LTS: Học thêm, dạy thêm từ lâu đã trở thành một vấn nạn làm tăng xu hướng học tủ, học lệch, học trước chương trình. Chính lối học thụ động này sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ khiến các em bị bào mòn khả năng sáng tạo, tinh thần ham học hỏi với những thứ mới mẻ xung quanh.
Thông qua câu chuyện đứa cháu đi học thêm, cô giáo Đỗ Quyên (một giáo viên Tiểu học) đã có bài viết phản ánh ảnh hưởng tiêu cực của vấn nạn này đến những thế hệ tương lai của đất nước.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Đứa cháu đi học về là ném sách vở vào một xó rồi miệt mài ngồi bấm điện tử, ba cháu nhiều hôm bực quá la lên:
“Mày đã học lớp 10 rồi nhưng tao thấy có mấy khi mang sách vở ra học bài. Tao không hiểu mày học hành thế nào trên lớp?”
Phụ huynh đang chờ đón con sau một ca học thêm tại Trường Trung học Phổ thông Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: plo.vn). |
Đáp lại lời cằn nhằn của ba, cậu bé Hùng trả lời rành rọt: “Con vẫn học giỏi nhé. Ba không thấy ngày nào con cũng đi học thêm sao? Học thêm thầy hướng dẫn giải hết bài tập rồi còn gì đâu mà học nữa?”.
Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy |
Rồi cậu kể cho tôi nghe: “Con học thêm 5 môn, mỗi môn tuần học 2 buổi thế là trọn tuần con đi học thêm còn gì nữa”.
Tôi còn lạ gì cách dạy thêm của nhiều giáo viên, thay vì thầy cô sẽ ôn lại những kiến thức các em đã học còn hổng, những kiến thức học sinh còn yếu nắm chưa chắc do chưa tiếp thu kịp, để giúp các em bổ sung và nâng cao kiến thức.
Nhưng phần đông giáo viên dạy thêm toàn dạy những kiến thức mới (có nghĩa là dạy trước chương trình).
Những kiến thức này, ngày sau lên lớp các em sẽ được học lại lần nữa, được làm lại những bài tập đã làm ở lớp học thêm. Vì thế, nhiều học sinh tỏ ra rất giỏi nhưng nếu cho một bài toán khác dạng đã học đi một tí thì không nhiều em làm được.
Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm! |
Cứ hết một chương kiến thức, thường sẽ có bài kiểm tra 1 tiết, học sinh ở lớp học thêm sẽ được thực hành một số dạng bài tập sẽ có trong đề kiểm tra. Thế rồi, các em cứ làm đi làm lại nhiều lần đến thuộc lòng cách làm bài mới.
Vì thế, kiến thức chỉ là học vẹt, nhớ không sâu nên dễ dàng sẽ bị quên trong một thời gian dài.
Với cách học “ăn xổi”, “ăn sẵn” bởi có người đã “tư duy hộ” nên đã có nhiều trường hợp học sinh giỏi xuất sắc 9 năm liền nhưng thi vào lớp 10 chỉ đạt 0 điểm toán, 0 điểm Anh văn.
Nếu không đi học thêm, học sinh sẽ phải tự mình ôn lại bài ngày hôm đó, học thuộc lý thuyết và suy nghĩ cách vận dụng vào bài tập thực hành. Muốn làm bài kiểm tra cho tốt, các em còn phải hệ thống lại kiến thức đã học của cả chương và giải thêm nhiều bài tập vận dụng khác.
Như thế, các em đã tư duy, phải suy nghĩ ra cách làm bài nên hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức.
Cho dù con điểm mà các em đạt được có thể không cao bằng những bạn đi học thêm nhưng chắc chắn khi tham gia kì thi lớn những học sinh này bản lĩnh hơn nhiều.
Cũng có một số giáo viên không đồng tình với cách dạy trước chương trình hay mớm đề kiểm tra nên có ý kiến góp ý nhưng giáo viên dạy thêm đã trả lời thẳng thừng: “Nếu không dạy thế chẳng em nào đi học”.
Học thêm không chỉ tốn thời gian, tiền bạc, nhiều học sinh đi học chính khóa về lại tất tả chạy qua lớp học thêm.
“Có tăng lương cho giáo viên thì dạy thêm học thêm vẫn tồn tại” |
Có em không kịp ăn uống chỉ gặm vội ổ bánh mì, gói xôi rồi vào lớp trong tâm thế vô cùng mệt mỏi. Học thêm còn triệt tiêu tính tự học, tự tư duy của các em.
Bên cạnh đó, dạy thêm học thêm còn tạo nên sự không công bằng đối với mọi đối tượng học sinh trong lớp.
Đã có không ít học sinh bức xúc lên tiếng:
“Bạn ấy học thua con rất nhiều nhưng kiểm tra bao giờ cũng đạt điểm tuyệt đối. Còn con, dù cố gắng rất nhiều vẫn chỉ đạt 9 điểm bởi có một câu hỏi khó mà chỉ bạn nào đi học thêm mới làm được mà thôi”.
Vì thế, cấm dạy thêm, học thêm cũng là giúp cho học sinh biết cách tự học, tạo nên sự công bằng cần thiết trong môi trường giáo dục hiện nay.