GV bật mí về dự án Tết vùng Mường Bi tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia

21/01/2023 06:34
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nữ giáo viên trường PTDT THCS&THPT Tân Lạc có những chia sẻ xoay quanh dự án của hai học trò về Tết năm mới vùng Mường Bi.

Vùng đất cổ Mường Bi (Tân Lạc) là 1 trong 4 vùng Mường lớn: "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” của tỉnh Hòa Bình. Mường Bi có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Mường.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã công bố 2 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023. Trong đó có dự án "Tìm hiểu và gìn giữ phong tục Tết năm mới của vùng Mường Bi", của 2 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Tân Lạc.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với cô giáo Đinh Thị Thu Hương (người hướng dẫn 2 học sinh Bùi Thị Ngân và Bùi Thị Lan Anh thực hiện dự án), để hiểu thêm về phong tục, tập quán đón tết của vùng Mường Bi tại Tân Lạc.

Cô Đinh Thị Thu Hương cho biết, nhà trường có khoảng 95% học sinh là người dân tộc (dân tộc Mường là chủ yếu), 5% số học sinh còn lại là dân tộc Kinh.

Cô Hương chụp ảnh cùng hai thí sinh được cô hướng dẫn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. (Ảnh: NVCC)

Cô Hương chụp ảnh cùng hai thí sinh được cô hướng dẫn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. (Ảnh: NVCC)

Nhằm giáo dục cho học sinh về văn hóa dân tộc Mường, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ để các em có sự gắn kết với nhau trong việc phát huy gìn giữ nét đẹp của địa phương. Ví như Tết Nguyên đán 2023, mỗi lớp sẽ làm một video về phong tục đón tết của địa phương và lễ hội Khai hạ Mường Bi, nội dung được thuyết minh tiếng Mường và chạy phụ đề tiếng Việt.

Cô Hương nhận định, hiện nay đời sống xã hội phát triển, nhiều học sinh địa phương là dân tộc Mường nhưng không hiểu rõ về truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là phong tục đón Tết.

Trước thực trạng trên, cô Hương đã lên ý tưởng để triển khai dự án "Tìm hiểu và gìn giữ phong tục Tết năm mới của vùng Mường Bi", nhằm lan tỏa phong tục Tết của người dân vùng Mường Bi. Nữ giáo viên và hai cô học trò cũng là dân tộc Mường nên càng ấp ủ việc thực hiện dự án.

Cô Hương cho hay, trong cuộc thi khoa học kỹ thuật có hai mảng chính là khoa học kỹ thuật (bao gồm những lĩnh vực kỹ thuật phân theo nhánh) và mảng khoa học xã hội và hành vi. Dự án của nhóm là về khoa học xã hội và hành vi, theo đó học sinh sẽ tìm hiểu về phong tục Tết của người Mường trên địa bàn .

Ở cùng một địa bàn huyện Tân Lạc, văn hóa đón tết của người Mường là khác nhau, đây là điều đặc biệt của người dân địa phương. Trong đó, phong tục đón tết của người dân vùng Mường Bi rất đặc biệt, khi vào mùng 6-8 Tết diễn ra lễ hội Khai hạ Mường Bi.

Nếu như dân tộc Kinh thường cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, và làm mâm cơm trong những ngày đầu năm. Thì với dân tộc Mường, họ chỉ cúng vào một ngày gọi là "Ngày làm tết". Vào ngày này họ sẽ "đụng lợn" làm mâm cỗ cúng Tết. Các gia đình sẽ làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết trong khoảng ba tuần hương, sau đó sẽ có thời gian nghỉ, rồi lại làm lễ khấn để "tiễn chân" các cụ.

Hai nữ sinh Bùi Thị Ngân và Bùi Thị Lan Anh (đứng giữa) chụp ảnh cùng giáo viên trong trường. (Ảnh: NVCC)

Hai nữ sinh Bùi Thị Ngân và Bùi Thị Lan Anh (đứng giữa) chụp ảnh cùng giáo viên trong trường. (Ảnh: NVCC)

"Mỗi gia đình sẽ tự lựa chọn ngày cúng và những năm sau cũng sẽ tổ chức 'Ngày làm tết' vào đúng ngày đó", cô Hương nói.

Sau khi cúng lễ, các gia đình sẽ chúc Tết người thân, bạn bè như phong tục chung của dân tộc ta. Tuy nhiên, hiện nay do xã hội phát triển nên việc chúc Tết có thể trước hoặc sau.

Dịp Tết Nguyên đán 2022, cô Hương đã hướng dẫn nữ sinh Bùi Thị Ngân và Bùi Thị Lan Anh về việc chụp ảnh, quay phim đón Tết của người dân địa phương.

Nữ giáo viên cho biết, việc thực hiện nội dung dự án không có khó khăn, bởi cô và hai trò đều là dân tộc Mường, đều nắm được cơ bản về phong tục về dân tộc mình. Điều khó nhất với họ là việc ghi lại hình ảnh thực tế ngày Tết.

Vừa qua, nhóm đã tham gia cuộc nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 cấp tỉnh. Theo đó, thí sinh thuyết trình về dự án và ban giám khảo đặt ra câu hỏi cho học sinh trả lời.

"Trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 của tỉnh tổ chức, chúng tôi đã giành giải nhất", cô Đinh Thị Thu Hương chia sẻ.

Đánh giá mặt hạn chế của dự án vẫn có, cô Hương cho hay, việc học sinh "tác nghiệp" bằng điện thoại nên hình ảnh chưa được đẹp, Tết Nguyên đán 2023, nhóm sẽ kết hợp với đội ngũ quay phim để có những thước phim chân thực về phong tục đón Tết của vùng Mường Bi.

Đến tháng 2/2023, hồ sơ dự án sẽ nộp về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2022-2023 cấp quốc gia, nên hiện tại, các cô trò đang chuẩn bị những tâm thế tốt nhất để "tác nghiệp", bổ sung tư liệu vào Tết năm nay.

Kể từ năm 2000, lễ hội Khai hạ (Khuống mùa) - lễ hội truyền thống cổ, đáng chú ý nhất ở vùng Mường Bi đã được khôi phục lại.

Khai hạ chính là lễ hội phổ biến nhất của người Mường Bi xưa để tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu...

Sau lễ hội Khai hạ, huyện Tân Lạc cũng phục dựng các lễ hội truyền thống cổ đặc sắc như: lễ hội đánh cá suối Lỗ Sơn; lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh...

Mạnh Đoàn