Trong kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian một năm cho việc thực hiện chương trình-sách giáo khoa mới.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm 2017-2018, không để tình trạng lạm thu, xử lý các vi phạm và công khai cho báo chí, người dân được biết.
Trước đó, thông tin với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất việc giãn tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, giáo dục là sự nghiệp trăm năm, lùi lại 1 năm cũng không gây ảnh hưởng gì lớn (Ảnh minh họa: VOV) |
Và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định ngành giáo dục đang hết sức tích cực, nỗ lực cao nhất để có thể triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Và nếu lùi thời điểm thực hiện 1 năm thì sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới;
Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Chính phủ đồng ý lùi tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới |
Nhận được thông tin Chính phủ đồng ý việc lùi thời gian một năm cho việc thực hiện chương trình-sách giáo khoa mới, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 cho rằng:
Việc Chính phủ đồng ý cho giãn thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là quyết định đúng đắn.
Bởi lẽ, theo ông Tùng phân tích:
Tháng 11 năm 2013, nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam đã nhắc tới nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đến tháng 11 năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó ghi rõ “từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu” cho cả 3 cấp học.
Sau đó, tháng 3 năm 2015, Chính phủ phê duyệt đề án, nhắc lại thời hạn “từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo”.
Để làm được việc này, trong giai đoạn từ 7/2016 đến 6/2018 phải làm nhiều việc, trong đó có:
Thứ nhất, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10;
"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công" |
Thứ hai, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Thứ ba, biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.
“Thế nhưng cả ba việc này đến nay vẫn chưa làm, cho nên việc lùi mốc tiến độ “từ năm học 2018-2019” là điều dễ hiểu.
Giáo dục là sự nghiệp trăm năm, lùi lại một năm cũng không gây ảnh hưởng gì lớn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Từ đó ông Tùng cho hay, Chính phủ đã đồng ý, giờ nếu được Quốc hội thông qua thì ngành giáo dục cũng phải chuẩn bị rất nhiều việc trước khi triển khai chương trình mới vào năm 2019-2020.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian ngắn đó, chúng ta không thể nâng cấp cơ sở vật chất, nâng tầm giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lên ngay được, do đó cần phải có ngay phương án triển khai chương trình - sách giáo khoa mới trên nền tảng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hiện có, rồi từng bước nâng cấp dần để đạt chuẩn.
Hơn nữa, cần phải đưa được tinh thần đổi mới đến cho từng giáo viên như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đây là việc khó nhưng cần thực hiện ngay.
Được biết, ông Lê Trường Tùng – là một trong những thành viên đang vận hành trường trung học phổ thông FPT, vị này băn khoăn rằng:
“Chúng tôi mong đợi rằng sau năm 2018 học sinh được lựa chọn môn để học mà không phải học tất cả các môn, giống như các nền giáo dục tiên tiến khác.
Vậy nếu Quốc hội thông qua quyết định lùi tiến độ triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông mới thì không biết năm 2018 liệu Bộ có thể cho chúng tôi thử nghiệm để học sinh lựa chọn môn học dựa theo chương trình hiện hành mà không chờ phải có chương trình mới hay không?”