Giáo viên mừng vì không còn bị "tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm" ám ảnh

19/07/2022 06:40
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tâm trạng chung của đội ngũ nhà giáo khi đọc thông tin này đều thể hiện sự lạc quan, hy vọng vì những tiêu cực trong chấm sáng kiến kinh nghiệm sẽ được loại bỏ.

Ngày 17/7/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: Từ 01/01/2024, giáo viên không có sáng kiến vẫn có thể đạt chiến sĩ thi đua, bằng khen của tác giả Bùi Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Bởi vì, chỉ cần bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua sẽ giúp cho giáo viên giỏi, giáo viên có nhiệt huyết có thêm động lực phấn đấu, công tác vì sau một năm công tác họ có thể có các danh hiệu thi đua phù hợp với công sức phấn đấu của mình.

Nếu như vẫn còn tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên là còn tiêu cực, còn nhiều thị phi bởi nhiều nơi đã tồn tại quá nhiều bất cập trong chấm sáng kiến kinh nghiệm hằng năm. Từ đó, dẫn đến những trăn trở cho nhiều thầy cô giáo đang công tác ở các đơn vị trường học.

Tư năm 2024, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm sẽ không còn khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tư năm 2024, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm sẽ không còn khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều giáo viên đã chán sáng kiến kinh nghiệm đến tận cổ

Câu chuyện sáng kiến kinh nghiệm đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh liên tục trong nhiều năm qua nhưng nó là tiêu chí bắt buộc trong xét thi đua khiến cho nhiều thầy cô giáo có thành tích nhưng vẫn không được xét thi đua đối với các danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Trước đây, khi còn thực hiện việc đánh giá viên chức cuối năm theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP thì tại điểm đ, khoản 1, Điều 25 đã hướng dẫn những viên chức không đảm nhận chức vụ muốn được xét viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có có tiêu chí: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Sau này, khi thực hiện Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi và hiện nay là Nghị định 90/2020/NĐ-CP khi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thì tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm khi xét viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã không còn nữa.

Tuy nhiên, việc xét thi đua cuối năm hiện nay đang được áp dụng theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Nghị định này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng khi xét thi đua từ danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Trong khi, nếu được xét danh hiệu thi đua từ danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì giáo viên mới có thể đủ điều kiện để nhận các loại danh hiệu, bằng khen cao hơn của các cấp và đặc biệt là có cơ hội để được nâng lương trước thời hạn.

Chính vì thế, khi sáng kiến kinh nghiệm gắn liền với quyền lợi thiết thực của nhà giáo nên bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm có đủ điều kiện để xét danh hiệu thi đua.

Đồng thời, cũng vì tiêu chí này mà một số nơi, lãnh đạo phòng, sở giáo dục cũng “nhìn tên”, nhìn “vị trí công tác” của cán bộ quản lý, giáo viên để chấm sáng kiến kinh nghiệm. Điều đó khiến nảy sinh thị phi từ dưới cơ sở.

Bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua là phù hợp với thực tiễn

Không phải ngẫu nhiên mà khi thông tin “Từ 01/01/2024, giáo viên không có sáng kiến vẫn có thể đạt chiến sĩ thi đua, bằng khen” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ sau 1 ngày đã có hàng trăm ngàn người đọc, chia sẻ, phản hồi.

Tâm trạng chung của đội ngũ nhà giáo khi đọc thông tin này đều thể hiện sự lạc quan, hy vọng vì những tiêu cực trong chấm sáng kiến kinh nghiệm tới đây sẽ được loại bỏ để xét thi đua hàng năm được trở về đúng nghĩa.

Bởi, theo Luật số 06/2022/QH15 Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm chỉ còn áp dụng cho các danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh. Riêng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở đã không còn áp dụng tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm.

Đối với hình thức xét, đề nghị công nhận Bằng khen của các cấp cũng không còn cứng nhắc khi áp dụng tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm như trước đây.

Hy vọng, sau khi Luật số 06/2022/QH15 Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các sở, phòng giáo dục sẽ có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp để tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí bắt buộc khi xét các danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ cơ sở trở lên.

Bởi vì, tiêu chí này đã tồn tại quá lâu, có không ít sáng kiến kinh nghiệm chấm giải xong rồi nó đi đâu, về đâu không ai biết nhưng chúng ta lại phải tốn tiền chi cho giám khảo chấm, khen thưởng trực tiếp cho người đạt giải sáng kiến kinh nghiệm.

Kèm theo đó là lợi ích với người có sáng kiến kinh nghiệm, bởi có sáng kiến kinh nghiệm là đủ điều kiện để xét các danh hiệu cao, họ được khen thưởng, được tăng lương trước thời hạn…

Những nhà giáo khác dù dạy giỏi, có nhiều học sinh giỏi các cấp, có tỉ lệ học sinh thi vượt cấp đậu nhiều, tỉ lệ tốt nghiệp cao nhưng chỉ vì sáng kiến kinh nghiệm của mình không đạt giải mà họ phải ngậm ngùi không được là chiến sĩ thi đua.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-01-01-2024-gv-khong-co-sang-kien-van-co-the-dat-chien-si-thi-dua-bang-khen-post228044.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY