LTS: Câu chuyện hợp đồng hay biên chế với giáo viên đang được rất nhiều thầy cô giáo quan tâm.
Trong bài viết này, thầy Sơn Quang Huyến đặt vấn đề về việc làm thế nào để giáo viên yên tâm công tác khi bỏ biên chế.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc bỏ biên chế với giáo viên, đã và đang nhận được sự quan tâm của giáo giới.
Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ biên chế với giáo viên nói riêng và viên chức nói chung, tạo động lực phấn đấu, cống hiến cho người lao động; chống lại “sức ỳ” do biên chế sinh ra; chống “chạy biên chế” v.v... Bỏ biên chế suốt đời với viên chức là mệnh lệnh cuộc sống.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến trái chiều, việc bỏ biên chế lúc này với giáo viên đã phù hợp chưa; bỏ biên chế, có nảy sinh ra chạy hợp đồng hàng năm không? Không ổn định, giáo viên có bám trường bám lớp không?
Những lo lắng nảy sinh đó, không phải là không có cơ sở. Có nhà giáo phát biểu “Nếu xin việc, tôi chọn dạy hợp đồng”. Thế nhưng từ “hợp đồng” đang là nỗi kinh hoàng của không ít giáo viên lỡ yêu nghề, mến trẻ.
Làm thế nào để giáo viên yên tâm với sự nghiệp trồng người? (Ảnh minh họa: VTV) |
Kinh hoàng nhất với “giáo viên hợp đồng”, không đến từ vùng sâu, vùng xa, mà ngay Thủ đô yêu dấu.
Hàng ngàn giáo viên các huyện Sóc Sơn… đang “sống mòn” với đồng lương “phi luật pháp” 1.200.000 đồng/tháng. Dẫu vậy, họ đang bị đá “từ bục giảng bay ra … chuồng heo” sau khi tuổi thanh xuân đã ra đi vì tình yêu con trẻ.
Giáo viên “hợp đồng” trong các trường tư thục cũng chẳng sáng sủa hơn; phần nhiều là sinh viên sư phạm “tỉnh lẻ” ra trường; không có “ba trăm lạng” để “chạy công chức”; nếu về quê “Thủ khoa cũng đi chăn lợn”; để đảm bảo cuộc sống, “chân ngoài dài hơn chân trong” hoặc phải làm thêm công việc khác trong trường, tính ra ngày không dưới 12 tiếng!
Không ít giáo viên dạy dân lập, luôn chờ mong cơ hội thi công chức, kiếm một chỗ dạy ở trường công. Có thể do dư luận, thói quen suy nghĩ, hợp đồng vẫn là một từ “ám ảnh” nhà giáo.
Thực trạng quản lý giáo dục gây bất an với nhà giáo
Các nước tiên tiến về giáo dục, giáo viên, công chức khác cũng hợp đồng; có vào, có ra; chỉ cần không thực hiện đúng yêu cầu “văn hóa công sở” là bị “thanh lý”. Thế nhưng, giáo dục của họ cũng cứ phát triển, thu hút nhân tài; tại sao vậy, họ hơn ta ở sự minh bạch.
Sự minh bạch của xã hội, tạo sự tự trọng của con người; không làm được, đáp ứng được, họ từ chức có văn hóa.
Hè này bị cắt hợp đồng, tôi bỏ dạy về chạy xe ôm |
Nếu quản lý, làm sai luật, có chế tài xử lý rõ ràng. Luật pháp chi tiết, chỉ có một cách hiểu, sai hoặc đúng. Vì thế, buộc hiệu trưởng phải làm đúng.
Với thực trạng của chúng ta, những tiêu cực trong giáo dục được đăng tải trên báo chí, giáo viên vùng khác, trường khác nhận xét “Sao chuyện này giống trường mình”! Cán bộ quản lý thích làm sao thì làm, không căn cứ vào luật pháp.
Chỉ đơn cử vấn đề phân công giáo viên trực hè, sai luật, thế nhưng cả cán bộ lẫn giáo viên “vui vẻ” thực hiện; muốn nghỉ hè thì … phải đóng tiền trực hè!
Giáo viên dù biết mình đúng, không dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính mình; a dua với cái sai, chấp nhận “sống chung với lũ” còn hơn bị lũ cuốn.
Đã có luật rành rành ra đó, vậy mà cán bộ vẫn làm bậy; thử hỏi tất cả các vấn đề liên quan đến bỏ biên chế còn “tù mù”, giáo viên an tâm sao được?
Làm sao để giáo viên an tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục khi bỏ biên chế viên chức?
Đầu tiên phải giáo dục được cán bộ quản lý phải có liêm sỉ. Nếu thiếu liêm sỉ, họ sẽ làm bậy, người chịu thiệt thòi nhất chính là học trò. Minh chứng nóng hổi nhất ở ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Khi cán bộ đứng đầu thiếu liêm sỉ, ngành giáo dục đã xảy ra vụ cướp điểm kinh thiên động địa trong lịch sử thi cử nước ta; vậy mà chẳng ai chịu từ chức!
Giáo dục luật pháp cho cán bộ quản lý, giáo viên; trong trường sư phạm phải dạy các luật cơ bản như luật lao động, luật giáo dục, luật công chức, viên chức v.v...
Xây dựng bộ đánh giá công chức, người lao động khách quan, khoa học; đảm bảo hiệu trưởng phải vì chất lượng giáo dục của trường; quản lý theo pháp luật; giáo viên làm tốt chức trách, nhiệm vụ, đảm bảo không bị thanh lý hợp đồng.
Trong lúc các điều kiện đi kèm còn rối rắm, việc bỏ biên chế gây bất an cho nhà giáo là điều dễ hiểu. Thế nhưng, quy luật cuộc sống khó tránh khỏi, bỏ biên chế suốt đời với viên chức, sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.
Muốn không bị đào thải, giáo viên phải tu dưỡng, rèn luyện, tự học, đáp ứng được nhu cầu của thời đại 4.0.
Thành bại của giáo dục, không chỉ phụ thuộc vào giáo viên, các nhà quản lý đóng vai trò không nhỏ.
Công tác cán bộ tốt, phải tiêu diệt các kiểu bổ nhiệm “tứ ệ”, “bốn c”; “chọn người nhà, không chọn người tài”; chọn được người có tâm, có tầm quản lý giáo dục, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp trồng người; đem lại an, yên cho các thầy cô giáo; thầy cô hạnh phúc, học trò sẽ hạnh phúc.