Giáo dục tỉnh Bắc Kạn có nhiều khởi sắc sau hội nghị phát triển GDĐT vùng

25/03/2024 06:22
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Từ Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, ngành giáo dục Bắc Kạn đã có giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, từ cuối năm 2022 đến năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được tổ chức vào tháng 12/2022.

Từ sau hội nghị, giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả quan trọng. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có bước chuyển biến tích cực

Theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, số lượng và chất lượng các giải đạt được trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia cao hơn những năm trước. Kỳ thi học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia năm 2023 tỉnh Bắc Kạn đạt được 10 giải, năm 2024 đạt được 18 giải.

Bên cạnh đó, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt 98,10%, tăng 0,44% so với năm 2022.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: PM

Về việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp theo lộ trình được thực hiện nghiêm túc, có nền nếp, phù hợp với thực tiễn địa phương; học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.

Cùng với đó, hết năm 2023, công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tại tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Mạng lưới trường, lớp học từng bước được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn: Năm học 2023-2024, Bắc Kạn có 282 trường mầm non, phổ thông; so với năm học 2022-2023, các trường mầm non, phổ thông giảm 06 trường. Số điểm trường lẻ năm học 2023-2024 còn 423 điểm, giảm 29 điểm so với năm học 2022-2023.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, cả tỉnh có 131/282 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 46,45%, tăng 9,25% so với đầu năm 2023.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, công tác chuyển đổi số tiếp tục đẩy mạnh trong ngành giáo dục.

Đồng thời cảnh quan, môi trường trường học ngày càng có chuyển biến tích cực; nhiều trường đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện.

Đánh giá về những tín hiệu tích cực sau hội nghị, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, những kết quả đạt được như trên đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện công tác giáo dục và đào tạo.

Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành được quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị các trường học không ngừng được quan tâm đầu tư, trang bị theo hướng đạt chuẩn. Các chủ trương thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Vẫn khó khăn với bài toán thiếu giáo viên

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Kạn còn gặp một số khó khăn.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay, ngành Giáo dục của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn về đội ngũ giáo viên, như chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, đặc biệt là còn thiếu giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Số biên chế (giáo viên, nhân viên) giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục đều thấp hơn định mức quy định do hằng năm tỉnh phải thực hiện cắt giảm biên chế theo quy định nên tỉnh không có đủ biên chế để giao cho các cơ sở giáo dục theo định mức.

Về cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định, nhất là phòng học bộ môn.

Nhiều phòng học được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ, chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, phòng học bán kiên cố xuống cấp, hết niên hạn sử dụng (mầm non 27,2%, tiểu học 40,4%); thiết bị dạy học hiện đại (ngoài danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) ít được đầu tư, đặc biệt là thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị dạy và học ngoại ngữ, thiết bị phục vụ chuyển đổi số.

Để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu để Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch để phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của ngành giáo dục, đảm bảo quy định về chuẩn trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nhiệm vụ của ngành, nhất là đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang phối hợp với các trường đại học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hằng năm, tỉnh đã bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng: Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì cần ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định đối với mỗi cấp học; có phương án bố trí giáo viên theo cách thức: một giáo viên dạy liên trường, liên cấp; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, làm cơ sở cho việc quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Từng bước chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mới

Năm 2024 đánh dấu cho chặng đường cuối của chương trình giáo dục phổ thông 2006, từ đây, ngành giáo dục sẽ triển khai đồng bộ chương trình giáo dục mới.

Để thực hiện chương trình mới ngày càng hiệu quả, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết, trước hết, phải ưu tiên công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục quan tâm tham mưu cho các cấp để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa để đáp ứng thực hiện công tác dạy và học theo chương trình mới.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về đổi mới giáo dục và đào tạo để tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân đối với công tác giáo dục và đào tạo.

Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 đã để ra.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn, từ hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, ngành giáo dục tại địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Một là, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giáo dục và đào tạo.

Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về kết quả, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó phát huy vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Ba là, ngành giáo dục và đào tạo phải xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, giải pháp cụ thể từng năm, từng giai đoạn, phù hợp thực tế để tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Bốn là, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục. Tham mưu xây dựng được cơ chế, chính sách để khuyến khích hoạt động giáo dục và đào tạo phát triển. Thực hiện có hiệu quả việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo và công tác xã hội hóa.

Năm là, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời đánh giá, tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động, lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thu Trang