LTS: Sau bài viết “Giáo viên chờ đợi gì ở hội nghị công chức, viên chức?” của tác giả Sơn Quang Huyến, tiếp tục chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết “Giáo viên chờ đợi gì ở hội nghị công chức, viên chức?” của tác giả Sơn Quang Huyến đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/9 với lời khẳng định không thể đúng hơn về bản chất của hội nghị công chức đang diễn ra hàng năm trong ngành giáo dục “nó hợp thức hóa” các “văn bản dân chủ” điều hành đơn vị trong cả năm học.
Quan trọng nhất là các chỉ tiêu mà giáo viên đã đăng ký “năm nay, cao hơn năm trước”, đảm bảo nhà trường đạt thành tích xuất sắc”.
Hội nghị chỉ để thông qua các chỉ tiêu từ trên áp xuống
Trước khi diễn ra hội nghị chính thức (cấp trường), các tổ chuyên môn cũng tiến hành cuộc họp tổ có người gọi là “hội nghị cấp tổ”.
Tại đây, bản kế hoạch năm học của trường (sẽ được triển khai trong hội nghị) được đưa xuống tổ để thảo luận, lấy ý kiến thông qua trước các chỉ tiêu.
Hội nghị cán bộ công chức (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: thphuduca.pgdtamnong.edu.vn). |
Nói là lấy ý kiến cho vui chứ chỉ tiêu đưa ra bao nhiêu giáo viên chỉ được phép nâng lên mà không có quyền hạ xuống.
Nâng chỉ tiêu lên cũng rất ít vì nhiều chỉ tiêu đã chạm đỉnh 100%, thấp cũng gần 99%. Còn hạ chỉ tiêu xuống lại chẳng khác gì muốn “hái sao trên trời”.
Nhớ có khá nhiều lần, khi nhìn một loạt chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu học sinh khá, giỏi…cao ngất ngưởng mà chất lượng học sinh năm ấy trong khối lại quá yếu.
Nhiều giáo viên của tổ chúng tôi đồng loạt hạ chỉ tiêu xuống cho thực chất (cũng chỉ hạ một vài phần trăm).
Khi bản dự thảo được nộp lên, Ban giám hiệu mời tổ trưởng chuyên môn lên nhắc nhở, gây sức ép. Thế là dù không muốn thì những chỉ tiêu ban đầu nhà trường đưa ra vẫn được giữ nguyên.
Có giáo viên bức xúc “vậy cần gì phải họp cho mất thời gian? Lần sau trên đưa gì mình cứ đồng ý hết là được”.
Làm sao có được hội nghị công chức, viên chức đúng nghĩa?
Đây không chỉ là mong muốn mà là niềm khao khát của nhiều nhà giáo có tâm, luôn trăn trở với nghề.
Về lý thuyết, hội nghị công chức, viên chức đầu năm sẽ là nơi các nhà giáo đánh giá thực tế chất lượng học của học sinh. Từ đó, cùng nhau đưa ra chỉ tiêu cần đạt cho phù hợp thực trạng ấy.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những chỉ tiêu đã đăng kí.
Các thầy cô giáo sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, những giải pháp của mình cho đồng nghiệp học hỏi mà mục đích không nằm ngoài việc nâng chất lượng dạy và giáo dục học sinh. Những ý kiến đóng góp, sẻ chia của giáo viên luôn được cấp trên tôn trọng và lắng nghe.
Thế nhưng hội nghị công chức, viên chức diễn ra hàng năm lại chẳng làm được điều đó.
Mục đích của hội nghị chẳng khác gì kiểu lấy ý kiến thông qua các chỉ tiêu Ban giám hiệu đã ấn sẵn.
Dù không ít cán bộ quản lý cấp trường cũng không muốn thế nhưng chính họ cũng bất lực trước một tiền lệ, một cách làm áp đặt từ trên xuống bao năm qua.
Đã có những hiệu trưởng nói rằng nhà trường không muốn áp chỉ tiêu quá cao gây áp lực cho giáo viên và đánh giá chất lượng không đúng thực chất. Nhưng chính nhà trường cũng không thể hạ chỉ tiêu trước sức ép của phòng giáo dục.
Bài báo của tác giả Sơn Quang Huyến không nêu đích danh hội nghị diễn ra ở trường học nào? Thuộc tỉnh thành nào? Thế mà bạn đọc là giáo viên ở khắp nơi đọc vào, ai cũng phải thầm nhủ “sao giống trường mình thế?”.
Những người quản lý cứ ngỡ rằng, bài báo cũng đang chỉ trích chính mình, chính trường học nơi mình làm chủ.
Điều đó chứng tỏ một điều, hàng ngàn trường học trên cả nước vẫn đang có hàng ngàn cuộc hội nghị công chức, viên chức diễn ra theo đúng kế hoạch để hợp thức hóa tất cả chỉ tiêu, các chi tiêu nội bộ…theo đúng “ý chủ”.
Để có những hội nghị thật sự đúng nghĩa của hai từ “dân chủ” theo ý tập thể, thay đổi từ phía cơ sở là rất khó.
Ngành giáo dục cần một sự thay “máu” tổng thể mà bắt đầu từ “bộ tổng chỉ huy”. Việc làm đầu tiên chính ta bỏ cách áp đặt chỉ tiêu như hiện nay. Chỉ tiêu phải được đưa ra trên cơ sở từ thực tế.