiệp dài dài.

Song không phải họ từ chối các doanh nghiệp, công ty mà là các doanh nghiệp đang “tính dở” trong bài toán nhân sự với tư duy nguồn nhân lực rẻ tiền.

Thử hỏi các công ty lớn có môi trường làm việc tốt hơn, lương cao hơn, sao họ không bỏ công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ?”.

Anh Huỳnh Văn Lực (32 tuổi) kỹ sư điện cơ, hiện làm cho một công ty lắp đặt thiết bị y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:

"Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn bài bản, căn cơ, có chính sách đãi ngộ nhân viên khá tốt nhưng vẫn còn đầy rẫy loại doanh nghiệp, công ty lôm côm, èo uột.  

Đăng quảng cáo tuyển dụng rầm rộ trên báo nhưng khi đến thì văn phòng đặt tại nhà trọ, chung cư hay nhà xưởng sản xuất cũng chẳng có.

Chủ yếu tuyển nhân viên bán hàng, giao hàng, marketing... vào làm việc, lương vừa thấp vừa chậm trễ, có khi phải đợi chờ cả tháng.

Nhiều vị xin đừng trách các bạn trẻ sao lại chung tâm lý, nguyện vọng muốn vào làm việc cho các công ty, doanh nghiệp lớn, có thương hiệu…”.

Vì sao sinh viên ra trường chê việc? ảnh 3

Tỉ lệ cử nhân thất nghiệp giảm, đã vui mừng được chưa?

Một bạn trẻ khác từng phàn nàn trên báo chí: "Bản thân là người lao động thì ai cũng có nhu cầu về lương, về chế độ đãi ngộ cả. Càng cao càng tốt. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ cũng phải xem lại mình.

Tôi đây vô làm một công ty lúc đầu toàn bị sai vặt đem cơm cho con của giám đốc, làm tạp vụ như pha trà, bưng bê, photo…. thì nhiều.

Trong khi đó mình muốn thể hiện năng lực thì lại không được, cho nên nhiều bạn có tâm lý muốn vào xin việc tại doanh nghiệp lớn là vậy”. 

Các ý kiến nói trên các bạn trẻ mới ra trường, đã đi làm chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, công ty với quy mô vừa và nhỏ phải tư duy, suy nghĩ lại và có những kế sách phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người làm lao động để “giữ chân” họ, không bị tiếp tục lâm vào tình cảnh thiếu nhân lực.

SÔNG TRÀ