Giáo viên được gì từ hội thảo giới thiệu sách giáo khoa?

02/03/2024 06:38
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa chỉ là nơi để các tác giả quảng cáo về bộ sách của mình. Tôi vẫn cứ chọn bộ sách giáo khoa mà năm ngoái các em đã học.

Thời gian này, sở giáo dục và đào tạo ở nhiều địa phương đã và đang phối hợp với các nhà xuất bản, các đơn vị có sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa cho năm học 2024-2025.

Theo thông báo về các trường, mục đích của buổi hội thảo là nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về các bản sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Từ đó giúp các trường học trên địa bàn có cơ sở lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023 của Bộ.

gdvn-hội thảo giới thiệu sách.jpg
Giáo viên tham dự buổi hội thảo giới thiệu sách trực tuyến (Ảnh Đỗ Quyên)

Thông tư số 27/2023, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các sách giáo khoa trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Buổi hội thảo diễn ra từ 2 đến 3 ngày vào những ngày trong tuần. Một số thầy cô giáo đã phải nghỉ dạy, nhờ đồng nghiệp dạy dùm hoặc trông lớp hộ để tham dự hội thảo.

Nội dung hội thảo có gì?

Người viết từng tham dự một số hội thảo giới thiệu sách khoa. Các buổi hội thảo có nhiều nội dung lặp lại các năm. Đó là giới thiệu những điểm mới của chương trình môn học; chương trình môn học 2006 so với chương trình môn học 2018; cấu trúc sách; cấu trúc bài học; những điểm nổi bật về nội dung sách…

"Những nội dung này năm nào cũng giới thiệu, cũng dễ kiếm tìm. Chỉ cần lên mạng gõ vài dòng trên google là có ngay các kết quả. Có nhất thiết giáo viên phải bỏ lớp, nhờ người dạy hộ để tham dự không?”, một giáo viên bức xúc chia sẻ.

Tại hội thảo, giáo viên được nghe các giáo sư, tiến sĩ, Tổng chủ biên, chủ biên và tác giả trình bày những điểm mới về nội dung, cấu trúc và định hướng tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của 3 bộ sách. Đây là 3 bộ sách sẽ được chọn đưa vào sử dụng giảng dạy trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ năm học 2024 – 2025.

Cứ sau mỗi nội dung giới thiệu về mỗi cuốn sách giáo khoa thuộc ba bộ sách, các thầy cô giáo còn được nghe giới thiệu các nguồn tài liệu hỗ trợ giáo viên sử dụng giúp việc giảng dạy đạt hiệu quả.

Ngoài việc giới thiệu sách giáo khoa thì hệ thống vở bài tập của bộ sách (cứ mỗi cuốn sách giáo khoa của bộ môn nào thì kèm theo đó là một cuốn vở bài tập), sách tham khảo cũng được giới thiệu khá chi tiết.

“Nói thẳng, dự buổi hội thảo giới thiệu sách, tôi cảm tưởng như một buổi tiếp thị sách của nhà xuất bản. Nhà xuất bản có bộ sách Cánh Diều thì nói về điểm tốt của bộ này. Ít thấy yếu tố thảo luận, buổi này đơn giản chỉ là nơi để các tác giả quảng cáo về bộ sách của mình. Thực tế, nhà xuất bản, tổng chủ biên các bộ sách có giới thiệu hay đến đâu thì tôi vẫn chọn bộ sách mà năm ngoái các em đã học. Nó giúp giáo viên dễ tiếp cận, học trò cũng vậy”, một giáo viên chia sẻ.

“Lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 học sinh ở địa phương hiện đang học bộ sách Chân trời sáng tạo. Vì thế, không có lý gì năm nay lại chọn bộ sách khác”, một giáo viên lớp 5 chia sẻ.

Cùng học một bộ sách sẽ thuận lợi cho cả học sinh và giáo viên

Theo nhiều giáo viên, cùng một bộ sách được biên soạn bởi một nhóm tác giả thì kiến thức sẽ được sắp xếp liền mạch hơn.

Nói là các bộ sách khi biên soạn đều bám vào mục tiêu của chương trình nên kiến thức, kỹ năng sẽ luôn được đảm bảo như nhau. Tuy nhiên, một điều khác và ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh và giáo viên lại là cách sắp xếp các mạch kiến thức trong mỗi bộ sách hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ, sách Toán học lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều không có phần tách - gộp số. Nếu lên lớp 2, học sinh tiếp tục học bộ sách Cánh Diều sẽ không vấn đề gì.

Trong khi đó, sách Toán học lớp 1 của bộ Chân trời sáng tạo đã dạy cho học sinh làm quen với dạng toán tách - gộp số. Trường nào lớp 1 chọn sách Toán bộ Cánh Diều, lên lớp lớp 2 chọn sách Toán bộ Chân trời sáng tạo, sách yêu cầu học sinh phải học khá nhiều dạng toán tách - gộp số do lớp 1, sách Toán của bộ sách Chân trời sáng tạo đã dạy rồi. Lúc này, để học sinh nắm được bài, giáo viên chỉ còn cách quay lại dạy dạng toán tách - gộp số.

Chính vì thế, phần đông giáo viên đều cho rằng, các lớp cùng học chung một bộ sách sẽ thuận lợi việc mỗi khối lớp học một bộ sách khác nhau. Vì thế, những buổi hội thảo giới thiệu sách cho năm học sau không còn nhiều ý nghĩa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên