Người thầy Pháp mang nghị lực sống cho người khuyết tật Việt Nam

28/03/2012 06:00
Hồ Sỹ Anh - Nguyễn Lâm Tùng
(GDVN) - Pierre Desdevisse đã giảng dạy võ thuật cho người khuyết tật để họ có nghị lực trong cuộc sống. 

Truyền nhân của Cửu long võ đạo

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại trường ĐH Paris 6 (Pháp), Pierre đầu quân cho một công ty chuyên về cung cấp thiết bị công nghiệp. Công việc ổn định với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, Pierre sớm nhận ra đó không phải là điều anh thực sự muốn làm.

Nộp đơn xin nghỉ việc, Pierre rời đất nước hình lục lăng để đến với Việt Nam. Làm việc cho Đại sứ quán Pháp được gần một năm, Pierre lại “nhảy việc” với lý do công việc gò bó và nhàm chán. Anh đến với Công ty Cổ phần Phát triển Thể thao Việt Nam VSC, đồng thời quản lý các dự án Quảng bá võ thuật của Pháp tại Việt Nam trong khoảng thời gian ba năm. Cũng kể từ đây, Pierre bén duyên với võ thuật.

Năm 2009, Pierre rời Việt Nam quay về Pháp theo học chuyên ngành giáo dục thể chất tại ĐH Nantes và làm việc cho Hiệp hội Karate của Pháp với tư cách quản lý phát triển và truyền thông.

Pierre gia nhập môn phái Cửu long võ đạo từ khi 14 tuổi. Đây là một trường phái võ thuật đặc biệt, nhằm vào việc giải tỏa mặc cảm và kết nối chủ nhân với chính cơ thể của mình thông qua võ thuật. Chính vì vậy, đối tượng của nó hướng tới cũng là những người rất “đặc biệt”: người khuyết tật, bệnh nhân và… tù nhân.

“Ở bệnh viện, công việc của tôi là hướng dẫn bệnh nhân những hình thức vận động phù hợp nhằm hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Trong nhà tù thì mọi thứ khó khăn hơn bởi ai cũng biết, các tù nhân là đối tượng rất đặc biệt. Tôi không dạy võ thuật mà chỉ sử dụng Cửu long võ đạo như một liệu pháp tâm lý. Giúp họ (những tù nhân-PV) hàn gắn mối quan hệ, biết lắng nghe và tôn trọng người khác hơn”, Pierre chia sẻ về công việc của mình.

Được xem là truyền nhân của Cửu long võ đạo, Pierre đã tham gia giảng dạy môn võ này tại nhiều bệnh viện và nhà tù ở khắp nơi trên thế giới. Anh cũng là một trong số ít những võ sư được nhận bằng về “dạy học trong nhà tù” từ Hiệp hội Karate quốc tế. 

Mang nghị lực sống cho người khuyết tật

Pierre Desdevisse giới thiệu hình thức phát triển con người khuyết tật thông qua những nguyên lý trong võ thuật, đặc biệt là với người khuyết tật. Sự tự tin trong thể chất là một yếu tố không thể thiếu để giúp người khuyết tật đủ bản lĩnh chấp nhận thực trạng cơ thể, không e ngại những động chạm giữa người và người, được là chính mình mà không sợ hãi khi đối diện với mọi người trong xã hội.
Pierre đã luyện võ 15 năm, đã kế thừa phương pháp này từ sư phụ võ thuật của mình là một người ngồi xe lăn, làm việc với người khuyết tật, và với tù nhân trên khắp thế giới. Và với Việt Nam thì như ngôi nhà thứ hai của Pierre.

Với Pierre thì triết lý của phương pháp dạy võ thuật cho người khuyết tật là tin vào việc giải tỏa mặc cảm và kết nối chủ nhân với chính cơ thể của mình thông qua võ thuật, để làm bật lên sự tự tôn của mỗi con người và giúp họ tự tin hoà nhập vào cộng đồng.
Biết được tâm lý tự ti, sống khép mình trong xã hội và đặc biệt là sức khỏe ngày càng xuống cấp của những người khuyết tật nên Pierre Desdevisse đã giảng dạy võ thuật cho người khuyết tật để họ có nghị lực trong cuộc sống.
Biết được tâm lý tự ti, sống khép mình trong xã hội và đặc biệt là sức khỏe ngày càng xuống cấp của những người khuyết tật nên Pierre Desdevisse đã giảng dạy võ thuật cho người khuyết tật để họ có nghị lực trong cuộc sống.

Tâm huyết đối với người khuyết tật 

“Người khuyết tật vốn mang nhiều mặc cảm về cơ thể và khả năng vận động của mình. Điều này dẫn tới những hạn chế trong giao tiếp xã hội và tư duy độc lập. Chúng tôi muốn sử dụng Cửu long võ đạo để hướng dẫn người khuyết tật (vận động, tư duy, thị giác), tin tưởng vào bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống”, Pierre cho biết.

Hiện tại, Pierre đang hướng dẫn hàng chục học viên của Trung tâm Sống nghị lực (Hà Nội) phương pháp luyện tập độc đáo này. Các bài học xoay quanh việc vận động để cơ thể thanh thoát hơn trong chuyển động và/hoặc những cách thức để tự vệ khi bị người khác tấn công. Tuy nhiên, Pierre luôn nhấn mạnh, rằng võ thuật sinh ra không phải để làm hại người khác mà đơn giản chỉ là để rèn luyện trí-lực.

Hầu hết các học viên đều tỏ ra rất thích thú vì tác dụng thấy rõ của liệu pháp này. Sự ngượng ngùng ban đầu qua nhanh, thay vào đó là tinh thần luyện tập hăng say, tích cực. Chẳng vậy mà không khí lớp học luôn rộn ràng và tiếng cười nói khúc khích thì cứ vang lên không dứt trong căn phòng nhỏ.

“Tôi muốn phải làm thế nào để chính những người Việt Nam các bạn khi học xong môn võ này có thể truyền dạy lại cho những người khuyết tật khác. Như vậy ý nghĩa của nó sẽ lớn mạnh và lâu dài hơn”, Pierre cho biết thêm.   

Chia sẻ về lý do trở lại Việt Nam tham gia dự án hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, Pierre chia sẻ: Chỉ để cho… vui! Mọi người vui thì anh cũng thấy vui. Chẳng vậy mà nhiều người hài hước nói, dự án mà Pierre đang thực hiện cùng Life Art là dự án “Vui cùng Pierre”.

Pierre nói, anh yêu quý người Việt Nam vì mọi người đều rất tốt bụng (hoặc chí ít thì cũng là anh may mắn gặp được toàn người tốt). Anh cũng hy vọng trong thời gian tới có thể mở rộng mô hình đào tạo này sang các tỉnh, thành khác ở Việt Nam. Sau đó nếu có điều kiện, anh sẽ mang môn võ này đến với các quốc gia khác trong khu vực.

Vì yêu mến Việt Nam và để truyền đạt hết thông tin của mình cho học trò, mà Pierre Desdevisse đã cố gắng học tiếng Việt. Và hiện giờ anh nói tiếng Việt rất thành thạo và có thể dùng cả ngôn ngữ Hán Việt trong bài giảng của mình.
Bởi thầy của Pierre cũng là người khuyết tật nên việc học lại các môn võ của thầy khá là khó khăn đối với anh, Pierre tâm sự: “Để học được những thế võ của thầy buộc tôi phải hiểu được những gì mà thầy truyền thụ bằng ngôn ngữ võ thuật của thầy chứ không phải đơn thuần chỉ bắt chước các động tác, và vì thầy ngồi xe lăn dạy tôi nên tôi cũng phải dùng xe lăn để luyện tập”.
Cái khó khăn mà Pierre phải vượt qua khi đến với người khuyết tật Việt Nam là vóc dáng, Pierre chia sẻ: “vóc dáng của người Việt Nam khá nhỏ bé so với người Pháp, vì vậy mà tôi phải biến đổi thế võ sao cho hợp với họ, và để họ dễ thực hiện”. Và Pierre cho rằng việc giúp người khuyết tật tự tin giao tiếp của người Việt Nam khá khó khăn bởi họ luôn tự ti, vì vậy mà mỗi bài võ phải có sự chào nhau trước khi thực hiện.

Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của Pierre.
Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của Pierre.

Hồ Sỹ Anh - Nguyễn Lâm Tùng